Nhật kí Miiko Chan: Đạt N1, N2 sao vẫn không dịch tốt?
Dịch ý chứ không phải dịch từng từ
Để dịch được cần có các bước sau: Nghe được, Hiểu được, Nhớ được, Truyền đạt lại được đúng ý người nói.
Nếu không nghe được, hiểu được thì không thể dịch được. Việc này cũng phụ thuộc vào người nói và cách trình bày của họ nên cần khéo léo xác nhận lại để nắm chính xác ý của người nói. Nên hiểu đúng ý trước, vì dịch là dịch ý chứ không phải dịch từ.
Từ ngữ chỉ là phương tiện để người nói dùng để truyền đạt ý của mình. Muốn nghe hiểu tốt, kĩ năng ngôn ngữ, tiếng Nhật - tiếng Việt giỏi, bạn cần phải học thêm từ vựng chuyên ngành của công ty, tự tạo cho mình 1 cuốn từ điển phiên dịch, từ nào lạ là cập nhật và học thuộc lòng ngay để lần sau gặp là biết.
Để hiểu ý của người nói, bạn phải tìm hiểu kĩ bối cảnh diễn ra dự án, sự việc, biết quan sát, tìm hiểu về cách nói chuyện, chức vụ, lập trường, tính cách … của người nói, để hiểu cách trình bày của họ.
Ví dụ: Có những người không bao giờ dám trả lời thẳng vào câu hỏi của sếp do sợ trách nhiệm. Tìm cách nói xa, nói tránh, nghĩ ra nhiều lí do để trốn tránh trách nhiệm khi làm hư việc. Với những người như vậy, để họ nói xong rồi nhẹ nhàng hỏi lại câu hỏi của sếp như sau:
“ Em sẽ dịch ý của anh chị nhưng trước tiên, sếp hỏi Có hoặc Không nên anh chị trả lời giúp là Có hoặc Không giúp em nha”
Lưu ý: Tránh lớn tiếng hoặc tỏ vẻ bực dọc sẽ khiến họ tự ái.
Luyện khả năng nhớ bằng phương pháp Reproduction
Có bạn nào từng lâm vào cảnh nghe rồi, hiểu rồi nhưng đang dịch giữa chừng lại quên ý không? Đây là tình huống Miiko rất hay gặp phải thời gian đầu đi phiên dịch. Sau đó mình đã luyện khả năng nhớ, ghi chú lại ý chính của người nói bằng phương pháp Reproduction (tạm dịch là nhại lại có chủ đích). Đây là phương pháp khó hơn phương pháp Shadowing vì shadowing là nghe và nhại lại liền sau 1-2 giây sau khi nghe. Reproduction thì phải nghe xong rồi mới dùng trí nhớ của mình để lặp lại.Các bước thực hiện
Level 1:Bạn nghe 1 - 2 câu nói, dừng lại rồi mới nhại lại giống vậy.
Sau đó, tăng lên thành 3 - 4 câu và làm tương tự.
Ban đầu bạn có thể sử dụng Video tiếng Việt, khi thuần thục rồi hãy chuyển sang tiếng Nhật.
Level 2:
Nghe câu 1 - không nhại lại, tai nghe câu 2 - nhưng miệng nhại lại câu 1. Tai nghe câu 3 - miệng nhại lại câu 2.
Cứ như vậy nâng lên thành đoạn văn dài. Cách luyện tập này giúp Miiko vừa tăng khả năng linh hoạt khi nói vừa tăng trí nhớ rất hiệu quả.
Ghi chú lại ý chính:
Hỗ trợ trí nhớ bằng cách ghi lại các ý chính, đừng chủ quan vì nhiều tình huống người nói nói rất dài nên không thể nhớ hết được. Tuyệt đối tránh việc mải lo ghi chú mà không kịp nghe người nói nói gì.
Truyền đạt lại được ĐÚNG Ý người nói
Để truyền đạt lại được đúng ý người nói một cách khách quan, bạn phải học kĩ năng trình bày vấn đề. Có thể đọc thêm sách về cách trình bày, thuyết trình của người Nhật. Cá nhân Miiko, khi dịch trong các cuộc họp kinh doanh thường hay dùng kiểu văn trực khởi: Nêu ý chính mà người nói muốn nói trước. Sau đó sẽ nêu tiếp ý phụ, diễn giải, ví dụ… để giúp người nghe dễ hiểu. Với những câu hỏi Yes/ No question, Miiko sẽ đưa câu trả lời Yes hoặc No lên đầu. Sau đó mới dịch cách ý diễn giải, lí do, ví dụ,…Ngoài ra, bạn cần lựa chọn từ ngữ phù hợp với văn phong của người nói và tuyệt đối không tự thêm ý của bản thân vào. Khi người nói dùng kính ngữ, Miiko sẽ dịch những từ như “Cho phép, xin phép, xin vui lòng …” để diễn đạt ý trịnh trọng. Thêm vào đó, Miiko tự tạo cho mình 1 cuốn từ điển để ghi lại những từ hay gặp, những câu hay dùng.
Ngoài các phương pháp trên, để biên - phiên dịch tốt, bạn cũng cần kinh nghiệm thực tiễn và luyện tập không ngừng nghỉ. Nếu không trải nghiệm thực tế thì khó lòng nâng cao kĩ năng này được.
Rất hi vọng chia sẻ của Miiko sẽ hữu ích với các bạn!
kilala.vn
Miiko Chan
06/05/2019
Bài: Miiko Chan
Đăng nhập tài khoản để bình luận