Đồng phục - những "bộ cánh" xinh đẹp của học sinh Nhật Bản

    Từ xa xưa, Nhật Bản luôn đề cao việc tạo sự công bằng trong môi trường giáo dục cho từng học sinh, vì vậy đồng phục là thứ không thể thiếu trong mỗi ngôi trường. Với mục đích tạo cho học sinh một không khí thoải mái, không phân biệt giàu nghèo qua vẻ bề ngoài, đồng phục đã được quyết định là trang phục để học sinh mặc đến trường hằng ngày.

    Đồng phục Nhật Bản ra đời từ khi nào?

    Trước thời Minh Trị, khi đồng phục còn chưa ra đời, học sinh Nhật Bản thường mặc trang phục truyền thống đi học với Kimono cho nữ và Hakama cho nam. Tuy nhiên, sau khi nền văn hóa phương Tây du nhập vào Nhật, người ta nhận ra rằng việc mặc trang phục truyền thống sẽ gây bất tiện khi cử động và giá tiền để làm ra sẽ đắt hơn nhiều so với đồng phục hiện đại, vì thế bộ đồng phục mang phong cách phương Tây được ra đời. Dù vậy, trong thời gian chiến tranh, để thuận tiện cho việc đồng áng và chiến đấu chống giặc, đồng phục đã bị lãng quên trong một thời gian dài. Cho tới mãi sau này khi kết thúc chiến tranh, chính phủ Nhật Bản mới đưa đồng phục quay trở lại với học sinh.

    những bộ cánh xinh đẹp của học sinh Nhật Bản
    Đồng phục của học sinh Nhật Bản ra đời vào thời Minh Trị.

    Với mục đích xóa tan khoảng cách giàu nghèo giữa các học sinh, đồng phục không chỉ để tạo sự công bằng, mà còn là một cách quản lý rất thông minh của nhà trường. Khi khoác trên mình bộ đồng phục, các học sinh sẽ mang theo “màu sắc” riêng biệt của ngôi trường mình theo học, cùng nhau đảm nhận “nhiệm vụ” trở thành “bộ mặt của nhà trường”, cố gắng hết sức vì ngôi trường của mình dù là hiện tại hay tương lai.

    Vì đồng phục đã được đưa vào sử dụng từ khá lâu, thế nên có nhiều ý kiến cho rằng nó không còn phù hợp với xã hội hiện đại ngày nay nữa. Nhiều học sinh cho rằng, đồng phục không có ý nghĩa để tồn tại khi họ muốn thể hiện cá tính riêng với những trang phục cá nhân. Ngược lại, cũng có ý kiến đồng tình cho rằng đây là một món đồ “tiêu chuẩn hóa” giúp học sinh có thể nhận thức vị trí của mình trong xã hội. Dù có nhiều ý kiến trái chiều về sự tồn tại của đồng phục, nhưng giờ đây nó đã trở thành một nét văn hóa của Nhật Bản. Ngoài ra, đồng phục còn giúp loại bỏ đáng kể những vụ bắt cóc, bạo lực, trốn học, phân biệt đối xử…

    Đồng phục học sinh Nhật Bản
    Mục đích của đồng phục là tránh sự phân biệt đối xử trong trường học.

    Tuy tất cả đều khoác trên mình chung một kiểu mẫu nhưng đồng phục không làm mất đi sự khác biệt trong tính cách mỗi con người. Trong những năm gần đây, đồng phục hầu như được nhận về những đánh giá tốt khi có những sự đổi mới đáng kể về kiểu cách. Thậm chí, đồng phục của Nhật Bản đã trở thành một món đồ với thiết kế “fashional” thật nổi bật để các trường học thu hút học sinh về với trường.

    Thiết kế của những bộ đồng phục

    Cũng như các nước khác trên thế giới, Nhật Bản chia ra hai loại: Đồng phục dành cho nam và đồng phục dành cho nữ.

