Bánh kem Giáng sinh Nhật Bản ra đời như thế nào?
Mặc dù chỉ có khoảng 1% dân số theo Kito giáo, nhưng tại Nhật Bản, Giáng sinh được xem là một dịp lễ lớn và được tổ chức hoành tráng không kém gì những ngày lễ truyền thống khác.
Noel ở xứ sở Phù Tang đặc trưng bởi những ánh đèn rực rỡ tràn ngập khắp phố phường, không khí lễ hội tưng bừng, mùi gà rán KFC lan tỏa trong không khí và chắc chắn có một thứ không thể thiếu: bánh kem Giáng sinh.
Món bánh được trang trí với lớp kem màu trắng mịn màng, bên trên điểm những trái dâu tây đỏ mọng ngọt ngào là món tráng miệng thường được người Nhật thưởng thức vào đêm Giáng sinh. Không giống như ở nhiều quốc gia phương Tây, nơi bánh kem Giáng sinh phải cạnh tranh với các loại đồ ngọt khác như kẹo que, bánh quy gừng., ở Đất nước Mặt trời mọc, chúng chiếm vị trí độc tôn.
Vậy bạn có biết chiếc bánh này xuất hiện ở Nhật Bản từ khi nào và làm thế nào để nó trở thành món ăn không thể thiếu vào dịp lễ Noel của người dân nơi đây không? Hãy cùng Kilala tìm hiểu về lịch sử “ngọt ngào” này nhé!
Bối cảnh lịch sử
Kito giáo du nhập vào Nhật Bản từ thế kỷ 16 thông qua các nhà truyền giáo đến từ Bồ Đào Nha, nhưng trong vài trăm năm, lễ Giáng sinh không được lan rộng dưới hình thức thương mại hay thế tục hóa ở quốc gia này.
Cho đến những năm 1870, các cửa hàng ở Tokyo như Maruzen (chuỗi hiệu sách) mới bắt đầu trưng bày đồ trang trí Giáng sinh và bán thiệp chúc mừng nhập khẩu. Mặt khác, trong những thập kỷ trước Thế chiến thứ hai, xứ sở Phù Tang dường như đã sẵn sàng cho sự bùng nổ văn hóa Mỹ.
Buổi đầu của bánh kem Giáng sinh
Lịch sử của bánh Giáng sinh Nhật Bản bắt đầu từ thời Minh Trị. Năm 1910, ông Fujii Rinemon mở cửa Fujiya hàng đầu tiên của mình ở Motomatachi, khu phố sang trọng tiếp giáp với các quận Yamate và Kannai, nơi tập trung người nước ngoài sống và làm việc ở Yokohama.
Khi thời đại Minh Trị bắt đầu, khu vực Motomachi nở rộ với những quán cà phê, cửa hàng thời trang, tiệm bánh. dọc các con phố. Fujiya là cửa hàng tiên phong trong xu thế bùng nổ văn hóa phương Tây ở Yokohama, nơi nhiều phong tục và hàng hóa của nước ngoài lan rộng đến phần còn lại của đất nước.
Vào tháng 12 cùng năm khai trương, cửa hàng này đã giới thiệu đến khách hàng chiếc bánh Giáng sinh đầu tiên của Nhật Bản. Đó là một chiếc bánh được hấp trong lò, làm từ trái cây sấy khô và rượu, trong khi bề mặt được phủ bằng lớp fondant* và trang trí bằng những quả cầu bạc.
*Fondant là kẹo đường có thành phần chính làm từ đường bột (icing sugar) sử dụng để phủ trang trí, tạo hình cho bánh kem, bánh ngọt, được tạo ra nhờ quá trình nấu chảy đường bột thành hỗn hợp mềm, dẻo.
Thời gian đầu khi vừa ra mắt, chiếc bánh của Fujiya là một mặt hàng xa xỉ, vì vậy chỉ những người có điều kiện mới có thể nếm thử nhưng được thực khách ưa chuộng vô cùng. Từ chiếc bánh này, văn hóa Giáng sinh đã được truyền đi khắp Nhật Bản.
