Hoa văn may mắn gửi gắm điềm lành

    Nhật Bản sở hữu một kho tàng hoa văn đồ sộ. Những mẫu hoa văn đầu tiên đã theo đồ nhuộm du nhập từ Trung Quốc, Triều Tiên vào Nhật Bản, sau đó kết hợp với các yếu tố văn hóa bản địa để phát triển thành một hệ thống hoa văn độc đáo và mang đậm bản sắc Phù Tang. 

    Trong số vô vàn hoa văn đó, có rất nhiều hoa văn mang ý nghĩa tốt lành, hàm chứa những lời chúc tụng. Chúng được gọi là hoa văn cát tường (吉祥文様). Thật thú vị khi những hoa văn mà bạn vẫn thường bắt gặp thật ra đều mang những thông điệp sâu sắc không ngờ.

    Hoa văn anh đào: mùa màng tươi tốt

    Người Nhật xưa cho rằng Anh đào là loài cây linh thiêng mà vị thần đồng ruộng Sagami thường trú ngụ. Do đó hoa văn hoa Anh đào được coi là hình ảnh biểu trưng cho mùa màng tươi tốt, không chỉ giới hạn trong mùa xuân mà có thể sử dụng vào bất cứ thời điểm nào.

    Hoa văn anh đào: mùa màng tươi tốt

    Cúc: hoa văn xua đuổi tà ma

    Là loài hoa cao quý nhất trong tâm thức người Nhật và là một loại thảo dược Đông y quan trọng. Do đó hoa văn hoa Cúc cũng được cho là có tác dụng xua đuổi tà ma, tượng trưng cho cội nguồn của sinh mệnh và sự trường sinh bất tử. Hoa văn hoa Cúc cũng thường được kết hợp với hoa văn Mai, Lan, Trúc thành bộ “Tứ quân tử”.

    Cúc: hoa văn xua đuổi tà ma

    Hoa văn chim hạc: cầu chúc hòa hợp viên mãn

    Hạc là loài động vật tượng trưng cho sự trường thọ. Hoa văn chim Hạc là mẫu hoa văn cao cấp thường chỉ xuất hiện trong những sự kiện trọng đại như lễ lộc, hôn lễ. Vì hạc trống và hạc mái khi đã kết đôi với nhau thì sẽ vĩnh viễn quấn quýt không rời, nên hình ảnh đôi hạc còn mang ý nghĩa cầu chúc cho vợ chồng hòa hợp, hôn nhân viên mãn.

    Hoa văn chim hạc: cầu chúc hòa hợp viên mãn

    Hoa văn tre trúc: cầu chúc khỏe mạnh bình an

    Tre trúc là loài cây sinh trưởng nhanh và có sức sống mạnh mẽ nên được cách điệu thành những hoa văn mang thông điệp cầu chúc cho con cái chóng lớn, khỏe mạnh và bình an. Hoa văn Tre trúc đi kèm với hoa văn lá Tùng và hoa Mai là bộ ba hoa văn cát tường nổi tiếng rất được người Nhật yêu thích, xuất hiện nhiều trong các sự kiện Thần đạo.

    hoa văn tre trúc
    Ảnh: the paint store online.

    Lá gai dầu: hoa văn cầu chúc cho con cái

    Là hoa văn cách điệu từ lá cây gai đầu - một loài thực vật có sức sinh trưởng vượt bậc với dáng thân thẳng tắp, hoa văn lá gai dầu hàm chứa thông điệp cầu chúc cho con cái lớn nhanh như thổi và có sức sống bền dai.

    hoa văn lá gai dầu

    Mai: hoa văn bình an

    Mai là loài hoa nở vào cuối Đông, dù trong giá rét vẫn tỏa hương thơm sảng khoái. Nếu hoa Anh đào thể hiện vẻ đẹp nữ tính thanh tao thì hoa Mai tượng trưng cho cốt cách cao quý và sự kiên cường của người phụ nữ. Tên hoa Mai trong tiếng Nhật là “Ume” đồng âm với từ “sinh nở” nên hoa văn này còn mang ý nghĩa cầu chúc cho người mẹ vượt cạn bình an.

