Khuyến khích người lớn tuổi cổ vũ đội bóng yêu thích để nâng cao sức khỏe tinh thần
Đây là sáng kiến mới nhất, sử dụng sức mạnh của thể thao để nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần của người già, trong bối cảnh xã hội Nhật Bản đang già hóa nhanh chóng.
Cụ thể, họ sẽ tham gia sẽ chọn cầu thủ “Oshi” của mình trong số các thành viên câu lạc bộ địa phương. Họ treo đồ trang trí theo màu sắc của câu lạc bộ và poster có hình các cầu thủ. Vào những ngày thi đấu, mọi người đều mặc đồng phục của đội mình và xem trận đấu trên TV.
Trong tiếng Nhật, “Oshi” dùng để chỉ người hoặc vật mà chúng ta rất thích và muốn giới thiệu nó cho người khác, trong khi “katsu” có nghĩa là hoạt động. Chính vì thế thuật ngữ “Oshi-katsu” được dùng để chỉ những hoạt động, trong đó mọi người nhiệt tình ủng hộ những người hoặc vật mà họ yêu thích, chẳng hạn như ca sĩ và nhân vật anime, đồng thời chia sẻ những điều tốt đẹp về Oshi đó với những người xung quanh.
J.League được thành lập vào năm 1991, vì vậy không phải người lớn tuổi ở Nhật Bản nào cũng cảm thấy gắn bó với bóng đá. Mayuko Yoshimura, trưởng nhóm xúc tiến của dự án cho biết: “Ban đầu, một số người lo ngại rằng người cao tuổi sẽ khó quan tâm và ủng hộ dự án, trừ khi đó là môn bóng chày hoặc sumo, vốn quen thuộc hơn ở Nhật Bản”. Tuy nhiên, kể từ khi dự án này được triển khai, nó đã trở nên phổ biến ở nhiều nơi, nhiều báo cáo cho thấy sự gia tăng đáng kinh ngạc trong việc tham gia của người lớn tuổi, với số lượng cơ sở chăm sóc người cao tuổi tham gia dự án đã tăng từ 74 lên 160.
Một phụ nữ ở độ tuổi 80 sống tại tỉnh Toyama thường quên mất những gì mình vừa ăn do bệnh mất trí nhớ, nhưng bà không bao giờ quên rằng mình đã xem một trận đấu và bắt đầu mong chờ trận tiếp theo. Một người phụ nữ khác ở độ tuổi 80 ở Kobe bắt đầu học tiếng Tây Ban Nha để cổ vũ cho Andres Iniesta, người đang chơi cho đội tuyển Kobe vào thời điểm đó.
Và một cụ ông 90 tuổi bị huyết áp cao nhưng các chỉ số kiểm tra cho thấy huyết áp của ông đã trở nên ổn định sau khi xem trận đấu một ngày. Các lợi ích khác cũng được báo cao bao gồm: ăn nhiều hơn bình thường, cải thiện chất lượng giấc ngủ…
Ngoài ra, các cụ ông, cụ bà và nhân viên cùng nhau cổ vũ đã tạo ra cảm giác đoàn kết và bình đẳng, giúp không khí trong các cơ sở trở nên tươi sáng hơn và thúc đẩy động lực của nhân viên. Nhận thức về những sáng kiến như vậy đã dẫn đến việc nhiều sinh viên đến thăm hơn và cũng có tác động tích cực đến việc tuyển dụng nhân viên.
Đây là một sáng kiến độc đáo chạm đến trái tim của người cao tuổi, tăng cường sức khỏe tinh thần và thể chất, đồng thời giúp chống lại sự cô đơn và cô lập. Đó là một ví dụ điển hình về cách sử dụng sức mạnh của thể thao để giải quyết các vấn đề xã hội.
kilala.vn
Nguồn: Yomiuri
Đăng nhập tài khoản để bình luận