Nhật Bản sử dụng nước ở mặt trăng để làm nhiên liệu khám phá không gian
Mới đây, Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cho biết, họ đang có kế hoạch thám hiểm Mặt Trăng bằng cách sử dụng nước từ các mỏ băng trên Mặt Trăng làm nhiên liệu cho tàu vũ trụ vào khoảng giữa những năm 2030.
Theo đó, việc sử dụng nhiên liệu có nguồn gốc từ nước được cho là sẽ cắt giảm chi phí so với việc vận chuyển nhiên liệu từ Trái Đất. Nếu trước đây nhiều giả thiết cho rằng nước không tồn tại trên Mặt Trăng thì nghiên cứu mới đây cho thấy, khả năng có mỏ băng tại một miệng núi lửa gần cực nam của Mặt Trăng. Mỏ băng này chưa bao giờ tiếp xúc với ánh sáng Mặt Trời.
Hiện tại, Nhật Bản có kế hoạch hợp tác với Mỹ trong việc xây dựng trạm không gian Gateway quay quanh quỹ đạo Mặt Trăng vào những năm 2020 và xây dựng một nhà máy nhiên liệu tại cực nam Mặt Trăng vào năm 2035.
Theo JAXA, nhiên liệu sử dụng cho một tàu không gian sẽ có thể tái sử dụng để đưa 4 phi hành gia đến và về từ Gateway, và di chuyển lên đến 1.000 km trên Mặt trăng. Trước đây, nhiên liệu từ nước, vốn đã được sử dụng làm nhiên liệu phóng cho tên lửa, được tạo ra nhờ việc phân tách hợp chất nước thành các thành phần khí oxygen và hydrogen. Năng lượng được tạo ra nhờ quá trình tái kết hợp hai nguyên tố này.
Dự kiến, tàu vũ trụ không gian của Nhật Bản có thể mang theo từ 2-4 phi hành gia. Vì Mặt Trăng có trọng lực yếu mà tàu vũ trụ sẽ di chuyển bằng cách nhảy cóc trên bề mặt Mặt Trăng thay vì sử dụng bánh xe.
Theo ước tính của JAXA, cần 37 tấn nước cho một chuyến đến và về từ Gateway và khoảng 21 tấn nước cho mỗi chuyến thăm dò bề mặt Mặt Trăng. Cơ quan này tin rằng sử dụng nhiên liệu tạo ra từ nước trên Mặt trăng sẽ tiết kiệm hơn so với việc cấp nhiên liệu từ Trái đất.
Các quốc gia khác bao gồm Ấn Độ và Mỹ đang có kế hoạch phân tích nguồn nước trên Mặt trăng.
kilala.vn
28/09/2020
Nguồn: Kyodo News
Ảnh: astronomy.com
Đăng nhập tài khoản để bình luận