Vali AI: Chiếc vali kiêm vai trò dẫn đường cho người khiếm thị

    Một thiết bị tự động với tên gọi “Vali AI” do Nhật Bản phát triển nhằm mục đích phục vụ như chó dẫn đường cho người khiếm thị đã được chạy thử nghiệm ngoài trời lần đầu tiên.

    Chieko Asakawa, nhà phát triển thiết bị Vali AI kiêm giám đốc Bảo tàng Khoa học và Cải tiến Quốc gia Miraikan là một người khiếm thị hoàn toàn. Trong quá trình chạy thử nghiệm thiết bị, cô cho biết bản thân cảm thấy thật tuyệt vời vì Vali AI giúp cô "có thể đến nhà ga mà không gặp nhiều rắc rối".

    vali ai dẫn đường cho người khiếm thị
    Vali AI - thiết bị dẫn đường cho người khiếm thị. Ảnh: xtech.nikkei.com

    Được biết, Vali AI được bà lên ý tưởng và bắt đầu phát triển vào năm 2017 với sự giúp đỡ từ các doanh nghiệp. 

    Sau khi người dùng đặt điểm đến, Vali AI sẽ sử dụng camera và cảm biến laser để tự động di chuyển về phía trước đồng thời tránh chướng ngại vật. Điều hướng cũng được cung cấp cho người dùng thông qua tai nghe.

    Trước đó, thiết bị đã được thử nghiệm trong nhà. Đối với quá trình chạy thử nghiệm ngoài trời, bánh xe đã được thiết kế lớn hơn để giúp thiết bị có thể vượt qua các đoạn gồ ghề. Vali AI cũng được trang bị hệ thống GPS có độ chính xác cao cho phép xác định vị trí của mình trong phạm vi sai số 10cm.

    thử nghiệm vali ai trong nhà
    Vali AI được thử nghiệm trong nhà. Ảnh: The Japan Times

    Trong cuộc thử nghiệm ngoài trời, Asakawa đi bộ dọc theo con đường từ Miraikan đến nhà ga gần nhất. Tại một số thời điểm, khi bị vây quanh bởi nhiều người, thiết bị không xác định được vị trí của mình nhưng Asakawa vẫn có thể đi bộ với tốc độ đến 4 km/h.

    thử nghiệm vali ai ngoài trời
    Nhà phát triển Asakawa đi dạo cùng thiết bị trong cuộc thử nghiệm ngoài trời. Ảnh: The Mainichi

    Vali AI sẽ tiếp tục được thử nghiệm trước Bảo tàng Miraikan từ ngày 28/01 đến ngày 06/02 bởi những người khiếm thị đăng ký dùng thử. Trong tương lai gần, Asakawa hướng đến cho thuê thiết bị tại các sân bay, trung tâm mua sắm, nhà ga và những nơi khác mà phạm vi di chuyển của mọi người bị hạn chế.

    Cô hy vọng thiết bị này sẽ trở thành phương tiện hỗ trợ di chuyển chính thứ ba cho người khiếm thị, sau gậy và chó dẫn đường. Tâm nguyện của Asakawa là giúp những người khiếm thị có thể tận hưởng việc đi dạo quanh thị trấn nhiều hơn.

    Xem thêm: Nhật Bản triển khai con đường nghệ thuật cho người khiếm thị

    kilala.vn

    03/02/2023

    Bài: Happy
    Nguồn: The Mainichi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!