Sinh viên Việt Nam giúp cảnh sát Nhật rà soát bài đăng trên mạng xã hội
Các tình nguyện viên Việt đang làm việc với cảnh sát tỉnh Saitama để xác định các bài đăng liên quan đến hoạt động phạm tội nhưng không được phát giác do sử dụng từ lóng.
Khoảng 40.000 người Việt Nam sinh sống tại tỉnh Saitama, trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai sau người Trung Quốc.
Tại khu vực này, cảnh sát nhờ vào sự hỗ trợ của nhóm Tình nguyện viên an ninh mạng dành cho cư dân nước ngoài (FRCV), đã phát hiện một số cư dân Việt Nam trao đổi thông tin trên mạng xã hội về việc mua bán tài khoản ngân hàng, giao dịch ma túy và lao động bất hợp pháp.
Thành viên của FRCV là những người Việt Nam sống tại Nhật Bản ở khu vực Saitama. Họ thường giúp đỡ trong giờ nghỉ giữa các lớp học hoặc vào thời gian rảnh rỗi ở nhà.
Kể từ khi FRCV chính thức tham gia “cuộc chiến” vào tháng 7/2023, các cuộc rà soát của cả nhóm và cảnh sát đã đưa ra cảnh báo trên 41 bài đăng trong khoảng thời gian ba tháng, trong đó có 23 bài đã bị xóa sau đó.
“Có những từ lóng liên quan đến tội phạm mà chỉ người bản xứ mới có thể phát hiện ra”, một cảnh sát tỉnh cho biết. “Chúng tôi hy vọng rằng các hoạt động của FRCV sẽ giúp bắt giữ nhiều nghi phạm liên quan đến việc bán tài khoản ngân hàng và các tội phạm khác”.
Theo các cơ quan thực thi pháp luật, sáng kiến này đã dẫn đến việc đưa ra cảnh báo trên hơn 100 bài đăng, nhiều bài trong số đó sau đó đã bị gỡ xuống.
“Tôi hy vọng sinh viên có thể nâng cao nhận thức về phòng chống tội phạm thông qua công tác tình nguyện”, Shunichi Nakazawa - Trưởng phòng Hành chính tổng hợp tại Tokyo Nichigo Gakuin, hoan nghênh sáng kiến này.
Nếu cảnh sát xác định một bài đăng có liên quan đến hoạt động tội phạm từ các báo cáo của tình nguyện viên, họ sẽ đưa ra cảnh báo từ tài khoản cảnh sát bằng cả tiếng Việt và tiếng Nhật như: "Ở Nhật Bản, việc mua bán sổ ngân hàng và thẻ tiền mặt là bất hợp pháp". Nếu có thể xác định được người đăng bài, cảnh sát có thể bắt giữ người đó.
Cảnh sát tỉnh cũng đang cân nhắc mở rộng sáng kiến này sang các nền tảng truyền thông xã hội và ngôn ngữ khác ngoài tiếng Việt.
kilala.vn
Nguồn: Asahi
Đăng nhập tài khoản để bình luận