Nhật Bản tụt hạng trong bảng xếp hạng nền kinh tế lớn nhất thế giới

    Nền kinh tế Nhật Bản hiện đứng thứ tư thế giới sau tình hình suy thoái của quý 4 năm 2023 và tụt lại sau Đức.

    Chính phủ Nhật Bản vừa qua cho biết nền kinh tế nước này đã suy giảm với tốc độ là 0,4% từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2023, theo dữ liệu của Văn phòng Nội các về GDP thực, dù cho vẫn đạt mức tăng trưởng trung bình năm là 1,9%. Tình trạng này tiếp diễn mức tăng trưởng âm 2,9% trong quý 3 năm 2023, hai quý suy giảm liên tiếp được coi là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang trong thời kỳ suy thoái kỹ thuật*.

    *Suy thoái kỹ thuật (technical recession): Một nền kinh tế trải qua suy thoái kỹ thuật khi có hai quý liên tiếp sụt giảm GDP, với tỷ lệ thất nghiệp cao, thu nhập giảm và doanh số bán lẻ chậm lại.

    Nhật Bản từng là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cho đến năm 2010, khi bị Trung Quốc vượt mặt. Năm 2023, GDP danh nghĩa của Nhật đạt 4,2 nghìn tỷ USD, trong khi của Đức là 4,4 nghìn tỷ USD (hoặc 4,5 nghìn tỷ USD, tùy thuộc vào việc chuyển đổi tiền tệ).

    Đồng yên yếu là nhân tố chính khiến Nhật Bản tụt xuống vị trí thứ tư, do GDP danh nghĩa được tính theo USD. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho biết, sự suy yếu này cũng phản ánh tình trạng suy giảm dân số, năng suất và khả năng cạnh tranh tụt hậu của nước này.

    nhat-bang-tut-hang
    GDP Nhật Bản sụt giảm quý thứ 2 liên tiếp. Ảnh: Reuters

    Trong lịch sử, Nhật Bản từng được xem là “phép màu kinh tế” khi vươn lên từ đống tro tàn hậu Thế chiến hai để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai sau Mỹ, duy trì vị thế này trong suốt thập niên 70 và 80. Nhưng trong khoảng ba thập kỷ qua, nền kinh tế Nhật đôi khi chỉ tăng trưởng ở mức vừa phải, chủ yếu vẫn ở trong tình trạng ảm đạm sau khi bong bóng tài chính sụp đổ vào năm 1990.

    Tetsuji Okazaki, Giáo sư Kinh tế tại Đại học Tokyo cho biết dữ liệu mới nhất phản ánh thực tế về một Nhật Bản đang suy yếu và có thể sẽ dẫn đến việc nước này có ít sự hiện diện hơn trên thế giới.

    “Ví dụ, vài năm trước, Nhật Bản đã tự hào với ngành công nghiệp ô tô mạnh mẽ. Nhưng với sự ra đời của xe điện, ngay cả lợi thế đó cũng bị lung lay”, ông nói. Nhiều yếu tố vẫn chưa thể hiện rõ, “Nhưng khi nhìn về phía trước trong vài thập kỷ tới, triển vọng của Nhật Bản rất mờ mịt”.

    Khoảng cách giữa các nước phát triển và các quốc gia mới nổi đang thu hẹp lại, với việc Ấn Độ có khả năng vượt qua Nhật Bản về GDP danh nghĩa trong một vài năm tới.

    Cho đến nay, Hoa Kỳ vẫn là nền kinh tế lớn nhất toàn cầu với GDP ở mức 27,94 nghìn tỷ USD vào năm 2023, trong khi của Trung Quốc là 17,5 nghìn tỷ USD. Ấn Độ đạt khoảng 3,7 nghìn tỷ USD nhưng đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt, khoảng 7%/năm.

    Nhập cư là một lựa chọn để giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động của Nhật Bản, nhưng nước này tương đối không chấp nhận lao động nước ngoài, ngoại trừ những người lưu trú tạm thời. Điều này cũng gây ra những chỉ trích về việc phân biệt đối xử và sự thiếu đa dạng.

    Một giải pháp khác là ứng dụng robot đang dần được triển khai nhưng chưa đến mức có thể bù đắp hoàn toàn cho sự thiếu hụt lao động.

    kinh-te-suy-thoai
    Ảnh: Invezz

    Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác đằng sau sự tăng trưởng chậm chạp của Nhật Bản là mức tăng lương trì trệ khiến các hộ gia đình không muốn chi tiêu. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đầu tư mạnh vào những nền kinh tế nước ngoài phát triển nhanh thay vì vào thị trường nội địa đang già đi và thu hẹp dần.

    Marcel Thieliant, người đứng đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Capital Economics, cho biết trong một bài bình luận: Chi tiêu của người dân đã giảm ba quý liên tiếp vào năm ngoái và “tăng trưởng có thể sẽ tiếp tục chậm chạp trong năm nay do tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình chuyển sang mức âm”. “Dự báo của chúng tôi là tăng trưởng GDP sẽ chậm lại từ 1,9% vào năm 2023 xuống còn khoảng 0,5% trong năm nay.”

    ​kilala.vn

    Nguồn: Japan Today

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!