Hơn 70% thanh niên Nhật được khảo sát mắc chứng "ám ảnh điện thoại"
Cuộc khảo sát của một công ty CNTT đã tiết lộ con số gây bất ngờ đối với chứng sợ điện thoại của người trẻ.
SOFTSU Co., Ltd., có trụ sở tại phường Chuo, Tokyo, đã thực hiện một cuộc khảo sát trực tuyến nhằm kiểm tra trạng thái của những người sử dụng điện thoại. Thời gian khảo sát từ ngày 4-7/8, với đối tượng là 562 người từ 20 tuổi trở lên làm việc tại các văn phòng có điện thoại cố định.
Khi được hỏi liệu họ có cảm thấy không thoải mái khi nói chuyện điện thoại hay không, 57,8% số người được hỏi trả lời là “rất nhiều” hoặc “một phần nào đó”. Tỷ lệ phần trăm này tăng lên khi đối tượng được thu hẹp xuống những người ở độ tuổi 20 và 30 (tổng cộng 268 người), với 72,7% trong nhóm này cho biết họ không thoải mái với việc nghe điện thoại.
Công ty khảo sát cho biết: "Số lượng người trẻ mắc chứng 'ám ảnh điện thoại' ngày càng tăng, một phần có thể do sự phổ biến của các chức năng nhắn tin trên mạng xã hội, đã làm giảm cơ hội nói chuyện qua điện thoại".
Ngoài ra, 44,8% tổng số người được hỏi cảm thấy không hài lòng khi điện thoại cố định reo ở nơi làm việc. Lý do phổ biến nhất cho điều này (được 50,8% chọn), là "Tôi phải dừng việc đang làm để trả lời điện thoại, điều này khiến tôi mất tập trung". Các câu trả lời khác bao gồm: "Tôi lo lắng liệu mình có thể trả lời chính xác ngay lập tức với kiến thức của mình hay không" hay "Khi người phụ trách không có mặt, tôi lo lắng liệu mình có thể nắm bắt chính xác những gì người gọi đang nói hay không".
Số cuộc gọi trung bình mà mọi người trả lời tại nơi làm việc mỗi ngày là 7,4 và theo độ tuổi, những người ở độ tuổi 50 nhấc máy thường xuyên nhất, trung bình 12,7 lần mỗi ngày. Thời gian trung bình dành cho mỗi cuộc gọi là 3,1 phút. Dựa trên mức trung bình 245 ngày làm việc mỗi năm, điều này có nghĩa là nhân viên công ty dành trung bình khoảng 93 giờ mỗi năm cho điện thoại.
kilala.vn
Nguồn: Mainichi
Đăng nhập tài khoản để bình luận