Người đàn ông bị bắt vì ngửi tóc nữ sinh
“Quấy rối không tiếp xúc”(触れる痴漢/fureru chikan) - hình thức thực hiện hành vi khiếm nhã không liên quan đến tiếp xúc vật lý, đang ngày càng gây chú ý ở Nhật Bản. Tháng trước, Cảnh sát tỉnh Kyoto đã bắt giữ một người đàn ông vì liên tục ngửi tóc một cô gái.
Khi được hỏi, người này đã tiết lộ động cơ: "Mùi hương làm tôi phấn khích hơn là tiếp xúc vật lí". Anh ta nói rằng không nhận thấy hành động của mình là tội phạm và nghĩ rằng sẽ không bị bắt. Anh ta cảm thấy hối hận và muốn được xin lỗi cho những gì đã làm.
Quấy rối không tiếp xúc có thể bao gồm các hành vi như thổi hơi vào cổ hoặc tai, ngửi tóc của người khác, nhìn chằm chằm hoặc gửi hình ảnh không phù hợp qua các tính năng chia sẻ dữ liệu trên smartphone như AirDrop. Ngay cả việc ngồi quá gần một ai đó trên phương tiện giao thông công cộng hoặc thì thầm những từ tục tĩu cũng có thể nằm trong danh sách này. Mặc dù không có tiếp xúc vật lí, những hành động này gây ra cho nạn nhân sự đau khổ và khó chịu đáng kể.
Một cuộc khảo sát gần đây nhắm vào sinh viên đại học cho thấy, cứ năm nữ sinh viên thì có một người từng bị quấy rối không tiếp xúc. Tuy nhiên, việc nhận biết và báo cáo hành vi như vậy vẫn còn nhiều thách thức. Nếu không có bằng chứng vật lí rõ ràng, nạn nhân thường ngần ngại lên tiếng, vì sợ bị phán xét hoặc nghi ngờ.
Các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc luôn cảnh giác, đặc biệt là ở những nơi đông đúc như tàu điện. Các biện pháp phòng ngừa bao gồm quan sát hành vi đáng ngờ và giao tiếp bằng mắt với những đối tượng có hành vi khả nghi, điều này có thể ngăn chặn các hành động tiếp theo. Các nhà chức trách cũng khuyến nghị nên kín đáo ghi lại bằng chứng, chẳng hạn như quay video, để củng cố các khiếu nại.
Những người ủng hộ nạn nhân cho rằng việc nâng cao nhận thức của công chúng về quấy rối không tiếp xúc là rất quan trọng. Họ thúc giục xã hội coi đây là một tội nghiêm trọng, nhấn mạnh rằng bản chất phi vật lý của nó không nên làm giảm mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Mở rộng việc lắp đặt camera giám sát và khuyến khích nạn nhân báo cáo các sự cố cũng là những bước quan trọng để hạn chế vấn đề đang gia tăng này.
Ngoài vụ việc kể trên, vẫn còn tồn tại nhiều trường hợp không được đưa ra ánh sáng do gặp khó khăn trong việc thu thập bằng chứng. Các quan chức thực thi pháp luật tại Nhật thừa nhận những rào cản trong truy tố những vụ việc như vậy, và nhấn mạnh cần có sự nỗ lực của cả thể chế và xã hội để giải quyết hiệu quả tình trạng quấy rối không tiếp xúc.
kilala.vn
Nguồn: newsonjapan.com
Đăng nhập tài khoản để bình luận