10 lễ hội kỳ lạ đáng mong chờ trong năm
1. Lễ hội Sumo Khóc (Naki Sumo Festival)
Thời gian: ngày 27 tháng 4 năm 2019, từ 10:00 – 17:00 (dự kiến)
Địa điểm: Đền Sensoji, Asakusa, Tokyo (cũng được tổ chức ở các khu vực khác)
Lễ hội Sumo Khóc là lễ hội mà các bé sẽ chiến đấu với nhau bằng cách… khóc! Bé nào khóc nhanh nhất, to nhất, lâu nhất sẽ chiến thắng. Tại sao lại như vậy?
Lễ hội truyền thống có tuổi đời 400 năm này lấy cảm hứng từ cụm từ “Naku ko wa sodatsu”, nghĩa là đứa bé nào hay khóc sẽ “mau ăn chóng lớn”. Người Nhật tin rằng một đứa trẻ khóc nhiều sẽ lớn lên khỏe mạnh và hạnh phúc. Cũng có người tin tiếng khóc của em bé sẽ xua đuổi linh hồn xấu xa, mang đến sự thịnh vượng.
Lễ hội Sumo Khóc bao gồm 2 đấu thủ nhí dưới 1 tuổi đối mặt nhau trong vòng tròn đấu vật. Một sumo trưởng thành sẽ bế một bé và cố gắng làm cho bé khóc. Họ sẽ tạo ra những tiếng động lớn, đeo mặt nạ đáng sợ để dỗ bé… khóc! Phí đăng ký tham dự ít nhất là 15.000 yên (khoảng 3.000.000VND), bao gồm bùa hộ mệnh và món quà nhỏ.
2. Lễ hội Nabe Kanmuri
Thời gian: ngày 3 tháng 5 hàng nămLễ hội Nabe Kanmuri dịch nôm na là lễ hội đội… nồi lẩu nabe diễn ra vào ngày 3 tháng 5 hàng năm tại đền Chikuma ở tỉnh Shiga. Đó là một đoàn người đi dọc bờ hồ Biwa, bao gồm các bé gái 8 tuổi mặc quần áo thời Heian có màu đỏ và xanh lá, đội mũ sắt hình cái nồi. Tại sao lại đội mũ hình nồi? Vì đó là tượng trưng cho việc dâng thực phẩm cho các vị thần để đổi lấy vận may.
Người Nhật tin rằng nồi là biểu tượng cho một phụ nữ trẻ trung, trinh nguyên. Theo truyền thuyết, từ xưa, mỗi khi đến đền thờ cúng, phụ nữ sẽ mang theo số nồi bằng với số lượng những người đàn ông mà mình có quan hệ. Trong “Truyện Ise” – tác phẩm cổ điển trong thể loại truyện thơ Nhật Bản vào thế kỷ thứ 10 thời Heian (794 – 1185), lễ hội này được đề cập trong một dòng thơ như sau:
“Tôi ước chi lễ hội ở đền Chikuma tại Omi sẽ đến sớm, vì khi ấy tôi có thể thấy số lượng nồi trên đầu một người phụ nữ vô tình” (tạm dịch).
Vì vậy, lễ hội Nabe Kanmuri được xem là một trong các lễ hội lâu đời ở Nhật Bản và là một tài sản văn hóa dân gian phi vật thể của thành phố Maibara.
3. Lễ hội Asakusa Sanja
Thời gian: từ ngày 17 đến ngày 19 tháng 5 năm 2019Lễ hội Asakusa Sanja – một trong những lễ hội lớn nhất và hoang dã nhất ở Tokyo, được tổ chức nhằm tôn vinh 3 người sáng lập nên đền Sensoji. Lễ hội có cuộc diễu hành kiệu Mikoshi lớn nhất (với hơn 100 kiệu Mikoshi) và được trình diễn bởi các geisha, diễn viên, nghệ sĩ và thợ thủ công.
Điều làm cho lễ hội này khác biệt là có sự tham gia của các thành viên yakuza (mafia Nhật Bản). Đây là dịp hiếm hoi (một năm một lần) để những người luôn sống trong bóng tối của xã hội Nhật Bản có thể công khai thể hiện sức mạnh nơi công cộng và khoe hình xăm trên cơ thể của mình khi tham gia vào lễ rước kiệu Mikoshi.
4. Lễ hội Sumo Solo (Hitori Sumo Matsuri)
Thời gian: ngày 18 tháng 6 năm 2019
Địa điểm: Đền Oyamazumi, đảo Omishima, tỉnh Ehime
Hàng năm, vào ngày 5 tháng 5 tính theo lịch âm cũ, tại đền Oyamazumi trên đảo Omishima, một trận đấu sẽ diễn ra và có ảnh hưởng trực tiếp đến vụ thu hoạch trong năm. Đó là một trận đấu có một không hai, vì một sumo sẽ đấu với đối thủ là thần lúa – nghĩa là một đối thủ vô hình. Vì vậy, trận đấu này được gọi là lễ hội Sumo Solo. Người ta tin rằng nếu thần lúa chiến thắng thì người dân sẽ có mùa thu hoạch bội thu.
