17 mục tiêu bền vững các Otaku nên thuộc lòng
Lấy cảm hứng từ Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDGs) hay còn gọi là Mục tiêu toàn cầu được Liên hợp quốc thông qua vào năm 2015, một Otaku Nhật Bản cũng đã sáng tạo ra bộ Mục tiêu Otaku bền vững (Sustainable Otaku Goals – SOGs) dành cho những người thuộc cộng đồng của mình.
SOGs cũng có cùng số lượng mục tiêu là 17 giống với Mục tiêu phát triển bền vững SDGs, được tạo ra nhằm mục đích trở thành “kim chỉ nam” giúp cho các Otaku tiếp tục với niềm đam mê của bản thân nhưng không rơi vào tình trạng kiệt sức.
Mục tiêu Otaku bền vững ra đời như thế nào?
Thuật ngữ Otaku ra đời tại Nhật vào khoảng thập niên 70 của thế kỷ 20 với mục đích chế giễu những người dành sự yêu thích thái quá cho các loại hình văn hóa đại chúng như Anime, Manga, phim ảnh, trò chơi điện tử; họ am hiểu tường tận các kiến thức về chúng và ra sức sưu tập vật phẩm, tranh ảnh, mô hình, DVD.
Do vậy, về cơ bản, đa phần người Nhật xem đây là khái niệm tiêu cực. Một Otaku được cho là có lối sống khép kín trong một căn phòng chật hẹp, không có việc làm, đầu óc không bình thường, bị mất kết nối với xã hội và đắm chìm trong thế giới không có thật.
Nhưng nếu nhìn theo hướng tích cực, việc Otaku đắm chìm trong niềm đam mê mãnh liệt dành cho các sở thích phần nào giúp họ giải tỏa căng thẳng, tạo niềm vui trong cuộc sống. Tuy vậy, duy trì lối sống Otaku một thời gian dài dễ rơi vào tình trạng kiệt sức, hoặc vì một lý do nào đó tác động khiến một số Otaku từ bỏ những sở thích của mình, làm cho cộng đồng Otaku tan rã.
Để tránh những kết cục đáng buồn trên, một Otaku Nhật Bản sở hữu tài khoản Twitter cá nhân @t_shigeno đã sáng tạo ra SOGs (Sustainable Otaku Goals). Bộ Mục tiêu Otaku bền vững này đưa ra những điều một người cần làm cho cả bản thân mình lẫn người khác để giữ cho cộng đồng Otaku có thể tồn tại dài lâu.
17 mục tiêu của SOGs
Mục tiêu 1, 2 và 3
Danh sách SOGs bắt đầu với 3 mục tiêu tuy không liên quan trực tiếp đến sở thích của Otaku nhưng lại là những điều tối quan trọng trong cuộc sống của bất kỳ ai.
Mục tiêu số 1: “No health, no life" (Không có sức khỏe thì không có cuộc sống) là lời kêu gọi các Otaku chăm sóc thể chất của mình khi một số người đã dành quá nhiều thời gian để xem Anime hoặc chơi game, hòa mình vào thế giới không có thực mà bỏ bê cơ thể của mình.
Mục tiêu số 2: “Compatible with social life" (Hòa hợp với xã hội) là lời nhắc nhở hãy trở thành một thành viên có trách nhiệm và tích cực trong xã hội, không chỉ trong thế giới nhỏ bé của những Otaku.
Mục tiêu số 3: “Take a bath" (Đi tắm) cũng là một lời nhắc nhở thiết thực cho các Otaku mải mê đọc truyện, xem phim mà quên cả việc vệ sinh cá nhân, gây phiền hà cho những người xung quanh.
Mục tiêu 4, 5 và 6
Ba mục tiêu 4, 5 và 6 đề cập đến thói quen chi tiêu của các Otaku.
Mục tiêu số 4: “Circulate the Economy” (Lưu thông kinh tế) nhắc nhở việc chi tiền cho các sở thích như mua vật phẩm, tranh ảnh, DVD. cũng đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của ngành công nghiệp anime, manga. Tuy nhiên điều này cũng phải phù hợp với điều kiện tài chính và tránh việc sa đà vào các phiên bản giới hạn dù chúng có đặc biệt ra sao.
Mục tiêu số 5: “Support your Oshi while you can” (Ủng hộ cho Oshi của bạn khi có thể). "Oshi" là một từ được sử dụng bởi cộng đồng fan hâm mộ tại Nhật Bản trong những năm gần đây. Xuất phát từ động từ “推す– Ủng hộ”, danh từ “推し – Oshi” dùng để chỉ các thần tượng như người nổi tiếng, idol, diễn viên lồng tiếng. Khi xem ai đó là Oshi, các fan hâm mộ sẽ tham gia vào các ”推し活 – Oshikatsu” (hoạt động ủng hộ thần tượng) chẳng hạn như đi xem hòa nhạc, họp fan hoặc các sự kiện khác mà Oshi tổ chức dành cho fan hâm mộ. Tuy vậy, các Otaku cũng cần nhớ chỉ nên ủng hộ Oshi trong khả năng cho phép.
Mục tiêu thứ 6: “Appropriate Contribution” (Đóng góp hợp lý) nhắc nhở việc ủng hộ cho các Oshi một cách phù hợp, tránh quá đà.
Mục tiêu 7, 8 và 9
Ba mục tiêu tiếp theo lần lượt là “Enjoy and Continue" (Tận hưởng và duy trì), “Good Relationship" (Mối quan hệ tốt) và “I am Me, Others are Others" (Tôi là chính tôi, người khác là người khác).
