Kenya Hara: Người thiết kế logo mới của Xiaomi là ai?

    Dù chỉ trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội sau khi thiết kế logo mới cho Xiaomi nhưng Kenya Hara đã là một tên tuổi lừng lẫy trong làng thiết kế. Đặc biệt, ông chính là nhân vật đứng sau thành công của MUJI – thương hiệu đồ dùng nội thất, thời trang và làm đẹp nổi tiếng của Nhật Bản.

    Câu chuyện được mọi người bàn tán xôn xao những ngày qua xoay quanh việc đổi logo của thương hiệu Xiaomi – nhà sản xuất đồ điện tử nổi tiếng. Vậy logo ấy có gì đặc biệt mà khiến cho “netizen” phải dùng những từ ngữ như “bất ngờ”, “không thể tin được” để nói về nó? Và câu trả lời cũng thật bất ngờ, đó là chiếc logo ấy không thay đổi gì nhiều so với ban đầu nhưng giá trị của thương vụ này lại lên đến 7 tỷ đồng. Không rõ đây có phải là chiến lược marketing của Xiaomi hay không (rõ ràng là thế khi họ không tốn một xu quảng cáo nhưng độ viral của logo này lại là niềm mơ ước của những người làm truyền thông), nhưng bên cạnh cái tên Xiaomi thì người đứng sau thiết kế này lại được quan tâm hơn cả – Nhà thiết kế (NTK) người Nhật có tên Kenya Hara, giáo sư của Đại học Mỹ thuật Musashino kiêm Chủ tịch Trung tâm thiết kế Nippon (NDC).

    kenya hara người thiết kế logo mới của Xiaomi

    Sinh ra để làm sáng tạo

    NTK Kenya Hara ra đời vào năm 1958 tại Tokyo, Nhật Bản, vào thời điểm mà nước Nhật đang dần chuyển sang công nghiệp hóa với hàng loạt các nhà máy được xây dựng. Tận mắt chứng kiến những sự thay đổi về kinh tế và công nghiệp của đất nước đã hình thành trong Hara một cái nhìn sâu sắc về tương lai và giá trị cốt lõi bên trong mỗi quốc gia, mỗi cá nhân. 

    Câu nói “Nghề chọn người” rất đúng đối với Hara. Khi còn nhỏ, ông đã được học vẽ tranh suốt thời trung học nhưng chưa bao giờ ý niệm trở thành NTK tồn tại trong tâm trí của ông, ngay cả sau khi ông tốt nghiệp đại học Mỹ thuật Musashino và theo học chương trình thạc sĩ về thiết kế tại đại học Ulm, Đức. 

    đại học musashino
    Đại học Musashino, nơi Kenya Hara theo học, sau này ông cũng trở thành giáo sư của trường. Ảnh: JPSS

    Sau khi tốt nghiệp, công việc trong suốt 1 năm tiếp theo của ông là trợ lý cho Eiko Ishioka, nghệ sĩ và NTK trang phục nổi tiếng của Nhật Bản. Chính nhờ trải nghiệm ấy đã cho Hara cái nhìn mới về nghệ thuật, thách thức sự sáng tạo trong ông.

    Về sau, ông “đầu quân” cho Nippon Design Center – một trong những công ty thiết kế nổi tiếng tại Nhật Bản và gắn bó cho đến ngày hôm nay với vai trò dẫn dắt ngành kiến trúc của Nhật Bản bằng những ý tưởng sáng tạo đến từ sự đơn giản. Tại Thế vận hội mùa đông (1998), ông đảm nhận vai trò thiết kế cho lễ khai mạc và bế mạc, tạo dấu ấn lớn trên trường quốc tế. Từ năm 2001, ông nắm giữ vị trí giám đốc nghệ thuật cho thương hiệu bán lẻ MUJI.