5. Lễ hội Hokkai Heso
Thời gian: ngày 28 – 29 tháng 7, năm 2019Hokkai Heso là một lễ hội rất vui nhộn về cái bụng! Thành phố Furano nằm ở vị trí ngay trung tâm tỉnh Hokkaido nên được gọi là “cái rốn của Hokkaido”. Xuất phát từ điểm này mà thành phố đã tổ chức một lễ hội rất độc đáo vào năm 1969, đó là tạo nên những bức tranh nghệ thuật ở vùng bụng xung quanh rốn (“rốn” trong tiếng Nhật là “heso”). Người tham gia sẽ sử dụng sơn, trang phục đặc biệt để biến phần ngực và bụng của họ thành khuôn mặt với vùng rốn là cái miệng. Sau đó, mọi người sẽ diễu hành trên đường, vừa đi vừa nhảy múa.
6. Lễ hội múa Bon câm (Muon Bon Odori)
Thời gian: đầu tháng 8Đây là lễ hội múa Bon diễn ra trong im lặng, không có cả âm nhạc. Vì sao lại như vậy? Bắt đầu từ năm 2019, nhiều người dân địa phương phàn nàn rằng họ không thể ngủ với âm thanh ồn ào của lễ hội. Nên chính quyền địa phương đã phải điều chỉnh thành một lễ hội múa Bon trong im lặng.
Nhưng giờ đây, mọi người – từ già trẻ trai gái lớn bé – đều nhảy theo điệu nhạc truyền thống của Nhật Bản được truyền bằng máy phát FM đến tai nghe không dây được phát cho mỗi người tham gia.
7. Lễ hội Shukatsu
Thời gian: tháng 9 hoặc tháng 12Mặc dù mọi người đều tránh nói về chủ đề “cái chết” nhưng lễ hội Shukatsu lại nhắc nhở mọi người về sự ngắn ngủi, vô thường của sinh mệnh và muốn truyền đạt các cách chuẩn bị cái chết sao cho đúng đắn.
Xuất phát từ mong muốn của đa số người Nhật sau khi chết rằng, “tôi không muốn gây phiền phức đến gia đình”, lễ hội này hướng đến những người muốn quyết định và lên kế hoạch cho nhiều thứ trong khi còn sống. Lễ hội kéo dài 2 ngày. Những người tham gia sẽ được nghe các bài học và bài giảng của Phật giáo để chuẩn bị tâm lý, trải nghiệm cảm giác khi nằm xuống quan tài, viết di chúc gửi đến gia đình và bạn bè.
8. Lễ hội Cười (Warai Matsuri/ Nyu Matsuri)
Thời gian: ngày 13 tháng 10 năm 2019Lễ hội Cười được tổ chức hàng năm tại đền Nyu, là một sự kiện văn hóa của tỉnh Wakayama được tổ chức nằm mang đến sự may mắn cho mọi người thông qua tiếng cười và tiếng cổ vũ.
Truyền thuyết kể rằng vị thần địa phương Niutsuhime no Mikoto đã đến muộn trong các cuộc họp của các vị thần. Những vị thần khác đã cười nhạo cô. Xấu hổ, cô nhốt mình trong đền Nyu trong đau khổ. Vì muốn động viên cô mà dân làng đã tập trung bên ngoài đền thờ và cùng nhau cười cho đến khi nữ thần xuất hiện. Tiếng cười của họ đã lấy lại niềm vui cho vị thần và đó là nguồn gốc ra đời của lễ hội.
Vào ngày diễn ra lễ hội, một người sẽ hóa trang thành chú hề, dẫn theo kiệu Mikoshi, vũ công và những người tham gia cùng đến đền Nyu. Trên đường đi, họ sẽ cười đùa lớn tiếng và khi đến đền thờ, tất cả họ phá lên cười trước bàn thờ vị thần.
9. Lễ hội Nguyền rủa (Akutai Matsuri)
Thời gian: tuần cuối cùng của tháng 12 đến tháng 1Tại lễ hội Nguyền rủa, hàng trăm tín đồ sẽ leo lên đền Saishoji trên núi, hét những lời lăng mạ, nguyền rủa vào 13 thầy tu mặc trang phục như yêu quái Tengu và cố gắng ăn cắp đồ cúng của họ - hành động được cho là mang lại may mắn.
Lễ hội bắt đầu từ hai thế kỷ trước, trong thời kỳ Edo như một cách để các công nhân nhà máy đang làm việc quá sức có thể xả stress.
10. Lễ hội Quỷ dọa trẻ em (Namahage Matsuri)
Thời gian: ngày 8 – 10 tháng 2Lễ hội Quỷ dọa trẻ em là lễ hội truyền thống ở bán đảo Oga thuộc tỉnh Akita. Vào ngày này, những người lớn sẽ mặc áo rơm, đeo mặt nạ quỷ dữ, mang theo đuốc đến từng ngôi nhà để tìm những đứa bé hư, hay khóc, không nghe lời bố mẹ. Bị một “con quỷ” hù dọa, đương nhiên đứa trẻ nào cũng sẽ khóc. Và để “đuổi Quỷ” đi, bố mẹ bé sẽ “dâng” cho chúng những chiếc bánh snack và rượu sake.
Bên cạnh đó, những “con quỷ Namahage” sẽ múa hát, đánh trống tưng bừng tại đền Shinzan Jitan trong suốt 3 ngày diễn ra lễ hội.
kilala.vn
15/02/2019
Nguồn: Japan Info
Biên dịch: .Ngưn.
Đăng nhập tài khoản để bình luận