Các câu chào hỏi tiếng Nhật phổ biến theo tình huống
Ngoài “ohayou gozaimasu”, “konichiwa”, “konbanwa”, tiếng Nhật còn nhiều câu chào hỏi khác, mỗi câu lại được sử dụng trong những trường hợp nhất định. Hãy cùng Kilala tìm hiểu văn hóa chào hỏi của người Nhật và học các mẫu câu để ứng dụng thực tế nha!
Văn hóa chào hỏi của người Nhật
Trong tiếng Nhật, lời chào hay sự chào hỏi là aisatsu (挨拶). Văn hóa chào hỏi rất quan trọng đối với người Nhật, đặc biệt là trong môi trường công sở, trường học.
Cách thức chào hỏi còn phụ thuộc vào quan hệ, địa vị của hai bên. Thông thường có 3 cách cúi chào tại Nhật: kiểu Eshaku, kiểu Keirei, kiểu Saikeirei. Khi gặp nhau, người Nhật thường cất lời chào kết hợp động tác gập người để bày tỏ sự tôn trọng dành cho đối phương. Tùy theo địa vị, tuổi tác, mối quan hệ giữa đôi bên mà mức độ gập người sẽ có sự khác biệt. Trong cuộc sống hàng ngày, có 3 kiểu cúi chào phổ biến:- Kiểu eshaku (cúi người khoảng 15 độ): chào hỏi xã giao hàng ngày với bạn bè, người cùng cấp bậc với mình
- Kiểu keirei (cúi người khoảng 30 độ): hình thức khá phổ biến trong văn hóa giao tiếp nơi công sở, đặc biệt dùng khi chào hỏi khách hàng.
- Kiểu Saikeirei (cúi người khoảng 45 độ): là hình thức thể hiện lòng thành kính sâu sắc, thường được sử dụng khi thực hiện nghi lễ ở các đền thờ, chùa chiền, trước quốc kỳ, Thiên Hoàng.
Xin chào lịch sự bằng tiếng Nhật
Konichiwa: Xin chào/chào buổi chiều
Konichiwa (こんにちは) là câu chào cơ bản, thông dụng nhất có thể sử dụng trong nhiều trường hợp, có nghĩa là xin chào khi gặp nhau hoặc chào buổi chiều.
Doumo
Doumo (どうも) có nhiều nghĩa khác nhau và đôi khi được sử dụng như một lời chào.
Ví dụ:
田中君、おはよう。(Tanaka-kun, Ohayou)
どうも。(Doumo)
O hisashiburi desu: Đã lâu không gặp
Trong tiếng Nhật, câu o hisashiburi desu (お久しぶりです) được dùng như một lời chào hỏi khi gặp lại một người nào đó đã lâu không gặp mặt.
Go busata desu: Chúng ta đã lâu không liên lạc
Go busata desu (ご無沙汰です) cũng có ý nghĩa tương tự với câu o hisashiburi desu nhưng có sắc thái lịch sự hơn và ngụ ý rằng, đã lâu chưa liên lạc với nhau. Câu này cũng được sử dụng như một hình thức chào hỏi và khá trang trọng nên không được dùng khi giao tiếp với bạn bè.
O genki desu ka: Bạn có khỏe không?
Bạn có thể mở đầu bằng câu konichiwa hoặc một lời chào khác trước khi sử dụng câu o genki desu ka (お元気ですか) để hỏi thăm sức khỏe đối phương. Trong tình huống thân mật hơn như với bạn bè, bạn có thể chỉ cần nói genki desu ka hoặc genki.
Ikaga o sugoshi desu ka: Bạn thế nào rồi?
Bạn có thể sử dụng câu ikaga o sugoshi desu ka (いかがお過ごしです か) như một lời chào và bày tỏ ý muốn hỏi thăm tình hình của đối phương. Đây là một câu rất trang trọng, thường được dùng trong văn viết và sẽ là lựa chọn tuyệt vời để chào hỏi khi viết e-mail.
Chào hỏi trong tình huống thân mật
Haroo (hello)
Haroo (ハロ ー) chỉ đơn giản là cách “Nhật hóa” từ hello trong tiếng Anh. Bạn có thể dùng haroo để chào hỏi trong những tình huống thân mật với bạn bè.
Dou yo
Dou yo (ど う よ) là viết tắt của câu “dou desu ka” (ど う で す か), có nghĩa là “mọi việc thế nào?”, thường được sử dụng để chào hỏi với bạn bè qua điện thoại.
Yahoo
Yahoo (ヤッホー) cũng là một cách để nói xin chào mang sắc thái dễ thương và thân thiện thường được giới trẻ Nhật Bản sử dụng.
