10 yếu tố mỹ học trong kiến trúc Nhật
1. Kanso (簡素) - Sự đơn giản
Kanso có nghĩa là đơn giản, hàm ý loại bỏ sự lộn xộn. Kiến trúc Nhật Bản chú trọng việc tạo hình mọi thứ theo một cách đơn giản, tự nhiên và gần gũi. Sự đơn giản trong kiến trúc nhắc chúng ta nhìn nhận không phải dưới góc độ trang trí, mà dưới góc độ của sự rõ ràng và thông thoáng - một kiểu rõ ràng chỉ có được thông qua việc sắp xếp và loại bỏ những thứ không cần thiết.
2. Fukinsei (不均整) - Bất cân đối
Fukinsei nghĩa là “bất cân đối”, hoặc “bất thường”. Nghe có vẻ kì lạ vì người Nhật nổi tiếng là một dân tộc rất gọn gàng và tỉ mỉ. Tuy nhiên, ý tưởng kiểm soát sự cân bằng trong một bố cục thông qua sự bất thường và bất đối xứng là một nguyên lý trung tâm của thẩm mỹ Thiền (Zen). Điển hình, biểu tượng enso ("Zen circle") trong hội họa thường là một vòng tròn không hoàn chỉnh, ngầm ý sự không hoàn hảo cũng là một phần thiết yếu của việc tồn tại.
Trong thiết kế đồ họa, tìm kiếm sự cân bằng trong bất cân xứng là một cảm giác năng động, đẹp đẽ. Như thế, ẩn trong sự bất cân đối là một ý niệm sâu sắc liên quan đến nhân sinh và tôn giáo.
3. Shibumi (渋味) - Sự trang nhã
Shibumi đại diện cho vẻ đẹp khởi nguồn từ việc khắc họa sự vật chân thật như nó vốn có, không cầu kì thêm thắt, không tự tiện tinh giảm. Điều này mang đến cho không gian kiến trúc nét dễ chịu, nhẹ nhàng, ấn tượng.
4. Shizen (自然) - Sự tự nhiên
Sự tự nhiên, trong trường hợp này, có thể được hiểu là tự nhiên có chủ ý. Sự tự nhiên là kết quả của sức sáng tạo và trí tưởng tượng của người thiết kế sao cho tạo nên một cá thể, một tổng thể trông hài hòa. Mặt khác, tự nhiên trong nhiều trường hợp có thể dùng để chỉ môi trường tự nhiên, thiên nhiên, nên yếu tố này đồng thời nhắc đến việc người Nhật thường chú trọng trang trí nhà cửa bằng vườn nhỏ, hoa, hoặc cửa sổ hướng nắng.
5. Yuugen (幽玄) - Sự huyền bí
Sự huyền bí là thành quả của tinh tế và sáng tạo sao cho cảnh vật mang sức gợi chứ không phô bày hết tất thảy. Đơn cử, một khu vườn Nhật là tổng hòa của rất nhiều chi tiết lớn nhỏ khác nhau mà nhiều trong số đó hàm ẩn những ý nghĩa đặc trưng nhất định. Các nhiếp ảnh gia cũng thường rất chú trọng điểm này: không thể hiện trọn vẹn đối tượng mà chọn cách giấu đi chút ít để khơi gợi trí tưởng tượng và sự tò mò nơi người xem.
6. Datsuzoku (脱俗) - Tính thoát tục
Nhắc đến “thoát tục”, ta thường nghĩ đến “đẹp”. Thực tế, trong mỹ học, yếu tố này chú trọng cảm giác nhìn thấy cái đặc biệt từ cái bình thường. Chẳng hạn, một khu vườn Nhật Bản là một tạo tác từ tự nhiên tiềm ẩn nhiều yếu tố khơi gợi cảm giác đặc biệt nơi người quan sát. Yếu tố thoát tục thường là điểm mấu chốt khiến người quan sát ngạc nhiên, bất ngờ khi cảm nhận được ý nghĩa của chi tiết hoặc sự bất thường tự nhiên hiển hiện trong cái thường nhật.
7. Seijaku (静寂) - Sự tĩnh lặng
Tĩnh lặng là một trạng thái động chứ không phải trạng thái tĩnh. Sự tĩnh lặng ở đây là một kiểu tĩnh lặng có vận động, khơi gợi cảm xúc, khuấy đảo giác quan nhưng đồng thời mang đến sự an yên trong tâm hồn, trái ngược với ồn ào và xáo trộn. Ta có thể cảm nhận rõ ràng vẻ đẹp của sự tĩnh lặng ở những chốn thờ phụng hoặc trong các khu vườn Nhật Bản truyền thống.
8. Wa (和) - Sự hài hòa
Hài hòa là yếu tố tối quan trọng trong rất nhiều lĩnh vực: kiến trúc, quan hệ, giao tiếp. Hài hòa là một kiểu trạng thái hay xúc cảm người quan sát cảm thấy khi mọi thứ thật tương hợp và đẹp đẽ khi đứng cạnh nhau. Sự hài hòa chi tiết và sự hài hòa tổng thể đều được đề cao.
Đồng thời, chữ “Wa” này chính là thành tố tạo thành những từ như “Washoku (和食)” - món ăn truyền thống của Nhật, “Wafuku (和服)” - trang phục thuần Nhật,. nên có thể nói chữ Wa này còn đại diện cho một “tính Nhật Bản” rất riêng mà ta thường sẽ cảm nhận được khi bước vào một ngôi nhà của người Nhật.
9. Ma (間) - Khoảng trống
Ma chỉ khoảng trống không gian và cả thời gian. Khái niệm Ma được tìm thấy trong rất nhiều lĩnh vực, điển hình như trong kiến trúc vườn Nhật Bản, Ikebana, kịch Noh và nhiều phương diện văn hóa khác. Ma không đơn thuần là khoảng trống, mà chỉ khoảng trống làm nên sự nổi bật và đặc biệt cho toàn kết cấu. Ma là những khoảng lặng trong âm nhạc truyền thống, là sự thông thoáng trong ikebana mà nghệ nhân tin rằng như thế hoa lá mới thở được và cũng là yếu tố quan trong trong kiến trúc Nhật Bản.
10. Yohaku no Bi (余白の美) - Vẻ đẹp của phần chừa trống
Yếu tố mỹ học cuối cùng đề cập đến những điều được ẩn giấu, những chi tiết ít phơi bày, hàm chứa một ý tưởng rằng“ít hơn chính là nhiều hơn”. Yếu tố này liên quan đến hai khái niệm ku (空) tức sự trống trải và mu (無) tức sự “không có gì”. Điểm này, một lần nữa, dễ thấy nhất ở các phần cát trong vườn Nhật Bản, trên bia mộ hay trong tranh vẽ, những nơi để phần lớn không gian trống như thể chừa lề trên một tờ giấy vậy.
kilala.vn
27/06/2019
Bài: An Thủy
Đăng nhập tài khoản để bình luận