Vinh danh 3 tác phẩm nghiên cứu văn học Nhật

    Chỉ trong 4 tháng phát động (từ 29/08/2015 đến 31/12/2016), cuộc thi Luận văn nghiên cứu văn học Nhật Bản, Giải thưởng Inoue Yasushi lần thứ II (do Quỹ tưởng nhớ nhà văn Inoue Yasushi và Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức) đã nhận được sự hưởng ứng của các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên đến từ các trường Đại học trong cả nước. 


    Số lượng tác phẩm tham gia dự thi năm nay ít hơn so với cuộc thi lần 1 (31 tác phẩm), nhưng chất lượng được đánh giá là tương đồng và có tính chuyên môn cao. Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên – Trưởng phòng nghiên cứu Văn học So sánh, Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội – đại diện hội đồng giám khảo cuộc thi chia sẻ: “Cách tiếp cận nghiên cứu của các thí sinh rất đa dạng, từ phê bình văn học đến lý luận văn học, lịch sử văn học… với các thủ pháp được áp dụng nhuần nhuyễn như: phân tích, so sánh đối chiếu, nghiên cứu trường hợp, nghiên cứu mô hình, dịch thuật… Đặc biệt bên cạnh các nghiên cứu phân tích từ góc độ văn học và tâm lý học đối với tiểu thuyết của các nhà văn như Inoue Yasushi, Dazai Osamu, Kawabata Yasunari, Oe Kenzaburo, Murakami Haruki, Yoshimoto Banana… còn có công trình phân tích góc độ mĩ học Phật giáo như thơ của Saigyo, phân tích từ góc độ lịch sử về sự hình thành và biến đổi của tư tưởng cận đại ở Đông Á qua bản gốc và các bản dịch trùng tác của Chugaku Rinrisho do Akiyama Shiro biên soạn cuối thế kỷ XIX”. 

    Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên – Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Đình)

    Giải I được trao cho tác giả Nguyễn Nam (Giảng viên Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM) với đề tài: “Luân lý không biên giới: Phiên dịch và Trùng tác Chigaku Rinrisho ở Đông Á đầu thế kỷ XX”. Đây là đề tài hay và có tính mới mẻ, tính khoa học, tính thời sự vì năm nay là năm kỷ niệm 110 phong trào Đông kinh nghĩa thục. Tác giả trực tiếp phân tích không chỉ văn bản gốc của tác phẩm mà cả các bản dịch trùng tác bằng tiếng Trung và tiếng Việt, cả những nội hàm văn hoá phương Đông và yếu tố tư tưởng triết học phương Tây, qua đó giúp người đọc thấy được quá trình ảnh hưởng “không biên giới” của luân lý học và sự phổ cập của các khái niệm và nội hàm tư tưởng mới ở Đông Á trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. 

    Giải II thuộc về tác giả Phan Thu Vân (Giảng viên Đại học Sư Phạm TP.HCM) với tác phẩm “Lịch sử và con người trong một số tác phẩm đề tài lịch sử Trung Hoa – Tây vực của Inoue Yasushi”. Ở cuộc thi đầu tiên 2015, tác giả Phan Thu Vân đã đoạt giải IV với đề tài “Lang Tai Ký của Inoue: Giấc mộng Tây vực từ văn học đến điện ảnh”. Với thế mạnh là sự am hiểu sâu sắc lịch sử văn hoá Trung Hoa và bền bỉ theo đuổi đề tài nghiên cứu về Inoue từ tác phẩm Lang Tai Ký đến bài dự thi lần này, đề tài được mở rộng phạm vi phân tích sang các tác phẩm tiêu biểu nhất của Inoue Yasushi về lịch sử Trung Hoa – Tây vực. Tác giả công trình đã phân tích một cách sâu sắc khả năng sáng tác đa dạng của Inoue, từ tác phẩm theo văn phong sử ký đến phương pháp sáng tác theo văn phong tiểu thuyết hư cấu… 

    Tác giả Phan Thu Vân – Giảng viên Đại học Sư Phạm TP.HCM, giải II. (Ảnh: Nguyễn Đình)

    Giải III là đề tài “Thất lạc cõi người” của Dazai Osamu dưới lăng kính phân tâm học của Nguyễn Hữu Tấn, là một tác giả thế hệ 9X, lại là nhà nghiên cứu tự do tại Huế. Nguyễn Hữu Tấn đã thể hiện niềm đam mê, bản lĩnh nghiên cứu qua đề tài nặng về yếu tố Tâm lý học và Phân tâm học, nắm vững các lý thuyết văn học như trường phái siêu thực, thủ pháp thi pháp hài kịch,…

    Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Tấn và con thứ của tiểu thuyết gia Inoue Yasushi . (Ảnh: Nguyễn Đình)

    Trong buổi lễ nhận giải thưởng, Nguyễn Hữu Tấn chia sẻ: “Mình mua được tác phẩm Thất lạc cõi người ở một hiệu sách cũ tại Huế, và thường xuyên tự hỏi vì sao mình lại mua cuốn sách này trong khi bản thân thích những tác phẩm giàu mĩ cảm và nhẹ nhàng hơn như Tiếng rền của núi, Người đẹp ngủ mê, Gối đầu trên cỏ… Khi biết đến cuộc thi, mình nghĩ ngay đến Thất lạc cõi người của Dazai Osamu dù ngay lúc đó chưa đọc dòng nào. Khi được giải Inoue Yasushi, mình hết sức bất ngờ, và coi đây là sự khích lệ to lớn cho những nhà nghiên cứu vô danh, vô môn phái như mình, cũng đồng thời giúp mình giữ vững đam mê nghiên cứu văn hoá – văn học Nhật Bản”. 

    Tại lễ trao giải, ông Hidehiko Kuroda – Giám đốc Quỹ tưởng nhớ Inoue Yasushi, cùng phu nhân cũng là con gái thứ của nhà văn Inoue Yasushi – đã nói lên cảm tưởng: “Đây là lần thứ 2 giải thưởng Inoue Yasushi được tổ chức tại Việt Nam và năm nay, chúng tôi đã chọn ra 3 nhà nghiên cứu xuất sắc nhất để trao giải. Văn hoá và văn học Nhật Bản là lĩnh vực chuyên ngành khá hạn hẹp, vì vậy tôi nghĩ mối quan hệ giữa hai nước không chỉ dừng lại ở giao lưu kinh tế, mà thông qua các nghiên cứu văn hoá chúng tôi mong mỏi sẽ làm sâu sắc hơn nữa mối hiểu biết và quan hệ mật thiết giữa hai nước Việt - Nhật ngày càng tốt đẹp và bền chặt hơn”. 

    Ông Hidehiko Kuroda – Giám đốc Quỹ tưởng nhớ tiểu thuyết gia Inoue Yasushi (Ảnh: Nguyễn Đình)

    Các tác giả đoạt giải thưởng Inoue Yasushi lần II tại Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Đình)

    Nguyễn Đình/ kilala.vn


    28/03/2017

    Bài, ảnh: Nguyễn Đình

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!