Đổi từ quán phở sang nhà hàng burger, một đầu bếp Việt không thể tiếp tục làm việc tại Nhật
Vì sai sót trong việc luân chuyển địa điểm làm việc mà người đầu bếp này đã buộc phải rời khỏi Nhật Bản và không thể quay trở lại.
Do khoảng cách thời gian dài, không thể quay lại Nhật Bản với tư cách thực tập sinh kỹ thuật, anh được khuyên nên nộp đơn xin Thị thực Lao động có tay nghề cao với tư cách là đầu bếp. Loại thị thực này cho phép người nước ngoài có chuyên môn cụ thể về ẩm thực đặc trưng của quốc gia được làm việc tại Nhật Bản.

Là một người có hơn 10 năm kinh nghiệm phụ bếp tại nhà hàng Việt Nam của gia đình, người đàn ông này đã nấu ăn cho chủ một nhà hàng ở Takatsuki, tỉnh Osaka khi người này có chuyến đi đến Việt Nam.
Sau khi vượt qua bài kiểm tra không chính thức này, anh đã ký hợp đồng lao động và trả 1 triệu yên (khoảng 156 triệu đồng) tiền phí cho người trung gian. Đến tháng 10/2020, anh đã có thị thực và đến Nhật Bản làm việc ở vị trí đầu bếp món Việt.
Tuy nhiên, biến cố đã xảy ra khi đại dịch bùng nổ, quán phở đóng cửa, anh được điều chuyên đến một cửa hàng hamburger có liên quan, nơi không phục vụ đồ ăn Việt Nam. Điều này không đáp ứng các điều kiện trong thị thực đầu bếp ban đầu được cấp.

Trong một cuộc kiểm tra định kỳ, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh phát hiện ra hành vi vi phạm và thu hồi tư cách cư trú của anh. Với sự hỗ trợ của một nhóm luật sư bảo vệ người nước ngoài, người đàn ông này đã đệ đơn kiện đòi bồi thường thiệt hại lên Tòa án quận Osaka chống lại cả công ty cung cấp nhân sự Nhật Bản và chủ nhà hàng.
Công ty tuyển dụng thừa nhận họ biết việc điều chuyển này vi phạm các điều khoản thị thực, nhưng lập luận rằng do người đàn ông này muốn làm việc càng sớm càng tốt nên họ phải đề xuất nơi làm việc không phù hợp.

Người điều hành nhà hàng phủ nhận mọi hành vi sai trái, khẳng định họ đã nhờ một nhân viên hành chính để tuân thủ quy định về thị thực. Vào tháng 12 năm ngoái, cả hai công ty đã đồng ý giải quyết thông qua tòa án, trả tổng cộng 2,5 triệu yên (khoảng 390 triệu đồng) cho người đàn ông. Tuy nhiên, thị thực không được cấp lại và anh vẫn không thể làm việc ở Nhật Bản.
Các chuyên gia pháp lý cho biết, vì thị thực lao động có tay nghề cho phép đầu bếp nước ngoài làm việc tại Nhật Bản mà không cần kiểm tra ngôn ngữ hoặc giám sát của cơ quan, nên dễ tạo ra cơ hội cho việc lạm dụng. Luật sư Hisanori Shikata, người đại diện cho người đàn ông Việt Nam, cho biết: "Trường hợp như thế này không phải là hiếm".
kilala.vn
Nguồn: Asahi
Đăng nhập tài khoản để bình luận