    Quan điểm nghệ thuật khởi nguồn từ triết học Nhật Bản

    Đối với một NTK, sự sáng tạo là gia vị để tạo nên một sản phẩm đặc trưng riêng của mỗi người. Riêng với Hara, sự sáng tạo của ông chính là áp dụng các tư tưởng triết học, xoay quanh các khái niệm bình thường và trừu tượng. Theo quan niệm của ông, mỹ học Nhật Bản có bốn trụ cột quan trọng, đó là: “繊細  sensai “ (tinh tế), “緻密  chimitsu" (tỉ mỉ), “丁寧  teinei” (kỹ lưỡng hoặc chú ý đến chi tiết) và “簡潔  kanketsu” (sự đơn giản). Đây cũng chính là triết lý mà ông đã ứng dụng khi trở thành thành viên HĐQT kiêm giám đốc nghệ thuật của MUJI.

    muji và triết lý hư không của Kenya Hara
    Muji và triết lý hư không của Kenya Hara. Ảnh: nate wearin

    Những quan niệm đã được đề cập phía trên đều được tóm gọn trong triết lý hư không “無 – mu”. Vì sao Hara lại sử dụng triết lý này trong các tác phẩm của mình? Văn hóa Nhật Bản không phải là nền văn hóa khởi nguyên, trong quá trình trải dài của lịch sử, Nhật Bản như một cái phễu, thu nhập tất cả các nền văn minh trên thế giới. Tuy nhiên, một cuộc nội chiến lớn kéo dài hơn 10 năm đã phá hủy thủ đô thời bấy giờ là Kyoto, kéo theo đó là sự biến mất của những thứ tạm gọi là hào nhoáng, xa hoa. Chính lúc ấy, triết lý hư không ra đời.

    Khi nhìn vào một mảnh vườn trống, bạn thấy gì? Với Hara, ông nhìn thấy được tiềm năng của sự giản đơn. Những khu vườn thiền "枯山水 – karesansui” của Nhật Bản chỉ được trang trí bởi cát và sỏi trắng, nhưng chính những khoảng trống (間 – ma) đó sẽ khơi gợi được tâm trí bên trong mỗi người, nuôi dưỡng tâm hồn và thanh lọc bản thân. Đó chính là nền tảng cho những thiết kế của MUJI.

    vườn thiền
    Vườn thiền – nơi tạo cảm hứng cho những tác phẩm của Hara. Ảnh: flickr

    Có thể nói Hara là một người có chấp niệm sâu sắc với màu trắng, đến nỗi ông còn có riêng một cuốn sách “100 màu trắng” chỉ để chia sẻ về chủ đề này. Đối với Hara, màu sắc rất quan trọng trong thiết kế để tạo nên sự đa dạng và sinh động. Tuy nhiên, ông lại chỉ thực sự sử dụng màu sắc trong những lúc cần thiết nhất, còn lại thì màu trắng luôn là màu ông yêu thích. Với ông, màu trắng không chỉ là sự kết hợp của các màu, mà còn là khoảng trống của màu sắc, đại diện cho cơ hội và sự sáng tạo. Vô hình chung, đây là màu thích hợp nhất để nói lên triết lý hư không mà cả đời Hara theo đuổi.

    cuốn sách về 100 màu trắng
    Cuốn sách về "100 màu trắng" do Kenya Hara chắp bút. 

    Bên cạnh đó, với tham vọng toàn cầu, Hara cho rằng một sản phẩm nếu quá đậm nét văn hóa dân tộc sẽ khó tiếp cận với đại chúng, nhưng với “無”, Hara đã mang đến những sản phẩm mang tinh thần Nhật Bản nhưng lại có thể hòa hợp với mọi nơi, mọi loại kiến trúc trên thế giới. Chính vì thế, màu sắc chủ đạo của Muji là trắng, be, những màu trung tính, với thiết kế đơn giản hết mức có thể. Đôi khi chỉ là 1 dòng chữ in trên sản phẩm, không hoa lá, họa tiết, nhưng lạ thay, nếu đặt chân vào không gian của MUJI thì thật khó để bạn có thể tay không ra về.

