Để trở thành một đạo sỹ Shinto
Thần đạo (Shinto) là đức tin đầu tiên của người Nhật bản địa đối với các vị thần, linh hồn và ma quỷ được gọi là Kami. Thần đạo không phổ biến lắm bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản mặc dù nó cũng đang được phát triển ở một số quốc gia. Dưới đây là một số hướng dẫn cơ bản cho những ai mong muốn cống hiến cho Thần đạo và trở thành một Thần chức (神職, dành cho nam) hoặc Vu nữ (巫女, dành cho nữ) - tức đạo sỹ Thần đạo.
A. Phẩm chất cần thiết trở thành đạo sỹ
1. Năng lực thể chất và khả năng chịu đựng
Đạo sỹ Thần đạo luôn ngồi theo tư thế Seiza - gập hai chân bên dưới. Do đó bạn cần phải có đủ thể chất để thực hiện tư thế này thường xuyên, đặc biệt là phải giữ dáng vẻ trang nghiêm như thế hàng giờ liền.
2. Sự cân bằng và kiểm soát thể chất/chuyển động
Một số nghiên cứu về múa Odori, Budo (Võ đạo) cũng như các loại hình võ thuật khác có thể sẽ hữu ích cho bạn.
3. Tiếng Nhật lưu loát
Nếu bạn có ý định trở thành một đạo sỹ Thần đạo ở Nhật Bản, đây là điều kiện bắt buộc. Kiến thức về lịch sử Nhật Bản và Thần đạo sẽ là lợi thế của bạn, mặc dù không thật sự cần thiết. Hãy thử tìm đọc một số tài liệu sau đây:
• Kojiki (Cổ sự ký) và Nihonshoki (Nhật Bản thư kỷ) - hai bộ quốc sử đầu tiên của Nhật Bản
• Engishiki (Diên Hỉ thức) - sách về các nghi thức Thần đạo
B. Các chương trình đào tạo đạo sỹ Thần đạo
Hầu hết các trung tâm đào tạo Thần đạo đều nằm ở Nhật Bản. Bạn có thể đăng ký tham gia chương trình đào tạo chính quy bậc đại học ở Nhật, chương trình đào tạo tại các Jinja hoặc chương trình hàm thụ.
1. Chương trình đào tạo chính quy bậc Đại học
Một khi lựa chọn loại hình này, bạn phải dừng công việc hiện tại của mình, lấy thị thực và chuyển đến học tại Nhật Bản. Đừng trông mong sẽ kiếm được việc làm thêm ở đây, vì khi theo học chương trình này bạn phải lên lớp đến 6 ngày/tuần. Bạn phải tiết kiệm đủ tiền để trang trải các khoản học phí, sách vở, vật dụng sinh hoạt và chỗ ở trong 1 hoặc 2 năm (tùy theo chương trình).
Sau đây là bảng kê chi phí tạm tính cho chương trình dài hạn tại Nhật Bản:
- Vé máy bay khứ hồi: 1.000 USD
- Nhà trọ trong 1 năm: 12.000 USD
- Ăn uống trong 1 năm: 6.000 USD
- Học phí: 10.000 USD
- Sách vở và vật dụng sinh hoạt: 1.000 USD
- Chi phí đi lại trong 1 năm: 1.000 USD
- Các khoản linh tinh khác: 2.000 USD
Tổng cộng: 33.000 USD
2. Chương trình đào tạo tại Jinja
Bạn cần có sự liên hệ lâu dài với Jinja (các đền thờ Thần đạo) để đặt vấn đề trước khi được chấp nhận tham gia chương trình. Vì vậy, mặc dù chương trình có thể kéo dài không lâu nhưng bạn có thể mất vài năm để liên lạc với Jinja trước khi được nhận vào. Ví dụ như chương trình đào tạo của Konpira Jinja ở Shikoku. Chương trình này bao gồm ít nhất 2 khóa kéo dài tổng cộng 10 ngày trong một năm. Học viên sẽ được cho trở về Jinja chủ quản để thực hành những gì đã học sau khóa 5 ngày đầu tiên. Chương trình được tổ chức hàng năm trong khoảng 13 - 17/5. Chương trình giảng dạy thay đổi từ năm này sang năm khác và có thể bao gồm những hướng dẫn khác nhau về nghi thức trong Thần đạo, những bài giảng về văn hóa, cấu trúc của các bản chúc từ Norito, lễ phục, nghi thức tụng kinh hoặc các văn bản cổ xưa. Hãy chuẩn bị để ngồi Seiza trong hàng giờ liền và thực hành quỳ nhiều lần. Bạn sẽ được chấm điểm khi tham dự buổi học, thực hiện các nghi thức và làm bài kiểm tra, và phía Jinja sẽ căn cứ vào những điểm số này để cấp văn bằng, chứng chỉ cho bạn. Sự chuẩn bị chu đáo và thái độ kiên nhẫn là chìa khóa cho thành công của bạn. Theo cô Rev. Caitlin Stronell ở Asakawa Konpira Jinja, trong hầu hết các trường hợp, một người sau khi tham gia khóa học sẽ được trở về Jinja chủ quản của họ để thực hành những gì đã học và tiếp tục theo học vào năm sau trước khi nhận được bằng chứng nhận. Tuy nhiên, cô cho biết, không có gì đảm bảo là bạn sẽ nhận được bằng chứng nhận vì nó tùy thuộc vào một chút yếu tố chủ quan.
