Từ văn hóa Danshoku đến tình yêu của các chàng trai ngày nay
Từ xa xưa tại xứ Phù Tang đã xuất hiện những mối tình mà các nam nhân dành cho nhau, cho thấy sự cởi mở nhất định so với xã hội hiện đại.
Danshoku là gì?
"Danshoku - 男色" (hoặc Nanshoku) là một thuật ngữ để chỉ mối quan hệ tình cảm và cả tình dục mà nam giới dành cho nhau có trước thời Edo (1603-1868), và được coi là một phần của phong tục yêu đương thời đó.
Sự thịnh hành của văn hóa Danshoku xưa
Thời xưa, xã hội Nhật có các tổ chức cấm sự xuất hiện của phụ nữ và chỉ có cánh mày râu tham gia như đội quân Samurai hay đoàn kịch Kabuki. Và sự vắng mặt của nữ giới trong những hội nhóm này đã thúc đẩy việc hình thành nên các mối quan hệ lãng mạn giữa nam giới.
Vào thời Edo, tình yêu đồng giới nam khá phổ biến, nhất là ở tầng lớp Samurai. Có rất nhiều câu chuyện, giai thoại về chuyện tình của các nam nhân, đặc biệt mối tình đồng giới của lãnh chúa Tokugawa là “gây bão” nhất.
Theo “Tokugawa Thực Kí” ghi chép lại, lúc Tokugawa 16 tuổi, ông đã đem lòng yêu Sakabe Gozaemon, người hầu cận và cũng là người bạn thời thơ ấu của vị lãnh chúa. Đang thuở yêu đương mặn nồng thì Sakabe đã “giở chứng ngoại tình”, lén lút hẹn hò với người khác khiến Tokugawa khi biết chuyện thì rất tức giận và ra tay sát hại người tình. Cũng từ đó mà Tokugawa bắt đầu sa đọa vào nhiều mối tình đồng giới, yêu chiều nhiều nam nhân và không có hứng thú với nữ giới. Ông lập hậu, lập thiếp cũng chỉ vì mục đích chính trị, duy trì nòi giống cho gia tộc.
Ở thời đó, chủ đề về tình yêu của các nam nhân đã xuất hiện trong văn học, như được thấy trong các tác phẩm của Ihara Saikaku, chẳng hạn như Nanshoku okagami, tác phẩm xuất bản vào năm 1687, gồm 8 phần, 40 chương với nội dung 4 phần đầu miêu tả những chuyện tình của samurai, 4 phần sau là chuyện của diễn viên Kabuki.
Đối tượng của mối quan hệ Danshoku là ai?
Sự khác biệt cơ bản giữa Danshoku và đồng tính luyến ái nam hiện đại đó là Danshoku thường là tình yêu giữa một người trưởng thành và một thiếu niên, còn thời hiện đại thì chỉ là mối quan hệ giữa 2 người nam với nhau.
Những chàng trai trẻ tuổi được coi là bạn tình lý tưởng vì họ chưa trải qua ghi lễ trưởng thành Genpuku và chưa dậy thì, mang vẻ ngoài “nữ tính” ngây thơ hơn. Đặc biệt là Wakashu - những thiếu niên mang vẻ ngoài “đẹp hơn hoa” rất được yêu thích. Họ sẽ đóng vai trò là “Uke” trong mối quan hệ, được chăm sóc bảo vệ, yêu thương cũng như sẽ nghe theo yêu cầu của “Seme” - những người đàn ông lớn tuổi hơn, đã trưởng thành và có địa vị trong xã hội.
Mặc dù những mối tình trai này thường bắt đầu lãng mạn, ngọt ngào nhưng kết thúc không mấy tốt đẹp khi những cậu trai trẻ bị bỏ rơi, thậm chí có thể bị sát hại sau lễ Genpuku, do những người đàn ông trưởng thành phải kết hôn với phụ nữ để đảm bảo nối dõi tông đường.
Đồng tính luyến ái nam đã được đề cập trong văn hóa phương Tây từ xưa, điển hình như chuyện về Patroclus và Achilles trong thần thoại Hy Lạp. Và quan niệm của Danshoku cho rằng tình yêu đồng giới nam có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ cao hơn tình yêu khác giới, cho thấy Danshoku không phải là một hình thức văn hóa độc đáo đặc trưng mà là khát khao thầm kín của nam giới, vượt thời gian và địa lý.
Danshoku tuy không bị ngăn cấm vào thời Edo, nhưng thành kiến về mối quan hệ này đã bắt đầu bùng phát mạnh mẽ trong thời Minh Trị (1868 - 1912) trở đi. Mọi người bắt đầu nhìn nhận đồng tính là một chủ đề bị cấm và nhận về những sự phán xét cùng những hình phạt đầy khắc nghiệt. Chính vì thế, dù có thời kỳ phát triển rực rỡ nhưng ngày nay, sự chấp nhận của xã hội đối với người LGBTQ tại Nhật tương đối chậm so với phương Tây.
Sự ảnh hưởng đến thể loại BL
Tuy nhiên, văn hóa Danshoku vẫn tiếp tục “hiện hữu” ở thời Minh Trị, như xuất hiện trong các trường nội trú nam sinh và trong văn học, truyện kể, tiểu thuyết với các tác phẩm tiêu biểu: Uita sekusuarisu, xuất bản năm 1909 của Mori Ogai hay Kusa no hana, xuất bản năm 1954 của Fukunaga Takehiko.
Ngày nay, theo chủ trương nhìn nhận của nhiều người thì tình yêu đồng giới không bị coi là lệch lạc, bên cạnh đó, sự giao thoa giữa Danshoku và ủng hộ LGBTQ khi thừa nhận sự đa dạng của ham muốn tình dục đã tạo tiền đề cho phong trào ủng hộ LGBTQ.
Và từ đây công chúng xứ Nhật, đặc biệt là fan nữ đã “phát sốt” với các thể loại văn hóa như manga, anime, phim ảnh, tạp chí, tranh vẽ, trò chơi điện tử về tình cảm giữa hai người đàn ông, được gọi chung là Shounen-ai (hay BL – Boy’s Love trong tiếng Anh) và làn sóng ủng hộ nó còn lan tỏa ra khắp toàn cầu.
Shounen-ai mang đến những tác phẩm cởi mở, đa dạng và tươi sáng hơn, phù hợp với sự tiến bộ của thời đại khi không còn tập trung vào những câu chuyện tình có cái kết bi kịch với những nam nhân yêu nhau có sự phân cấp trong xã hội, khác biệt về địa vị.
Những câu chuyện tình yêu giờ mang muôn vàn sắc thái và những người yêu nhau luôn bình đẳng trong mối quan hệ với tình cảm xuất phát từ bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm... chứ không phải chủ yếu là chủ - tớ đem lòng thương nhau như trong Danshoku.
Từ những câu chuyện tình yêu trong Danshoku đến văn hóa BL đang phát triển không ngừng với làn sóng hâm mộ toàn cầu đã cho thấy cách chấp nhận sự đa dạng tính dục tại Nhật Bản. Qua đó tạo thêm sắc thái, sự đa dạng cho tình yêu trong nghệ thuật và truyền đạt những cái nhìn tích cực, cởi mở hơn về LQBTQ.
kilala.vn
Nguồn: Nippon
Đăng nhập tài khoản để bình luận