NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Trang phục lao động Nhật Bản: Từ công trường đến sàn diễn thời trang

    Những công nhân ngày ngày làm việc trên giàn giáo có lẽ không ngờ rằng trang phục lao động của mình lại trở thành nguồn cảm hứng cho những bộ sưu tập thời trang.

    Trang phục của thợ giàn giáo

    Từ thời Edo, công nhân làm việc tại công trường sẽ có tên gọi riêng tùy theo công việc của họ: sakan (thợ trát), daiku (thợ mộc) và tobishoku (thợ giàn giáo và công nhân xây dựng trên cao). Trong đó tobishoku được ghép từ “tobi” trong "tobiguchi" (chiếc cuốc dùng để nâng gỗ làm giàn giáo) và “shoku” có nghĩa là công việc. Tuy nhiên, tobi trong tiếng Nhật còn có nghĩa là “bay” hoặc “nhảy”, mang đến cho tobishoku một cách diễn giải theo nghĩa đen. “Công việc bay” mô tả chính xác màn di chuyển giữa dầm thép và giàn giáo trên cao của những người công nhân.

    trang-phuc-cong-truong
    Trang phục của những công nhân giàn giáo với quần "nikkapokka". Ảnh: Wikipedia

    Những tobishoku sẽ thường mặc quần nikkapokka (kết hợp giữa quần knickerbocker của Hà Lan, có sự thay đổi theo phong cách Nhật Bản). Với thiết kế rộng ở phần ống, nikkapokka giúp người mặc di chuyển dễ dàng hơn, một số người thậm chí còn tin rằng phần ống rộng của quần có chức năng như một cánh buồm, giúp nhận thức rõ hơn về hướng gió. Phần mắt cá chân được bó vào không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn giúp quần không bị vướng.

    Nguồn cảm hứng cho thời trang

    Toraichi là thương hiệu chuyên sản xuất tobishoku từ năm 1959, với điểm nhấn là phần eo sử dụng phương pháp sashiko truyền thống cùng chất lượng vải phù hợp, với độ bền cùng sự thoải mái.

    thoi-trang
    Trang phục của công nhân (bên trái) và trang phục thời trang (bên phải). Ảnh: Tokyo Weekender

    Năm 2024, hãng đã hợp tác với A Bathing Ape (BAPE) để ra mắt bộ sưu tập lấy cảm hứng từ trang phục tobishoku truyền thống, mang đến nét thời trang đường phố với mẫu áo khoác dokajan và quần nikka.

    Tương tự như vậy, bộ sưu tập SS24 của Moussy hợp tác với Toraichi tái hiện trang phục xây dựng truyền thống nhưng biến hóa cùng những chi tiết hiện đại. Bộ sưu tập bao gồm các mặt hàng như quần nikka có thắt lưng và áo khoác lửng, được làm bằng vải chuyên may trang phục tobishoku.

    BAPExToraichi
    Phần hoa văn trên lưng quần trong BST hợp tác giữa BAPE và Toraichi. Ảnh: BAPE

    Bên cạnh đó, những đôi giày tabi quen thuộc của công nhân cũng trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thương hiệu như Moonstar, Maison Margiela hay Sou Sou.

    Ảnh hưởng của phong cách tobishoku không chỉ giới hạn ở tính thẩm mỹ. Cho dù mặc trên công trường hay trên phố, những bộ trang phục này vẫn mang trong mình di sản của nghề thủ công Nhật Bản và sự đổi mới trong tư duy.

    Trang phục bảo hộ truyền thống không còn được ưa chuộng?

    Trong khi quần nikkapokka và giày tabi đang được hồi sinh trong lĩnh vực thời trang, sự hiện diện của chúng trên các công trường xây dựng ở Nhật Bản đang mờ dần. Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều công trường cấm quần nikkapokka vì lo ngại về an toàn. Thiết kế rộng rãi, bồng bềnh mặc dù có những lợi thế riêng, nhưng được cho là làm tăng nguy cơ tai nạn tại nơi làm việc như vấp ngã hoặc vướng vào máy móc.

    tobi
    Dù thời trang hay công việc thì những đôi tabi vẫn được ưa chuộng. Ảnh: Tokyo Weekender

    Hơn nữa, nhận thức về quần nikkapokka đã thay đổi. Trong khi một số người coi chúng là biểu tượng của lòng tự hào, những người khác lại liên tưởng chúng với hành vi hỗn láo. Đó là bởi vì theo lịch sử, những chiếc quần rộng thùng thình này cũng có liên quan đến nền văn hóa yankii của Nhật Bản. Bosozoku cũng thường xuyên mặc quần nikka. Các công ty xây dựng giờ đây với mục tiêu duy trì hình ảnh chuyên nghiệp và giảm thiểu khiếu nại từ công chúng, đã chuyển sang đồng phục hiện đại, ưu tiên sự an toàn và tính thực tế hơn là truyền thống.

    Ngược lại, ủng tabi vẫn xuất hiện trên các công trường xây dựng. Bên cạnh việc cải tiến ủng làm việc tiêu chuẩn có độ bám và cấu trúc hỗ trợ, thì các thương hiệu quần áo bảo hộ lao động vẫn tiếp tục nâng cấp tabi với các tính năng an toàn như đế có đinh để tăng lực bám và phần trên được thiết kế để chịu được các vật sắc nhọn, đảm bảo bền bỉ trong môi trường khắc nghiệt, theo thời gian.

    kilala.vn

    Nguồn: Tokyoweekender

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!