Nhật Bản tái áp dụng lệnh cấm nhập cảnh do lo ngại biến chủng Omicron
Lệnh cấm nhập cảnh với người nước ngoài sẽ có hiệu lực bắt đầu từ thứ ba (30/11).
Thủ tướng Fumio Kishida cho biết biện pháp này được đưa ra nhằm “tránh trường hợp xấu nhất và đây hiện chỉ mang tính tạm thời cho đến khi các nhà khoa học tìm ra được cơ chế lây nhiễm của biến thể này”. Bộ Y tế Nhật Bản cũng tiết lộ hiện nước này đã ghi nhận một trường hợp đến từ Namibia, hạ cánh tại sân bay Narita có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Không rõ liệu người này có bị nhiễm biến thể Omicron hay không, nhưng mẫu xét nghiệm đã được gửi đến phòng thí nghiệm để xác định và quá trình dự kiến sẽ mất từ 4 - 5 ngày.
Lệnh cấm nhập cảnh không ảnh hưởng đến cư dân nước ngoài tái nhập cảnh vào Nhật Bản và công dân Nhật Bản. Nhưng những người này nếu đến từ các quốc gia nơi trường hợp biến thể Omicron đã được phát hiện sẽ phải cách ly 10 ngày trong một cơ sở do chính phủ chỉ định.
Nhật Bản đã và đang dần thắt chặt các hạn chế nhập cảnh kể từ khi biến thể mới bắt đầu lan rộng nhanh chóng trên toàn cầu. Cuối tuần qua, quy định này chỉ yêu cầu du khách từ 9 điểm nóng ở châu Phi: Botswana, Eswatini, Lesotho, Namibia, Nam Phi, Zimbabwe, Mozambique, Malawi và Zambia phải dành 10 ngày trong các cơ sở kiểm dịch do chính phủ chỉ định. Nhưng theo những hạn chế mới vào hôm nay (29/11), Angola đã được thêm vào danh sách và yêu cầu tất cả 10 quốc gia phải dành 10 ngày tại các cơ sở do chính phủ chỉ định.
Tương tự, những người đến từ Israel, Anh, Hà Lan và Ý sẽ phải cách ly trong 6 ngày tại cơ sở do chính phủ chỉ định, cũng như 8 ngày nữa tại địa điểm họ chọn. Những người đến từ Úc, Đức, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Hồng Kông, Pháp, Ontario của Canada, Bỉ và Áo sẽ phải cách ly trong 3 ngày tại các cơ sở của chính phủ và 11 ngày nữa tại nơi họ chọn.
Thủ tướng cũng kêu gọi công chúng bình tĩnh, đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, ông cũng nhấn mạnh rằng Nhật Bản có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trong nhóm G7.
Vào ngày 08/11, Nhật Bản đã nới lỏng lệnh cấm người nước ngoài nhập cảnh để cho phép các doanh nhân, sinh viên và thực tập sinh kỹ thuật vào nước này với điều kiện tổ chức chủ quản của họ đồng ý chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của họ.
Tuy nhiên, thông báo mới nhất đặc biệt là tin xấu đối với sinh viên nước ngoài - những người chiếm phần lớn nhất trong số các công dân nước ngoài hy vọng nhập cảnh vào Nhật Bản.
Mối quan tâm đang gia tăng đối với biến thể Omicron, lần đầu tiên được Nam Phi báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới vào tuần trước và kể từ đó đã được xác nhận ở một số quốc gia châu Âu cũng như Úc, Canada, Hồng Kông và Israel.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã gọi đây là một "biến thể đáng lo ngại" và cảnh báo rằng nó có một số lượng lớn các đột biến, có thể lây truyền với tốc độ cao gấp 5 lần biến thể Delta và làm tăng nguy cơ tái nhiễm cho những người đã nhiễm coronavirus trước đó.
Mặc dù vẫn chưa rõ liệu các loại vắc xin hiện có hiệu quả với biến thể Omicron hay không nhưng ông Kishida cho biết chính phủ vẫn sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch tiêm các mũi nhắc lại vào cuối tuần này trong khi tìm kiếm các chuyên gia y tế để cung cấp thêm dữ liệu.
Sự xuất hiện của biến thể này diễn ra khi Thủ tướng Kishida bắt đầu khởi động lại hoạt động kinh tế đã bị hạn chế bởi đại dịch và lên kế hoạch khởi động lại chương trình "Go To Travel" của chính phủ nhằm thúc đẩy ngành du lịch trong nước. Đặc biệt trong chuyến thăm theo lời mời của Chính phủ Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào ngày 25/11 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ông và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã giao các cơ quan chức năng nghiên cứu, mở cửa lại đường bay thẳng giữa hai nước. Về phía Việt Nam, dự kiến đầu tháng 12 sẽ bắt đầu mở cửa lại các đường bay quốc tế, trong đó có đường bay sang Nhật Bản. Tuy nhiên, trước quy định mới của Nhật Bản, có lẽ dự định này có lẽ sẽ tiếp tục bị dời lại.
kilala.vn
29/11/2021
Nguồn: Mainichi, Japan Times
Đăng nhập tài khoản để bình luận