700 đồng/ lá tía tô Việt Nam xuất khẩu Nhật: Liệu có dễ?
Tía tô xanh xuất khẩu Nhật đầu tiên của Việt Nam được trồng tại trang trại của Công ty cổ phần Tập đoàn May Hồ Gươm ở Lương Tài, Bắc Ninh. Để có đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường khó tính này, công ty phải trải qua sự kiểm định vô cùng gắt gao từ máy móc đến quá trình thu hoạch.
“Không giống bất cứ quy trình nào ở Việt Nam”
Đây là lời nhận xét của nhiều người khi tìm hiểu dự án trồng tía tô xanh tại Bắc Ninh. Điểm đặc biệt đầu tiên là toàn bộ hệ thống, trang thiết bị, vật tư đều phải nhập khẩu từ Nhật Bản. Đáng chú ý là loại nilon được dùng để che phủ diện tích cây trồng được thiết kế thấm hơi nước một chiều (hơi nước trong các vườn cây sẽ được thẩm thấu qua màng nilon ra ngoài trong khi nước bên ngoài không lọt được xuống vườn). Ngoài ra, bắt buộc phải thả khoảng hơn chục con ếch, gà để làm thiên địch.
Khu vực trồng rau tía tô trong nhà kính. (Ảnh: Đức Phương)
Chế độ chăm sóc cây tía tô ở đây cũng rất khác biệt. Tuyệt đối không có thuốc bảo vệ thực vật, chủ yếu dùng các loại phân hữu cơ và thường xuyên phun thuốc tiệt trùng, kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm dưới sự chỉ đạo, giám sát của 4 chuyên gia Nhật đang làm việc tại trang trại.
Theo tính toán, nếu áp dụng đúng theo quy trình này thì 1 hecta trồng tía tô sẽ cho thu hoạch khoảng 17-18 triệu lá, doanh thu tầm 2,5 tỷ đồng. Hiện nay, mỗi ngày trung bình trang trại cho thu hoạch khoảng 100.000 lá (khoảng 45kg) đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Nhật.
Thu hoạch hết sức cẩn thận
Theo các chuyên gia Nhật Bản đang làm việc tại trang trại, lá xuất khẩu được là lá từ thứ 7 trở lên của cây, nhưng phải đảm bảo kích cỡ 6-8cm. Còn những chiếc lá già, quá lứa trước đó đều bị hái bỏ đi. Sau khi thu hoạch, vài ngày sau, lá non phát triển thêm đạt kích cỡ như yêu cầu để xuất khẩu thì mới được hái tiếp. Lá tía tô đủ tiêu chuẩn xuất khẩu phải không rách nát. Người công nhân khi hái cũng không được để móng tay dài nhằm tránh rách lá.
Người công nhân khi hái cũng không được để móng tay dài nhằm tránh rách lá. (Ảnh: Tập đoàn May Hồ Gươm)
Chỉ trong vòng 2 tiếng sau khi hái, lá tía tô được đưa vào phòng lạnh để phân loại. Công nhân làm việc trong phòng lạnh phải tuân thủ quy trình làm việc nghiêm ngặt từ việc mặc đồng phục, đi dép vô trùng cho đến rửa tay bằng nước sát trùng, giữ vệ sinh…
Lá tía tô xanh đều tăm tắp, khác hẳn với loại lá có màu tím bình thường. (Ảnh: Tập đoàn May Hồ Gươm)
Lá tía tô được phân loại theo 3 kích cỡ bằng cách chọn lọc thủ công, cột 10 lá thành một và xếp vào thùng. Mỗi thùng có 11.000 lá nặng khoảng 45kg, trước khi đưa vào nhà lạnh để bảo quản sẽ được công nhân ở khâu tiếp theo rà soát từng lá thêm một lần nữa để đảm bảo lá đều, không rách. Sau 5 tiếng được đặt trong nhà lạnh ở nhiệt độ 10 độ C, lá trở nên cứng, giữ được độ tươi và chuyển đến Nhật qua đường hàng không.
Tác dụng tía tô trong nền y học
Cây tía tô có vị cay ấm, lá có tác dụng chữa cảm mạo, sốt, ho, làm cho ra mồ hôi, hỗ trợ tiêu hóa. Người ta thường sử dụng cành cây tía tô để nấu nước uống, xông hơi, nấu với cháo. để trị cảm. Ngoài ra, quả cây tía tô chữa ho, trừ đờm, hen suyễn… và nhiều bệnh khác.
Tía tô có nhiều công dụng đối với sức khoẻ. (Ảnh: PIXTA)
Đối với đất nước Nhật Bản, lá tía tô là một thứ gia vị quan trọng trong nền ẩm thực. Trong món Sushi và Sashimi, lá tía tô được sử dụng như thứ gia vị ăn kèm, giúp làm giảm bớt mùi tanh của hải sản tươi sống. (Ảnh: PIXTA)
kilala.vn
11/08/2017
Bài: Phương Anh (tổng hợp)/ Cover: Chiyoda Sushi
Đăng nhập tài khoản để bình luận