Bảng kê chi phí tạm tính cho chương trình đào tạo tại Jinja:
- Vé máy bay khứ hồi: 2.000 USD
- Nhà nghỉ 1 tuần cho hai chuyến đi: 1.400 USD
- Ăn uống 1 tuần cho hai chuyến đi: 800 USD
- Học phí hai khóa: 2.000 USD
- Sách vở và vật dụng sinh hoạt: 1.000 USD
- Chi phí đi lại trong 1 tuần cho hai chuyến đi: 400 USD
- Các khoản linh tinh khác: 1.400 USD
Tổng cộng: 9.000 USD
Rev. Patricia Ormsby còn nói thêm về vấn đề tài chính: "Trong trường hợp của tôi, do chỗ ở nằm trên đất của đền thờ nên không quá đắt đỏ. Trong mỗi khóa học của hai năm đầu tiên, tôi chi tổng cộng khoảng 600 USD cho các khoản tiền phòng, tiền cơm, học phí, tàu Shinkansen, các vật dụng linh tinh (không bao gồm tiền mua Hakama, Kimono, lễ phục… được giảm giá ở đó) và các chi phí khác. Nếu bạn hạ cánh tại sân bay Kansai, chi phí đi tàu sẽ ít hơn - khoảng 500 USD. Nhưng bạn có thể cần thêm một vài ngày trọ lại và ăn uống tại khách sạn. Ngoài ra, nếu muốn quyên góp cho đền thờ mình theo học, thông thường bạn sẽ phải chi thêm khoảng 100 USD, hoặc tặng cho đền thờ Sake, gạo hay đặc sản của địa phương đó tùy thiện chí (mặc dù có thể nhiều nơi sẽ từ chối nhận tiền và quà cáp của bạn). Tổng cộng có thể lên tới 5.000 USD”.
Lưu ý là khoản tiền cúng mà Rev. Ormsby đề cập thay đổi tùy theo chương trình và thực tế có thể nhiều hơn.
3. Khóa học hàm thụ
Thông tin dưới đây được cung cấp bởi Irene Takizawa trên ShintoML Yahoo Group. Chúng được đúc kết qua không ít hơn 6 chuyến đi đến Nhật Bản trong suốt chương trình kéo dài 2 năm. Do có thể tùy ý dự giảng và không bị lệ thuộc vào bằng cấp, bạn có thể sắp xếp lịch học sao cho phù hợp với thời gian nghỉ phép của mình mà không cần phải bỏ việc. Nên dự trù khoảng 7 chuyến đi.
Bảng kê chi phí tạm tính cho khóa học hàm thụ:
- Vé máy bay khứ hồi cho 7 chuyến đi: 7.000 USD
- Nhà nghỉ 1 tuần cho 7 chuyến đi: 4.900 USD
- Ăn uống 1 tuần cho 7 chuyến đi: 2.100 USD
- Học phí: 6.000 USD
- Sách vở và vật dụng sinh hoạt: 1.000 USD
- Chi phí đi lại cho 7 chuyến đi: 1.400 USD
- Các khoản linh tinh khác: 1.600 USD
Tổng cộng: 24.000 USD
Sau khi lấy được chứng nhận, bạn có thể tìm việc tại một đền thờ Thần đạo nào đó. Bạn cũng có thể tự bỏ tiền để thành lập một đền thờ riêng hoặc nhờ đến sự hỗ trợ của các đền thờ khác, chẳng hạn như đền thờ mà bạn được đào tạo.
Theo wikiHow
23/06/2016
Bài: wikiHow/ Dịch: Nguyên Giang
Ảnh: flickr/ Bìa: Kumar Nav
Đăng nhập tài khoản để bình luận