Riken Yamamoto được vinh danh tại Pritzker – giải "Nobel của ngành kiến trúc"

    Trong lịch sử 45 năm của Giải thưởng Pritzker, không quốc gia nào có nhiều người đoạt giải hơn Nhật Bản. Và mới đây nhất, kiến trúc sư Riken Yamamoto trở thành người Nhật Bản thứ chín nhận giải thưởng được mệnh danh là “Nobel kiến ​​trúc”.

    Nổi tiếng với các dự án nhà ở sáng tạo và cơ sở giáo dục, tuy nhiên việc Yamamoto có tên trong danh sách đề cử và giành chiến thắng là một lựa chọn gây bất ngờ với nhiều người. Nhưng Chủ tịch hội đồng giám khảo - Alejandro Aravena đã mô tả những tác phẩm của ông là khiến “Sự bình thường trở nên phi thường. Sự bình tĩnh dẫn đến huy hoàng”.
    pritzker
    Ảnh: Volume Zero

    Trong suốt sự nghiệp kéo dài 5 thập kỷ, Riken Yamamoto đã cống hiến hết mình để thúc đẩy cộng đồng tại các thành phố đang phát triển nhanh chóng của Nhật Bản. Từ các dự án nhà ở thu hút cư dân tương tác, đến trạm cứu hỏa có tường bằng kính mời gọi người qua đường nhìn vào bên trong, kiến ​​trúc của ông dường như nhằm mục đích “làm mờ ranh giới giữa không gian công cộng và riêng tư”, trích dẫn lời ban giám khảo.

    khu-dan-cu
    Tại Shinonome Canal Court ở Tokyo, các khối dân cư được kết nối bằng một sân hiên và không gian xanh công cộng. Ảnh: Tomio Ohashi 

    Có thể thấy Yamamoto có nhiều điểm chung với những người đoạt giải Pritzker gần đây, họ đều là những kiến trúc sư hướng đến xã hội. “Trong thành phố, chúng tôi có rất ít không gian cộng đồng - đôi khi còn không có”, giải pháp của Yamamoto là tạo ra những căn nhà ở khuyến khích hàng xóm giao tiếp với nhau - một hình thức can thiệp kiến ​​trúc “gợi ý thay vì áp đặt”.

    ecoms
    Ngôi nhà Ecoms của Yamamoto ở Tosu, Nhật Bản là một nguyên mẫu được chế tạo để thể hiện tính hiệu quả của nhôm nhẹ làm vật liệu xây dựng. Ảnh: CNN

    Ví dụ như dự án Shinonome Canal Court ở Tokyo đã kết nối sáu khu dân cư khổng lồ bằng tầng hai bao gồm sân thượng và không gian xanh chung. Nhà ở Pangyo ở Seongnam, Hàn Quốc (một trong số ít dự án mà kiến ​​trúc sư đã hoàn thành bên ngoài Nhật Bản) cũng liên kết các ngôi nhà thông qua không gian chung và tường kính ở tầng trệt của mỗi ngôi nhà “mời gọi” hàng xóm có thể nhìn vào bên trong nhà của nhau.

    Yamamoto thừa nhận điều này có thể được coi là sự xâm phạm quyền riêng tư. Và lúc đầu, người dân có cảm giác như đang sống trong một “bể cá”, kiến ​​trúc sư nhớ lại. Nhưng theo thời gian, họ dần dần có thiện cảm và thích thú với ý tưởng này.

    nha-o-xa-hoi
    Hoàn thành vào năm 1991, Hotakubo Housing ở Kumamoto, Nhật Bản, là dự án nhà ở xã hội đầu tiên của Yamamoto. Ảnh: CNN

    Riken Yamamoto sinh năm 1945 ở Bắc Kinh, Trung Quốc và chuyển đến Yokohama, Nhật Bản ngay sau khi Thế chiến II kết thúc.

    Năm 17 tuổi, ông đến thăm chùa Kofuku-ji, ở Nara, Nhật Bản, được xây dựng lần đầu vào năm 730, tu sửa lại vào năm 1426, và bị mê hoặc bởi ngôi chùa 5 tầng tượng trưng cho 5 yếu tố Phật giáo là đất, nước, lửa, không khí và không gian. “Trời rất tối, nhưng tôi có thể nhìn thấy tòa tháp gỗ được chiếu sáng bởi ánh trăng và đó chính là trải nghiệm đầu tiên của tôi với kiến ​​trúc”, Yamamoto chia sẻ.

    Ông tốt nghiệp Đại học Nihon, Khoa Kiến trúc, Cao đẳng Khoa học và Công nghệ năm 1968 và nhận bằng Thạc sĩ Kiến trúc tại Đại học Nghệ thuật Tokyo, Khoa Kiến trúc năm 1971, thành lập công ty của mình là Riken Yamamoto & Field Shop vào năm 1973.

    yamamoto
    KTS Yamamoto thời trẻ. Ảnh: pritzkerprize

    Ông được Viện Kiến trúc Quốc tế bổ nhiệm làm Viện sĩ (2013) và đã nhận được nhiều danh hiệu trong suốt sự nghiệp của mình, bao gồm Giải thưởng của Viện Kiến trúc sư Nhật Bản cho Bảo tàng Nghệ thuật Yokosuka (2010), Giải thưởng Công trình Công cộng (2004 và 2006), Giải Vàng Thiết kế (2004 và 2005), Giải thưởng của Viện Kiến trúc Nhật Bản (1988 và 2002), Giải thưởng Học viện Nghệ thuật Nhật Bản (2001) và Giải thưởng Nghệ thuật Mainichi (1998).

    kilala.vn

    Nguồn: CNN

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!