    Sứ mệnh đóng góp giá trị cho cộng đồng

    NTK nổi tiếng này đã có một câu nói: “Tôi chỉ có hai loại công việc. Đầu tiên là những công việc mà tôi được giao hoàn thành, và thứ hai là những công việc mà tôi đề xuất một ý tưởng cho xã hội, nơi tôi trình bày cách nhìn khác về một điều gì đó”. Hara đã hiện thực hóa điều ấy bằng những cuộc triển lãm dành riêng cho chủ đề này.

    Triển lãm Re-Design: The Daily Products of the 21st Century (2000)

    Triển lãm này lần đầu tiên được tổ chức tại Takeo Paper Show ở Tokyo, và sau đó là Vương quốc Anh, Đan Mạch, Hồng Kông,. Theo Hara, “re-design” (tái thiết kế) là một cách để điều chỉnh và làm mới cảm giác của chúng ta về bản chất của những thiết kế vốn nằm ẩn trong những đối tượng đã quá quen thuộc, đến nỗi chúng ta hầu như không để ý đến nữa. Ông đã mời 32 nhà sáng tạo hàng đầu Nhật Bản từ nhiều lĩnh vực khác nhau như kiến trúc, thiết kế đồ họa, ánh sáng, thời trang, nhiếp ảnh,. để thiết kế lại một số đồ vật rất bình thường, và mỗi người tham gia phụ trách một chủ đề.

    những thiết kế ấn tượng trong buổi triển lãm
    Những thiết kế ấn tượng trong buổi triển lãm. Ảnh: ndc japan

    Trong buổi triển lãm, kiến trúc sư Shigeru Ban đã mang đến chủ đề giấy vệ sinh, một vật dụng quen thuộc với tất cả mọi người. Nhưng thay vì hình trụ thông thường, Ban đã sử dụng những mẫu giấy có hình siêu elip trụ với phần lõi là hình vuông. Việc đổi thiết kế này sẽ làm tối ưu hóa không gian lưu trữ hơn so với những cuộn hình trụ tròn

    Triển lãm đánh thức giác quan

    Mục đích của triễn lãm này là hướng con người cảm nhận mọi vật bằng tất cả các giác quan thay vì thị giác như bình thường để hưởng thụ một cách trọn vẹn mọi điều trong cuộc sống. Những người tham gia cuộc triển lãm này đều sẽ phải sáng tạo hết mức có thể, dùng những vật liệu khác để làm ra những vật quen thuộc như: đèn lồng làm bằng tóc hay điều khiển từ xa làm bằng gel.

    Về mẫu logo gây chấn động của Xiaomi

    Những thay đổi so với logo cũ

    Dưới con mắt của người bình thường, chiếc logo trắng cam này chỉ thay đổi đường bo góc, chữ phía trong nhỏ hơn mẫu cũ. Nhưng đối với dân thiết kế và mỹ thuật, độ bo góc này không đơn giản mà nó đã đạt đến sự cân bằng hoàn hảo. Theo chia sẻ của NTK Kenya Hara, mẫu logo này được thiết kế dựa trên công thức toán học “siêu hình elip” (superellipse). Dành cho những ai chưa biết, superellipse sẽ được áp dụng theo công thức trong hệ tọa độ Descartes, phương trình này được nhà toán học người Pháp – Gabriel Lamé tìm ra. Về sau nhà thơ và nhà khoa học người Đan Mạch – Piet Hein đã đặt cho nó cái tên chính thức là “superellipse”. Có thể nói đây là hình học giao thoa giữa hình elip và hình vuông, mang một số tính chất của elip. Trong kiến trúc, superellipse được các kiến trúc sư Bắc Âu ứng dụng trong không gian mở, nội thất và kể cả bùng binh trên đường. Nếu bạn còn thấy hình dạng superellipse hơi quen, thì chính xác hình học này đã được Apple ứng dụng trong thiết kế điện thoại và ứng dụng iOS.