    hoa văn hoa mai

    Sóng biển

    Gồm những gợn sóng cách điệu được đặt đối xứng nhau theo từng cặp, tượng trưng cho nguồn Dương khí nuôi sống vạn vật. Thời xưa, trang phục sử dụng mẫu hoa văn này thường được may cho những người có địa vị cao quý. Ngày nay, chúng cũng thường xuất hiện trên áo Kimono hay thắt lưng Obi dùng cho các sự kiện trọng đại.

    hoa văn gợn sóng

    Đuôi mũi tên

    Vì mũi tên một khi bắn đi sẽ không quay trở lại nên hoa văn này thường có mặt trong các hôn lễ thời Edo. Áo Kimono may bằng vải nhuộm hoa văn đuôi mũi tên cũng rất thịnh hành trong giới nữ sinh thời Meiji, Taisho và thường được mặc kèm với quần Hakama, giày bốt. Ngày nay chúng vẫn thường được mặc vào ngày lễ tốt nghiệp đại học.

    hoa văn đuôi mũi tên

    Biểu tượng của sự bất tử bất diệt: hoa văn hình bướm

    Quá trình lột xác rực rỡ của Bươm bướm là cảm hứng để những mẫu hoa văn này ra đời. Chúng từng được giới võ sĩ ưa chuộng như một biểu tượng của sự bất tử, bất diệt. Tuy nhiên do hình ảnh “ong bướm” cũng mang ý nghĩa tiêu cực nên nữ giới nên hạn chế mặc những trang phục này tại hôn lễ hay những nghi lễ cần sự tôn nghiêm.

    hoa văn bướm

    Thỏ: hoa văn điềm lành

    Là loài động vật có nhiều đặc tính mang điềm lành như: phóng xa - dễ thăng tiến; sinh sản nhiều - vinh hiển đường con cháu; tai dài - phúc dày; không quay đầu về phía sau à sự cầu tiến, luôn hướng về phía trước. Ngoài ra dáng vẻ hiền lành của loài Thỏ còn tượng trưng cho sự thuận hòa, gia can yên ổn.

    hoa văn thỏ

    Đường thảo: tượng trưng cho phồn vinh, trường thọ

    Tiếng Nhật gọi là “Karakusa”, có nguồn gốc từ Ai Cập – Lưỡng Hà và du nhập vào Nhật Bản thông qua cửa ngõ nhà Đường (Trung Quốc). Thời mới du nhập, mẫu hoa văn này rất được Thiên hoàng, tầng lớp quý tộc và tăng lữ ưa chuộng. Hình ảnh những sợi dây leo sinh sôi trên Đất mẹ với sức sống bất diệt là biểu tượng của sự phồn vinh và trường thọ.

    hoa văn đường thảo

    Quả bóng Mari: lời cầu chúc cho con gái

    Vốn là một trong những món đồ chơi mà cha mẹ thời Heian thường chuẩn bị cho con gái phải gả chồng từ khi còn bé. Mẫu hoa văn Mari thường được kết hợp với hoa văn hoa cỏ và các loại nhạc cụ cách điệu như sáo, trống,… nhằm cầu chúc cho các cô gái sẽ có cuộc sống đủ đầy, êm đềm và hạnh phúc khi về nhà chồng.

    hoa văn bóng mari

    Hoa văn chim Cú

    Chim Cú trong tiếng Nhật được gọi là “Fukurou”, nếu dùng Hán tự để biểu âm có thể cho ra nhiều ý nghĩa như “may mắn tìm đến” (福来郎), “không gặp khó khăn” (不苦労), “hưởng tuổi già một cách êm đềm, sung túc” (福老),… Ngoài là biểu tượng của sự may mắn, đôi mắt hoạt động tốt trong đêm của chim Cú còn tượng trưng cho sự minh mẫn, thấu suốt.

    hoa văn chim cú

    kilala.vn

    03/03/2020

    Bài: Mayu Senda
    Ảnh: Pixta

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!