Mục tiêu số 7 dường như có vẻ là điều quá rõ ràng. Tuy nhiên, đôi khi việc một Otaku đầu tư hàng đống thời gian và tình cảm vào các sở thích có thể khiến họ quên mất một sự thật rằng các sở thích này đều là để giúp bản thân vui vẻ. Một khi chúng không còn vui nữa thì việc rơi vào tình trạng kiệt sức chỉ còn là vấn đề thời gian. Các sở thích này không phải là niềm vui duy nhất trong cuộc sống của Otaku, mà họ còn cần phải cố gắng thực hiện mục tiêu 8 và 9.
Phải cố gắng thể hiện thái độ lịch sự và thân thiện của bản thân với các Otaku khác, đồng thời phản hồi một cách thiện chí khi nghe được những điều liên quan đến nhân vật yêu thích của mình, dù là tích cực hay tiêu cực. Đây là một chặng đường dài để đảm bảo việc tiếp tục trở thành Otaku mãi về sau.
Mục tiêu 10, 11 và 12
Ba mục tiêu này lại đề cập đến các khía cạnh hiện đại hơn của chủ nghĩa Otaku.
Mục tiêu 10: “Correct Information” (Thông tin chính xác) nhắc nhở mỗi người cần kiểm tra kỹ thông tin trong bối cảnh lượng thông tin khổng lồ xuất hiện đầy rẫy trên Internet, để tránh các cuộc cãi vã không cần thiết giữa các Otaku.
Mục tiêu 11: “Comply with the Law, Observe Manners” (Tuân thủ luật lệ và cư xử đúng mực) được đề ra trong bối cảnh các Otaku ngày nay không chỉ khép mình trong căn phòng mà còn tham gia vào nhiều hoạt động khác. So với trước đây, những sự kiện, buổi họp fan hay tụ tập đã được tổ chức với số lượng lớn hơn nhiều. Do vậy, việc tránh xâm phạm vào không gian riêng tư cũng như tài sản riêng của người khác là những quy tắc hành xử mà một Otaku cần chú ý khi tham dự các sự kiện trên.
Còn với mục tiêu 12 “Take Care of Belongings” (Bảo quản tài sản), các Otaku cần gìn giữ các vật phẩm đã sưu tập được vì theo thời gian, chúng trở nên quý hiếm và không thể thay thế được.
Mục tiêu 13, 14 và 15
Mục tiêu 13: “Not only Consume, But also Provide" (Không chỉ tiêu thụ mà còn cung cấp) chỉ việc các Otaku nên đóng góp quan điểm, ý tưởng trong các cuộc thảo luận để cộng đồng Otaku phát triển mạnh hơn nữa.
Tuy vậy, những cuộc trao đổi này cũng tiềm ẩn các bất đồng nên cần ghi nhớ thêm mục tiêu 14 “Calm View to Self and Others" (Bình tâm khi nhìn nhận về chính mình và người khác). Với mục tiêu 14 này, Otaku nên suy nghĩ về bản thân mình và người khác một cách bình tĩnh và điềm đạm.
Mục tiêu 15: “Nuture the Next Generation" (Nuôi dưỡng thế hệ sau) hàm ý các Otaku nên đóng góp quan điểm và chỉ dạy lại cho những người trẻ có cùng đam mê với họ.
Mục tiêu 16 và 17
Tương tự như lời khuyên chăm sóc bản thân ở mục tiêu 1, mục tiêu 16 là “Courage to Change, Courage to Rest" (Can đảm để thay đổi và dũng cảm để nghỉ ngơi). Rõ ràng đôi khi hành động tốt nhất là lùi lại một bước và nghỉ ngơi hoặc làm bất kỳ điều gì khác để cơ thể và tâm trí được thư giãn, nạp lại năng lượng cho bản thân.
Cuối cùng, mục tiêu 17 “Prepare for Unexpected" (Chuẩn bị cho tình huống bất ngờ) đưa ra lời khuyên rằng để xây dựng bất kỳ điều gì bền vững, cần đảm bảo có sẵn một số kế hoạch dự phòng nếu mọi thứ diễn ra không như mình nghĩ.
Sau khi “Mục tiêu Otaku bền vững” được đăng tải lên mạng xã hội Twitter của Nhật Bản, bài đăng đã nhận về một loạt các phản ứng tích cực như:
“Một bộ nguyên tắc tuyệt vời”.
“Không thể không đồng tình với bất kỳ mục tiêu nào ở trên”.
“Là một Otaku, tôi hy vọng mình sẽ đạt được tất cả các mục tiêu trên”.
“Tôi sẽ lưu chúng lại và biến chúng thành phương châm sống của gia đình mình”.
“Nó không chỉ cần thiết để các Otaku tuân theo mà tất cả mọi người trong xã hội hiện đại cũng cần lưu tâm”.
Dù là 17 mục tiêu Otaku bền vững dành riêng cho cộng đồng Otaku nhưng nó vẫn có thể áp dụng cho nhiều khía cạnh khác của cuộc sống. Đây quả thực là bộ nguyên tắc bền vững mà bất kỳ ai cũng nên tham khảo một lần phải không?
kilala.vn
31/12/2021
Bài: Rin
Nguồn: soranews24.com
Ảnh bìa: www.wired.com
Đăng nhập tài khoản để bình luận