Giáng sinh năm 1921 đặc biệt nhộn nhịp và là một mùa lễ định mệnh đối với Fujii Rinemon. Công việc kinh doanh bùng nổ, một phần nhờ vào cơn sốt bánh ngọt trang trí vào năm đó, ông đã mở thêm chi nhánh thứ hai. Bên cạnh đó, tệp khách của cửa hàng cũng chuyển từ khách nước ngoài sang người Nhật. Năm 1922, Fujii nghĩ ra một loại bánh đặc biệt được lấy cảm hứng từ những gì ông học được ở Hoa Kỳ.
Trong thời gian du học ở Mỹ, Fujii Rinemon đã được ăn một món tráng miệng có tên là shortcake, bao gồm hai chiếc bánh nướng nhân kem và trái cây tươi. Fujii bị mê hoặc bởi hương vị của loại đồ ngọt này nhưng cảm thấy bánh nướng giòn sẽ không phù hợp với khẩu vị của người Nhật. Vì vậy, ông đã làm món “shortcake” của mình từ một chiếc bánh bông lan dựa trên chiếc bánh castella.
Kết quả sáng tạo của Fujii, sử dụng kem tươi và dâu tây như shortcake của Mỹ nhưng thay vào lớp bánh xốp mềm đã trở thành loại “Strawberry Shortcake” đầu tiên được bán ở xứ Phù Tang.
Người ta cho rằng cách phối màu theo truyền thống được dành riêng cho các dịp lễ hội ở Nhật Bản với đỏ và trắng (màu của quốc kỳ Nhật Bản) đã góp phần tạo nên sự phổ biến của món tráng miệng này.
Tuy nhiên, vào những năm Thế chiến thứ hai, Giáng sinh đã bị cấm ở Nhật Bản. Bên cạnh đó, khẩu hiệu “xa xỉ là kẻ thù” cũng được nhìn thấy khắp nơi trên đất nước trong thời kỳ này. Theo đó, đồ ngọt theo phong cách phương tây Yogashi như chiếc bánh Strawberry Shortcake cũng trở thành quý hiếm và hầu như không thể tìm thấy.
Chiếc bánh biểu tượng cho đêm Giáng sinh ở Nhật
Khi nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu hồi phục sau cuộc chiến, các loại đồ ngọt phương Tây như kẹo caramel, sô cô la được sản xuất hàng loạt và dần lấp đầy các siêu thị, báo hiệu mức sống quốc gia đang tăng lên.
Giáng sinh được xem là cơ hội hoàn hảo để ăn mừng sự thịnh vượng kinh tế với sự pha trộn độc đáo giữa văn hóa Nhật Bản và phương Tây. Các tài liệu tham khảo về ngày lễ cũng được đưa vào sách đọc tiếng Anh để giúp trẻ em làm quen, và ngày lễ này nhanh chóng được tổ chức với một số truyền thống: tặng đồ chơi cho trẻ em, gọi KFC cho bữa tối và ăn bánh kem Giáng sinh.
Vào giữa những năm 1960, vị trí của bánh shortcake dâu tây trong văn hóa Giáng sinh ở Nhật đã được củng cố. Trang trí và hương vị cổ điển tiên phong trong thời kỳ đầu tiếp tục thống trị trong tâm tưởng của người Nhật về đồ ngọt Giáng sinh.
Ngày nay, thị trường bánh Giáng sinh ngày càng đa dạng, không chỉ có màu đỏ, trắng và bánh bông lan mà với hàng vạn nguyên liệu, thợ bánh có thể thỏa sức sáng tạo nên những mẫu bánh kem độc đáo cho lễ hội.
Tuy nhiên, khi nhắc đến bánh kem Giáng sinh Nhật Bản, người ta sẽ ngay lập tức nghĩ đến hình ảnh những chiếc Strawberry shortcake mềm mịn ngọt lịm với sắc đỏ trắng đặc trưng.
Xem thêm: 5 điều người Nhật thường làm vào Giáng Sinh
kilala.vn
24/12/2022
Bài: Happy
Nguồn: Savvy Tokyo
Đăng nhập tài khoản để bình luận