    Đối với đồng phục nam, thời xưa, nam sinh Nhật Bản luôn phải khiến các cô gái phải trầm trồ trong bộ đồng phục mô phỏng lại trang phục của lính diễu binh. Ngày nay thì trang phục của nam sinh cũng trở nên đơn giản hơn với quần tây, áo sơ mi, blazer khoác ngoài cùng với chiếc cà vạt cho những dịp đặc biệt.

    Đồng phục học sinh nam Nhật Bản
    Đồng phục của học sinh nam trở nên đơn giản hơn theo thời gian.

    Đối với đồng phục nữ, bộ áo váy được thiết kế theo phong cách thủy thủ chính là những gì mà nhiều người ấn tượng về nữ sinh Nhật Bản. Chúng ta thường thấy váy của nữ sinh Nhật ngắn trên đầu gối khoảng 15 cm, và điều này bắt nguồn từ tính tiết kiệm của các bà các mẹ ngày xưa, khi khó khăn cần tiết kiệm vải.

    Giờ đây, ngành công nghiệp dệt may của Nhật rất phát triển nhưng truyền thống này vẫn được học sinh lưu giữ cho đến bây giờ. Tuy nhiên, kiểu thiết kế này cũng gây ra không ít sự cố cho các nữ sinh, nên có nhiều trường yêu cầu váy nữ sinh phải dài ngang gối hoặc thậm chí dài qua gối.

    Đồng phục học sinh nữ
    So với đồng phục nam thì đồng phục của học sinh nữ ở Nhật Bản có thiết kế đa dạng hơn.

    Không chỉ dừng lại ở đồng phục nam nữ, ở Nhật còn có đồng phục theo mùa như đồng phục mùa đông, đồng phục mùa xuân, đồng phục mùa hè và đồng phục thể dục. Và ở mỗi địa phương, mỗi vùng ở Nhật Bản cũng có kiểu thiết kế đồng phục khác nhau để phù hợp với khí hậu và văn hóa của địa phương đó.

    Trải qua bao năm tháng, những thiết kế về đồng phục cũng có nhiều ý tưởng mới mẻ khi cho ra đời thêm những thiết kế mới như blazer, áo ngắn bolero, váy yếm… Đương nhiên sẽ có ý kiến đồng tình và phản đối, nhưng vẫn không thể phủ nhận những thiết kế mới mẻ này để lại cho nhiều nước trên thế giới một cách nhìn rất riêng về văn hóa đồng phục ở Nhật Bản.

    Đồng phục của học sinh Nhật Bản
    Đồng phục của học sinh Nhật Bản rất đa dạng về kiểu mẫu.

    Một bộ đồng phục của Nhật có giá bao nhiêu?

    Với bộ đồng phục mang sự tỉ mỉ, bao gồm đồng phục mùa hè, đồng phục mùa đông, đồng phục thể dục, đi kèm là những phụ kiện như cà vạt, nơ, giày, tất… thì mức giá cho chiếc combo này khá là “chát”. Giá trung bình của một set đồng phục ở Nhật khoảng 50.000 yên (khoảng 10 triệu VND).

    Dù có chút rẻ hơn so với đồng phục truyền thống thời xưa, nhưng phải nói rằng so với các nước khác thì mức giá cho bộ đồng phục của Nhật cũng khiến nhiều người phải giật mình. Tuy nhiên, đổi lại các học sinh Nhật Bản lại được sở hữu “bộ cánh” thật “hoành tráng” không kém những món đồ hiệu. 

    Vì sao người Nhật rất yêu quý đồng phục? Vì đó là một phần tuổi trẻ, một phần thanh xuân của đẹp đẽ của họ. Vì thế, học sinh Nhật thường xuyên diện đồng phục ngay cả khi đi chơi chứ không phải là một món đồ bắt buộc như ở nhiều quốc gia khác. Khi khoác trên người bộ đồng phục là khi người Nhật được thể hiện sự năng động đúng chất học sinh nhất. 

    kilala.vn

    25/05/2020

    Bài: Mai Hà Linh
    Hình: PIXTA

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!