    tỷ lệ hoàn hảo của logo Xiaomi mới
    Tỷ lệ hoàn hảo của logo Xiaomi mới, ứng dụng công thức "siêu elip". Ảnh: 

    Ngoài thiết kế mới có vẻ dễ chịu hơn nhờ các góc bo tròn thì ông Kenya Hara còn chia sẻ rằng mẫu logo mới này phản ánh tinh thần nội bộ của Xiaomi và ánh lên ý niệm của sự sống “Alive”. Là một nhà sản xuất các thiết bị công nghệ, “Alive” đối với Xiaomi có ý nghĩa đặc biệt, là sự hòa hợp giữa con người và công nghệ, hứa hẹn tương lai sẽ là những thay đổi lớn hơn về sản phẩm của Xiaomi.

    Sự kết hợp giữa Kenya Hara và Xiaomi: Giới chuyên môn nói gì?

    “Tạo ra một cái gì mới hoàn toàn được gọi là sáng tạo, nhưng làm cho một thứ đã có sẵn ít ai biết đến trở nên nổi tiếng thì cũng gọi là sáng tạo. Với tôi, vế thứ hai hữu ích hơn trong việc xác định rõ được thiết kế là gì”. Logo Xiaomi là một case study nổi tiếng cho câu nói này của Hara, trước đó là Muji.

    Với những “người ngoại đạo”, con số 7 tỷ đồng là quá cao so với một logo không thay đổi gì nhiều, tuy nhiên, với những người làm thiết kế và marketing, đây là một nước đi thông minh của Xiaomi.

    những thiết kế của Xiaomi trước giờ đều thiên về tối giản
    Những thiết kế của Xiaomi trước giờ đều thiên về tối giản, có sự đồng bộ với tư tưởng của Hara. Ảnh: teknonogi

    Đầu tiên, việc hợp tác với Hara đã là một định hướng cho các chiến dịch truyền thông và sản phẩm sau này của Xiaomi, vì chỉ từ một chiếc logo được bo góc sẽ là kim chỉ nam cho cả một hệ sinh thái mới mà Xiaomi muốn theo đuổi: “Không cần KHÁC biệt mà hãy TỐT hơn”. Triết lý hư không của Hara đã quá nổi tiếng, và sự thành công của MUJI là một minh chứng.

    Thứ hai, hợp tác cùng Hara là một vinh dự vì địa vị của ông trong ngành thiết kế là vô cùng lớn, con số 7 tỷ ấy là để chi trả cho chất xám của những tinh anh trong Nippon Design Center, những người cùng Hara tạo nên logo này.

    Thông điệp “Alive” mà Hara đưa ra đánh trúng vào mong muốn của Xiaomi, thay đổi những góc cạnh sắc nhọn, xa cách của logo cũ, logo mới bo góc làm cho Xiaomi trở nên thân thiện hơn, hòa nhập hơn với việc đưa công nghệ len lỏi vào cuộc sống của con người. Đây chính là tác dụng của việc đánh lừa thị giác, từ hình ảnh truyền đi thông điệp đến với mọi người.

    Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó là danh tiếng, việc được biết đến hay “viral” dường như là đích đến của mọi thương hiệu, những nhà truyền thông. Về mặt này, Xiaomi đã làm rất tốt khi tin tức về chiếc logo mới đã phủ sóng mọi khắp không gian mạng châu Á, tất cả mọi người đều nói cùng một câu chuyện, khen có, chê có, nhưng tựu chung lại thì họ đã nhắc đến Xiaomi. Điều này làm cho độ nhận diện thương hiệu của Xiaomi tăng lên chưa từng có. Với Xiaomi và Hara, đây chính là sự thành công.

    kilala.vn

    03/04/2021

    Bài: Phương Thảo

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!