Nhật ngữ: Quan trọng nhưng chưa đủ
N1, N2 liệu có đủ?
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam không tìm được nhân sự phù hợp mặc dù người Việt biết tiếng Nhật đạt trình độ N1, N2 đang gia tăng. Điều này cho thấy nhiều kỹ năng như biên – phiên dịch, kỹ năng làm việc (trung thực, cầu tiến), kiến thức chuyên ngành. là điều mà người lao động cần trau dồi bên cạnh kiến thức về ngôn ngữ.
Công việc đầu tiên mà đa số các sinh viên học ngôn ngữ Nhật được tuyển vào sẽ làm biên – phiên dịch. Thế nhưng không phải ai cũng có thể trở thành một người biên – phiên dịch giỏi dù nỗ lực học tập để đạt bằng N1, N2. Theo chị Miiko Chan (người dẫn chương trình, phiên dịch với hơn 10 năm kinh nghiệm), dưới đây là một số lí do khiến bạn không biên – phiên dịch trôi chảy:
• Ngôn ngữ tiếng Việt chưa tốt: Việc thiếu vốn từ tiếng Việt sẽ khiến bạn không dịch trôi chảy, không nghĩ ngay ra từ tương đồng giữa tiếng Nhật với tiếng Việt, có thể dẫn đến sai thông tin truyền đạt. Việc “học lại” tiếng Việt bằng cách thường xuyên đọc sách, đọc các văn bản tiếng Việt chuyên ngành… để làm giàu kho ngôn từ của mình là vô cùng cần thiết.
• Thiếu kiến thức xã hội: Kiến thức xã hội rất quan trọng trong quá trình giao tiếp, giúp bạn dễ hiểu nội dung cuộc trò chuyện. Cần tích cực học hỏi từ sách vở, báo chí, trải nghiệm thực tế để có được nhiều kiến thức về văn hoá, đời sống xã hội, kinh tế.
• Thiếu kĩ năng ghi chú, phân biệt ý chính, ý phụ của người nói: Dẫn tới khó lòng truyền đạt chính xác thông tin mà người nói cũng cấp, cũng như dịch hết ý.
• Thiếu kĩ năng quan sát: Để nắm bắt vấn đề, bối cảnh, hiểu ý người nói, bạn cần quan sát, tìm hiểu về cách nói chuyện, chức vụ, lập trường, tính cách… của họ. (Ví dụ có những người không bao giờ dám trả lời thẳng vào câu hỏi của sếp do sợ trách nhiệm. Hãy để họ nói xong rồi nhẹ nhàng hỏi: "Em sẽ dịch ý của anh chị nhưng trước tiên, sếp hỏi Có hoặc Không nên anh chị trả lời giúp là Có hoặc Không giúp em nha” . Tránh lớn tiếng hoặc tỏ vẻ bực tức thiếu chuyên nghiệp.
• Thiếu kĩ năng trình bày vấn đề logic- dễ hiểu: Diễn đạt dài dòng, không biết cách nêu ý chính trước rồi diễn giải ý phụ, nêu ví dụ … để người nghe dễ hiểu. Cần lưu ý, dịch là dịch ý của người nói chứ không phải dịch từng từ một.
• Thiếu môi trường rèn luyện: cần tham gia các câu lạc bộ để tăng cơ hội giao lưu với người Nhật. Với kĩ năng dịch, cần rèn luyện trong môi trường chuyên nghiệp và nổ lực không ngừng. Có thể tự tập dịch từ những câu đơn giản trong hội thoại thường ngày trước, sau đó vừa xem phim, vừa dịch đuổi theo từng nhân vật.
• Thiếu kỹ năng đọc nhanh, ghi chú, tóm tắt ý chính: Thiếu kỹ năng này, bạn sẽ vô cùng căng thẳng trước khối lượng lớn thông tin từ công việc, sự kiện sắp phiên dịch.
