Lượng người leo núi tăng cao ở núi Phú Sĩ ẩn chứa nhiều nguy hiểm
Số lượng người leo núi trên đỉnh núi cao nhất của Nhật Bản dự kiến sẽ tăng vọt so với những năm trước, do các hạn chế đã được dỡ bỏ.
Tại Nhật, nhiều người có sở thích leo núi, đặc biệt là trong mùa cao điểm từ tháng 7 đến giữa tháng 9 hàng năm. Năm nay là năm đầu tiên dỡ bỏ hạn chế leo núi do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên lượng người đi leo núi dự kiến sẽ tăng cao.
Điều này cũng khơi dậy xu hướng “bullet climbing” – những người leo núi vào ban đêm, đón bình minh ở trên đỉnh núi và sau đó đi xuống, không cắm trại.Mặc dù việc leo núi Phú Sĩ không yêu cầu bất kỳ thiết bị hoặc dụng cụ đặc biệt nào, nhưng đỉnh của nó cao 3.776m so với mực nước biển nên nguy cơ đá rơi và bị thương ở mắt cá chân tăng lên khi leo núi trong bóng tối. Các chuyên gia cho biết những người leo núi theo phong cách bullet climbing cũng dễ bị say độ cao, chẳng hạn như buồn nôn và đau đầu. Bởi vì việc leo lên tương đối nhanh khiến cơ thể họ có ít thời gian hơn để thích nghi với sự thay đổi về áp suất và mức oxy thấp.
Yoshiro Sanada - Giám đốc điều hành dịch vụ xúc tiến du lịch Fuji-Yoshida, cho biết: “Việc đánh giá thấp những rủi ro khi leo núi có thể dẫn đến thương tích, tình trạng sức khỏe xấu đi, bị lạc trong núi và thậm chí đe dọa đến tính mạng”.
Ông phát biểu thay mặt cho 30 người cầu nguyện cho sự an toàn của những người leo núi tại một buổi lễ, được tổ chức ở lối vào đường mòn Yoshida trên núi Phú Sĩ vào ngày 22/05.
Những người tham gia, bao gồm các quan chức chính quyền thành phố, thành viên của hiệp hội Ryokan Kumiai núi Fujiyoshida Guchi, và các sĩ quan Sở cảnh sát Fujiyoshida, đã tập trung trước một đài tưởng niệm có dòng chữ: “Hãy cầu nguyện cho núi Phú Sĩ”.
Sanada nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tất cả các tổ chức, ban ngành công và tư đều cần thực hiện biện pháp cứu hộ, nâng cao nhận thức cho người leo núi để ngăn ngừa tai nạn trên núi.
Đường mòn Yoshida ở phía tỉnh Yamanashi của ngọn núi là một tuyến đường phổ biến cho những người leo núi vì dễ dàng đến đó theo hướng từ Tokyo.
Những người leo núi “bullet climbing” chỉ chiếm 5 - 7% tổng số người leo núi Phú Sĩ trong 5 năm trước đại dịch. Theo chính quyền thành phố Fujiyoshida, tỷ lệ này đã giảm gần một nửa trong hai năm gần đây. Tuy nhiên, xu hướng này đang có chiều hướng gia tăng bởi một trong những lý do chính là những túp lều trên núi đã hết chỗ.
Theo hiệp hội Ryokan Kumiai, những túp lều trên núi dọc theo đường mòn Yoshida, kể từ năm 2020 đã giảm xuống còn khoảng một nửa so với mức trước đại dịch, để ngăn chặn tình trạng quá tải và ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Nhiều túp lều đã chuyển đổi không gian mở thành phòng riêng.
Lượng đặt lều với đối tượng là du khách nước ngoài cũng tăng cao kể từ khi Nhật Bản mở cửa. “Điện thoại đổ chuông liên tục từ sáng đến tối với yêu cầu đặt trước”, một người điều hành lều cho biết và nói thêm: “Chỉ riêng các đặt phòng từ người nước ngoài đã chiếm khoảng 30% tổng số đặt phòng”.
Với những người không thể đặt được chỗ ở, họ quyết định sẽ bullet climbing.
Dựa trên tình hình thực tế này, hiệp hội Ryokan Kumiai, tại một cuộc họp ngày 16/05, đã yêu cầu các quan chức của thành phố, chính quyền tỉnh Yamanashi và Bộ Môi trường đưa ra các biện pháp hạn chế cách leo núi không an toàn này.
Trước đó theo thống kê, số người bị mắc kẹt trên núi ở Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục 3.506 vào năm 2022. Trong số những người mắc kẹt, 327 người chết hoặc mất tích, tăng 44 người so với một năm trước, với khoảng 70% trong số họ từ 60 tuổi trở lên. Tổng cộng có 1.306 người bị thương trong khi 1.873 người được giải cứu an toàn.
kilala.vn
17/06/2023
Nguồn: Asahi
Đăng nhập tài khoản để bình luận