
Từ bỏ hệ thống phiên âm Kunrei-shiki, Nhật Bản hướng tới thống nhất cách viết Romaji
Trong nhiều năm qua, hệ thống phiên âm Kunrei-shiki không được sử dụng rộng rãi tại Nhật Bản, ngay cả trong các cơ quan của chính phủ. Thay vào đó, hệ thống Hepburn, được tạo ra bởi James Curtis Hepburn vào năm 1867, đã trở thành tiêu chuẩn cho việc phiên âm tiếng Nhật.
Từ bỏ hệ thống không được sử dụng
Theo Asahi Shimbun, vào tháng 1, Tiểu ban La Mã hóa của Cơ quan Văn hóa Nhật Bản đã chấp nhận ý kiến công khai về sự thay đổi này. Tiểu ban có kế hoạch nộp báo cáo để tranh luận vào tháng 4 sau khi đạt được sự đồng thuận rộng rãi về những gì mà việc chuyển đổi sẽ mang lại.
Hệ thống Kunrei-shiki lần đầu tiên được Nhật Bản áp dụng vào năm 1937 theo Sắc lệnh Nội các. Tuy nhiên, sau Thế chiến II, hệ thống Hepburn đã được quy định là phương pháp phiên âm tiếng Nhật. Đến năm 1954, chính phủ Nhật Bản đã tái xác nhận Kunrei-shiki (có một số sửa đổi nhỏ) là hệ thống chính thức.
Trên thực tế, Kunrei-shiki gây cảm giác không tự nhiên đối với người nói tiếng Anh, vì nhiều cách phiên âm không tương ứng với âm thanh thực tế của chúng trong tiếng Nhật. Ví dụ, theo Kunrei-shiki, âm "ち" được phiên âm là "ti" , "し" được phiên âm thành "si", và "じゅ" được phiên âm là "zyu" . Điều đó có nghĩa là, theo Kunrei-shiki, Shinjuku chính xác phải được viết là "Sinzyuku", Aichi là "Aiti" và shimbun (báo) là "sinbun".
Xem thêm: Đau đầu với hệ thống Romaji ở Nhật

Nghịch lí là, mặc dù cũng là hệ thống Romaji chính thức nhưng Kunrei-shiki được rất ít tổ chức sử dụng. Hiện tại, Kunrei-shiki được sử dụng trong Thư viện Quốc hội Nhật Bản, trong các trường tiểu học và sách giáo khoa. Tuy nhiên, hầu hết các tổ chức chính phủ và tư nhân sử dụng hệ thống Hepburn, tương tự với hầu hết các biển báo công cộng.
Việc chuyển đổi sang hệ thống Hepburn
Các khuyến nghị của Tiểu ban La Mã hóa tập trung vào vấn đề chuyển sang sử dụng hệ thống phiên âm Hepburn tu chỉnh (Modified Hepburn) trong khi vẫn thừa nhận các ngoại lệ và tiền lệ trong lịch sử.
Theo hệ thống Hepburn tu chỉnh, âm tiết "ん" của tiếng Nhật sẽ được viết là "n" khi đứng trước một phụ âm khác, ví dụ: "新橋 - Shinbashi". Trước đây, trong hệ thống Hepburn truyền thống (Traditional Hepburn), "n" sẽ trở thành "m" nếu đứng trước các phụ âm môi là "b, m, p".
Tuy nhiên, đề xuất mới sẽ công nhận các từ được viết theo quy tắc cũ và đã trở nên phổ biến, ví dụ như từ “shimbun” (新聞) được hầu hết các tờ báo Nhật Bản sử dụng trong tên tiếng Anh của mình.

Các quy tắc cũng sẽ cho phép linh hoạt trong biểu thị các nguyên âm dài. Ví dụ, tên "大江戸" (おおえど) sẽ được phiên âm trong hầu hết các trường hợp bằng cách sử dụng dấu gạch ngang trên chữ “o” – tức là Ōedo. Tuy nhiên, cách viết gấp đôi nguyên âm (Ooedo) cũng được chấp nhận trong những trường hợp không thể sử dụng dấu gạch ngang.
Tuy nhiên, những hướng dẫn này vẫn còn khá lỏng lẻo, chưa thể giải quyết nhiều trường hợp ngoại lệ đã xuất hiện trong những năm gần đây. Ví dụ, tên của cầu thủ bóng chày nổi tiếng nhất Nhật Bản, "大谷翔平" (おおたにしょうへい) – anh chàng tự phiên âm họ của mình là Ohtani, hoặc từ "judo" (柔道;じゅうどう), những nguyên âm dài này hoàn toàn không được biểu thị bằng ký tự Latinh.
kilala.vn
Nguồn: Unseen Japan
Đăng nhập tài khoản để bình luận