Hiện trạng tuyến Metro số 1: Có nguy cơ dừng
Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên triển khai từ năm 2006, dự kiến đưa vào khai thác năm 2018. Nhưng, sau 12 năm, dự án mới hoàn thành 56% khối lượng thi công. Ngày 16/11, Đại sứ Nhật Bản đã gửi thư cảnh báo phải dừng thi công khiến nhiều người dân vô cùng lo lắng.
Metro số là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại TP HCM, cũng là công trình giao thông trọng điểm và quan trọng của thành phố. Dự án có chiều dài khoảng 20km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Dĩ An (tỉnh Bình Dương).
Năm 2006, tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên chính thức triển khai. Dự án do Cục Đường sắt Việt Nam - Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần tư vấn thiết kế GTVT phía nam (Tedi South) là đơn vị được giao lập dự án. Từ 17.388 tỉ đồng, vốn đầu tư dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên đội lên tương đương 47.325 tỉ đồng. Trong đó, vốn vay ODA của Nhật chiếm tới 88,4%, tương đương 41.834 tỉ đồng, Với việc tính toán điều chỉnh này, dự án phải mất 6 năm sau khi đề xuất mới chính thức được khởi công lại (2012).Tiến độ chung vì thế cũng lùi lại 2 năm so với kế hoạch ban đầu hoàn thành năm 2018. Để thu xếp được nguồn vốn sau khi dự án được điều chỉnh lên, Bộ Tài chính đã ký kết với nhà tài trợ 3 hiệp định vay, với tổng vốn đã ký kết là 155.364 triệu yên, tương đương 31.208 tỉ đồng.
Vốn từ ngân sách thành phố chiếm 11,6% tổng mức đầu tư, khoảng 27.458 triệu yên, tương đương 5.491,6 tỉ đồng. Ngày 20/4/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có quyết định về giao chi tiết kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 vốn ngân sách nhà nước. Trong đó, bố trí kế hoạch vốn ODA nguồn ngân sách trung ương cho dự án 7.500 tỉ đồng.
Dù đã phải lùi đến 6 năm, nhưng từ khi khởi công, hàng loạt rào cản tiếp tục kìm tiến độ dự án và liên đới tới chuyện phải bồi thường hợp đồng cho các đơn vị thi công. Lý do chậm tiến độ lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao đất sạch cho nhà thầu thi công giai đoạn 2 (Sumitomo - Cienco 6). Phần lớn việc giải tỏa nằm trên địa phận Bình Dương, TP.HCM bị đọng trong việc giải quyết.
Vào cuối năm 2014, đứng trước nguy cơ phải đền 2,5 tỉ đồng mỗi ngày cho nhà thầu, lãnh đạo TP.HCM đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Bình Dương hỗ trợ giải quyết dứt điểm bàn giao mặt bằng. Nhưng khi vừa giải quyết được vấn đề mặt bằng thì Metro số 1 lại tiếp tục đối diện với thách thức lớn về vốn, có nguy cơ không thể đưa vào khai thác năm 2020 như kế hoạch.
Ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM, cho biết với tiến độ thi công năm 2017, Metro số 1 cần 5.400 tỉ đồng. Tuy nhiên, vốn ODA Trung ương bố trí chỉ 2.100 tỉ đồng vào ngày 28/4/2017. Đến nay tình hình giải ngân vẫn chưa được đẩy nhanh nên dự án vẫn chưa có nhiều tiến triển. “Phía Nhật Bản đặt vấn đề rất nghiêm túc và gay gắt. Vốn họ đã chuẩn bị đủ nhưng chúng ta chưa xử lý việc phân bổ vốn cho dự án”, ông Quang cho biết.
Ngày 16/11/2018, Đại sứ Nhật Bản có văn bản gửi lãnh đạo Chính phủ, UBND TP HCM, cho biết “Nếu chậm giải ngân vốn cho nhà thầu, sẽ ngừng thi công tuyến Metro số 1”. Theo văn bản này, TP.HCM đã cam kết sẽ tạm ứng thanh toán bằng ngân sách của thành phố đến khi được phân bổ ngân sách cho dự án. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc khiến thủ tục thanh toán cho các nhà thầu trên thực tế chưa thực hiện được. Số tiền chậm thanh toán cho nhà thầu thi công và nhà thầu tư vấn hiện đã lên đến hơn 100 triệu USD. "Nếu đến cuối tháng 12 mà không được giải quyết thì việc dự án sẽ buộc phải ngừng thi công”, đại sứ Nhật Umeda Kunio cho biết.
kilala.vn
27/12/2018
Ảnh: Lê Quân/ Zing
Đăng nhập tài khoản để bình luận