• Thiếu kỹ năng quan sát: Để nắm bắt vấn đề, bối cảnh, hiểu ý người nói, bạn cần quan sát, tìm hiểu về cách nói chuyện, chức vụ, lập trường, tính cách… của họ. (Ví dụ có những người không bao giờ dám trả lời thẳng vào câu hỏi của sếp do sợ trách nhiệm. Hãy để họ nói xong rồi nhẹ nhàng hỏi: "Em sẽ dịch ý của anh chị nhưng trước tiên, sếp hỏi Có hoặc Không nên anh chị trả lời giúp là Có hoặc Không giúp em nha”. Tránh lớn tiếng hoặc tỏ vẻ bực tức thiếu chuyên nghiệp.
• Không biết trình bày vấn đề: Diễn đạt dài dòng, không biết cách nêu ý chính trước rồi diễn giải ý phụ để người nghe dễ hiểu. Cần lưu ý, dịch là dịch ý của người nói chứ không phải dịch từng từ một.
• Thiếu môi trường rèn luyện: Cần tham gia các câu lạc bộ để tăng cơ hội giao lưu với người Nhật. Với kĩ năng dịch, cần rèn luyện trong môi trường chuyên nghiệp và nỗ lực không ngừng. Có thể tự tập dịch từ những câu đơn giản trong hội thoại thường ngày, sau đó vừa xem phim, vừa dịch đuổi theo từng nhân vật.
Đối với những ai không muốn chọn nghề biên – phiên dịch là nghề chính, việc giao tiếp trôi chảy vẫn là một tiền đề quan trọng để bạn học thêm kiến thức từ chuyên ngành mình yêu thích. Chị Xuân Trinh (Chủ tịch hội Cựu Du học sinh Nhật Bản) chia sẻ: “Đứng trên góc độ nhà tuyển dụng, tiếng Nhật được coi là công cụ chứ không phải là giá trị cốt lõi. Người Nhật không cần bạn là người giỏi, có bằng cấp cao mà cần bạn là người muốn làm việc cho công ty họ và xác định sẽ làm được gì cho họ. Vào công ty rồi thì bạn sẽ được đào tạo lại từ đầu để bạn trở thành một phần của công ty.”
Tiếng Nhật hiện đại có nhiều thay đổi
Là một trong những cây bút của Kilala với những bài dịch, bài viết chuyên sâu về ngôn ngữ Nhật, Nhà văn – Dịch giả Hoàng Long (giảng viên ĐH Sư Phạm TP.HCM và ĐH Hoa Sen) nhận định: “Tiếng Nhật hay tiếng Việt cũng vậy. Nếu chúng ta đọc thơ Nguyễn Trãi sẽ thấy tiếng Việt cách đây 600 năm rất khác bây giờ. Hay nếu đọc một tác phẩm văn học đầu thời Minh Trị hay những bài tanka từ thời Heian và so sánh với tiếng Nhật của những nhà văn hiện đại như Murakami Haruki thì sẽ thấy khác biệt lớn.
Chính vì vậy mà trong chương trình học của Nhật Bản luôn có môn Quốc ngữ (kokugo 国語) trong đó có phần Cổ văn (Kobun 古文) để học và giải thích về những tác phẩm kinh điển. Với kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy tiếng Nhật ngày càng dễ đọc, bớt đi nhiều từ Kanji khó hiểu thay vào đó là những từ nước ngoài phiên âm Katakana. Đó cũng là ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa đến ngôn ngữ vậy.”
Chị Miiko Chan tâm sự: “Tiếng Nhật hiện đại có rất nhiều thay đổi. Tôi phải thường xuyên cập nhật kho từ vựng của mình để không bị tụt hậu. Đặc biệt là từ ngoại lai (Garaigo) và Waseieigo. Waseieigo là từ do người Nhật tạo ra, viết bằng Katakana nhưng không có trong tiếng Anh. Họ mượn ý, mượn từ của tiếng Anh và dùng theo cách của họ, ví dụ cụm từ “hàng đặt may”, đặt làm riêng trong tiếng Nhật là オーダーメイド (order made), trong tiếng Anh là “custom-made”.
kilala.vn
26/06/2019
Bài: Phương Anh
Hình ảnh: Pixta
Đăng nhập tài khoản để bình luận