NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Phong cách Jendaresu-kei – Rực rỡ, phá cách và không giới hạn

    Phong cách Jendaresu-kei – Rực rỡ, phá cách và không giới hạn

    Thời trang Nhật Bản luôn là một điều gì đó khác biệt với phần còn lại của thế giới. Nơi đây tồn tại những sự đối lập thú vị: là một quốc gia bảo thủ so với nhóm G7 về vấn đề LGBTQ+, nhưng phong cách thời trang tại đây lại đa dạng, thậm chí phi giới tính khi những chàng trai thoải mái mặc trang phục đầy màu sắc, họa tiết, vượt qua những gì mà chúng ta thường nghĩ về trang phục của một người đàn ông.

    Thời trang phi giới tính – Jendaresu-kei là gì?

    Genderless (ジェンダーレス – Jendaresu) là một tiểu văn hóa nổi lên ở Nhật Bản vào giữa những năm 2010 với phong cách thời trang được gọi là Jendaresu-kei, nhằm mục đích phá vỡ các chuẩn mực giới tính của xã hội trong thời trang. Những người theo phong cách này thường là đàn ông, họ được gọi là Jendaresu danshi - ジェンダーレス男子.

    Jendaresu

    Phong cách Jendaresu-kei nhanh chóng trở nên phổ biến sau khi những người mẫu phi giới tính xuất hiện trong buổi trình diễn thời trang Thu Đông 2015 của Tokyo Girls Collection.

    Điều khiến Jendaresu-kei trở nên độc đáo, ngoài trang phục, thì đó là việc những người đàn ông theo xu hướng này không nhất thiết là người đồng tính, queer hay muốn giống phụ nữ. Họ không mặc để tuyên bố xu hướng tính dục của mình mà chỉ đơn giản là muốn thoát khỏi những chuẩn mực giới tính mà xã hội quy định (như nam phải mặc đồ tối màu, veston…) từ đó tạo ra một tiêu chuẩn về cái đẹp không dành cho bất kỳ giới tính cụ thể nào.

    Jendaresu-kei
    Ảnh: Tokyo Fashion

    Tuy nhiên, một số nam giới đã tuyên bố rằng việc trở thành một phần của nền văn hóa phi giới tính đã khiến họ dễ chấp nhận sự đa dạng về giới hơn.

    Những người theo phong cách Jendaresu-kei

    Jendaresu-kei không có quy tắc cụ thể, ngoại trừ việc tạo ra vẻ ngoài không ranh giới giữa nam và nữ.

    Diện mạo thường thấy của tiêu chuẩn của những người theo phong cách Jendaresu-kei đối với đàn ông là vóc dáng nhỏ và khuôn mặt “baby”, trang điểm, sơn móng tay, đeo kính áp tròng màu, dát đầy phụ kiện bên ngoài bộ quần áo lộng lẫy.

    Jendaresu-kei1
    Ảnh: Tokyo Fashion

    Màu sắc tươi sáng và sự kết hợp có chủ ý của các phụ kiện nhằm tạo ra một kiểu thời trang nam mới, loại bỏ hoàn toàn các chuẩn mực xã hội về phong cách nam tính, sử dụng sự trung lập về giới tính làm trung tâm.

    Phong cách gây tranh cãi

    Trong khi thời trang phi giới tính nhận được sự ủng hộ của mọi người, một số người lại chỉ trích hoặc lợi dụng thuật ngữ này cho việc quảng bá sản phẩm một cách dễ dàng hơn. Việc lạm dụng mà không có kiến thức đầy đủ dễ khiến phong cách này trở nên không mấy thiện cảm trong mắt nhiều người.

    Jendaresu-kei hiện nay của Nhật Bản hướng đến mục tiêu hòa nhập, phá bỏ những khuôn mẫu khác nhau trong một xã hội vẫn còn bảo thủ về vấn đề giới. Để làm cho thời trang phi giới tính hiện tại trở nên bền vững, ngành thời trang không chỉ cần quảng bá sản phẩm mà còn phải khiến chúng trở nên thực sự thân thiện với mọi người.

    jw
    JW Anderson fall/winter 2013. 

    Thương hiệu thời trang nhanh GU của Nhật Bản đã phát triển những món đồ phi giới tính với nhiều kích cỡ và màu sắc đa dạng. Chúng được thiết kế để phù hợp với mọi người, bất kể giới tính, bản dạng giới hay tuổi tác.

    Mặt khác, một số thương hiệu thời trang mới ra mắt không phân loại sản phẩm theo mục nam/nữ thông thường. IIQUAL là một trong những ví dụ điển hình về thương hiệu thời trang tôn trọng sự đa dạng. Triết lý của họ là giúp mọi người thể hiện bản thân mà không bị ràng buộc bởi những khuôn mẫu khác nhau. Ngoài các sản phẩm của mình, họ còn thực hiện các cuộc phỏng vấn để giới thiệu cách sống và suy nghĩ của những người đã vượt qua khỏi khuôn mẫu.

    Những gương mặt tiêu biểu cho Jendaresu-kei

    Diễn viên và người mẫu Toman Sasaki

    Anh bắt đầu sự nghiệp với tư cách là một người mẫu nghiệp dư và được xem là người đã phổ biến Jendaresu-kei tại Nhật. Sasaki kể rằng khi lần đầu tiên anh bắt đầu mặc trang phục Jendaresu-kei, mọi người thường hỏi anh có phải là người đồng tính hay không. Tuy nhiên, Sasaki phủ nhận điều này và cho biết việc trang điểm chỉ để che đi khuyết điểm của bản thân và tự tin hơn.

    Toma
    Toman Sasaki. Ảnh: Today Online

    "Mọi người có thể chọn bất kỳ phong cách nào phù hợp với mình. Không phải giới hạn rằng đàn ông chỉ được mặc như thế này, phụ nữ chỉ được mặc như thế kia. Hãy nghĩ đơn giản rằng chúng ta đều là con người và được làm những gì mình muốn", Sasaki chia sẻ với trang Today Online.

    Người mẫu và ngôi sao mạng xã hội Ryuchell

    Ryuchell là một trong những nhân vật có ảnh hưởng quan trọng đối với nền văn hóa Jendaresu-kei ở Nhật Bản, những trang phục của anh lấy cảm hứng từ thời trang Mỹ những năm 1980 và 1990. Năm 2022, Ryuchell bắt đầu vận động cho quyền của cộng đồng LGBT trên truyền hình Nhật Bản, xuất hiện thường xuyên trên các chương trình tạp kỹ và tại các sự kiện có chủ đề LGBT. Anh đã qua đời tại nhà riêng vào năm 2023.

    Ryuchell
    Ryuchell - người luôn đấu tranh cho cộng đồng LGBTQ+ Nhật Bản. Ảnh: Free Press Journal

    Xem thêm những bài viết về Tháng Tự hào tại đây.

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!