Ví dụ:
ヤッホー。今日のテスト、準備 で き た。(Yahoo! Kyo no tesuto, junbi dekita? )
Dịch: Bạn chuẩn bị cho bài kiểm tra hôm nay chưa?
Ossu/Ussu/Chissu
Ossu (おっす), ussu (うっす), chissu (ちっす) là lời chào rất thân mật, thường được sử dụng bởi nam giới với bạn bè cùng giới. Phái nữ hầu như không sử dụng mẫu câu này.
Saikin dou: Thế nào rồi?
Cụm từ saikin dou (最近 ど う) là phiên bản rút gọn của ikaga o sugoshi desu ka. Để trở nên lịch sự hơn, bạn cũng có thể mở rộng câu thành saikin dou desu ka (最近どうですか).
Lời chào theo tình huống
Ohayougozaimasu: chào buổi sáng
Ohayou gozaimasu (おはようございます) là lời chào chỉ có thể được sử dụng vào buổi sáng trong khoảng từ 5 đến 11 giờ. Trong trường hợp chào hỏi bạn bè thân thiết hoặc người thân trong gia đình, bạn có thể rút gọn câu thành ohayou.
Konbanwa: chào buổi tối
Câu nói được sử dụng để chào hỏi khi gặp ai đó vào buổi tối, từ khoảng 5 giờ chiều trở đi là konbanwa (こんばんは).
Oyasuminasai: lời chào trước khi đi ngủ
Khi kết thúc cuộc nói chuyện với ai đó vào buổi tối và muốn chào tạm biệt và chúc đối phương ngủ ngon, bạn hãy sử dụng câu oyasuminasai hoặc chỉ đơn giản là oyasumi trong trường hợp đối phương là bạn bè thân thiết, người thân trong gia đình.
Hajimemashite: chào hỏi khi gặp mặt lần đầu
Trong lần đầu tiên gặp mặt ai đó, người Nhật sẽ dùng câu chào hajimemashite (はじめまして) để mở đầu, tương tự như câu “rất vui được gặp bạn” trong tiếng Việt.
Sau đó, bạn có thể giới thiệu về bản thân với các thông tin như tên tuổi, nghề nghiệp, quê quán. Cuối cùng để kết thúc đoạn chào hỏi, hãy sử dụng câu: “douzo yoroshiku onegaishimasu” (どうぞよろしくお願いします).
Moshi moshi: lời chào khi nghe điện thoại
Khi nhấc máy điện thoại, người Nhật thường mở đầu bằng câu moshi moshi (もしもし), tương tự câu “alo” trong tiếng Việt.
Irasshaimase: lời chào đón tiếp khách hàng
Đây chính là câu nói mà chúng ta thường được nghe khi bước vào các cửa hàng, quán ăn Nhật. Những nhân viên làm việc trong ngành dịch vụ sử dụng câu irasshaimase (いらっし ゃいませ)(irasshaimase) để chào đón khách hàng của mình.
Mẫu câu sử dụng khi đi ra ngoài hoặc trở về nhà
Trước khi đi ra ngoài, người Nhật thường sử dụng câu ittekimasu (いってきます) với nghĩa “con/em/tôi/mình. đi đây một lát rồi về” để thông báo với người ở nhà. Khi đó, người ở nhà sẽ đáp lại: “itterasshai” (いってらっしゃい) – “anh/chị/con. đi nhé”.
Và khi trở về nhà, người Nhật sẽ nói tadaima (ただいま) để thông báo sự hiện diện của mình “con/em/tôi/mình. về rồi” và người ở sẽ đáp lại “okaerinasai” (おかえりなさい) hoặc “okaeri” (おかえり) trong trường hợp thân mật hơn với nghĩa “con/em/mình. về rồi đấy à”.
Lời chào tạm biệt
Để chào tạm biệt, hãy sử dụng câu “ja, mata” (じゃ、また) hoặc cách nói thân mật hơn là “matane” (またね) với ý nghĩa “gặp lại cậu/bạn/anh/chị sau nhé). Tuy nhiên, giới trẻ Nhật Bản ngày nay thường sử dụng “bai bai” (バイバイ), cách nói mượn từ tiếng Anh (bye bye) để chào tạm biệt nhau.
Trong trường hợp sau khi tạm biệt nhau sẽ rất lâu nữa mới gặp lại, hãy nói “ki wo tsukete” (きをつけて) để thể hiện ý “giữ gìn sức khỏe nhé”.
kilala.vn
11/10/2023
Bài: Nobita
Đăng nhập tài khoản để bình luận