Xử lý rác - mấu chốt của môi trường sống bền vững
"Trước bình minh, luôn là đêm tối!"
Sau Thế chiến thứ II, Nhật Bản bước vào giai đoạn phát triển thần kỳ, trở thành nền công nghiệp đứng thứ 2 thế giới. Bởi có bao nhiêu tiền trong tay, người Nhật đều đổ dồn vào phát triển công nghiệp. Nhưng cái giá đắt phải trả cho sự phát triển vượt bậc chính là môi trường phải đối mặt với những vấn nạn ô nhiễm nghiêm trọng: dân số ngày một tăng, nhu cầu tiêu dùng lớn, rác thải ngày một nhiều nhưng lại thiếu đất chôn rác một cách trầm trọng. Chính phủ dần nhận ra nếu không giải quyết triệt để thì sớm muộn nước Nhật sẽ chìm trong bể rác.Để giải quyết thực trạng đó, những năm 1990 – 2000, Chính phủ đã ban hành Luật “Xã hội quay vòng vật chất bền vững” nhằm quản lí rác thải theo nguyên tắc 3R gồm giảm lượng phát thải, tái sử dụng, tái chế đồng thời áp dụng công nghệ thu hồi nhiệt thải, xả thải một cách hợp lý. Giải pháp mới này biến rác thải thành một nguồn tài nguyên có giá trị khi rác thải của ngành công nghiệp này lại có khả năng thành nguyên liệu thô của ngành công nghiệp khác, hạ mức phát thải về con số 0.
Ý thức bắt nguồn từ kỷ luật
Những chính sách tốt không thể thực hiện nếu người dân không có ý thức tuân thủ và cam kết thực hiện. Công tác tuyên truyền bắt đầu lan tỏa mạnh mẽ từ các cơ sở xử lý rác, khi nơi đây luôn mở cửa đón chào khách ghé thăm, thường là học sinh, cư dân thành phố. Theo đó, việc tham quan các cơ sở xử lý rác là môn học bắt buộc trong nhà trường. Các em học sinh sau khi tham quan sẽ viết bài thu hoạch, viết báo tường, Powerpoint, vẽ tranh ảnh, làm những sản phẩm thủ công từ các vật phế thải,… Sau khi hoàn thiện, các tác phẩm sẽ được trưng bày tại khu tiếp khách của các nhà máy xử lý rác. Có thể nói, giáo dục ý thức cho trẻ em là cách tuyên hiệu quả hơn bất kì hình thức truyền thông đại chúng nào khác.Cùng với con trẻ, mỗi gia đình đều tự ý thức phân loại và thu gom rác đúng quy định riêng, đảm bảo tiết kiệm thời gian cho trung tâm thu gom và xử lý rác thải. Chẳng hạn, mỗi loại rác có ngày thu gom khác nhau, trước khi phân loại cần chú ý làm sạch rác,… cùng rất nhiều những quy định khắt khe khác đã tạo nên thói quen sống xanh, sống sạch cho người Nhật. Nếu bạn không tuân thủ sẽ bị hàng xóm nhắc nhở bằng việc đặt túi rác có tên hộ gia đình ngay trước cửa nhà hoặc mọi người sẽ xa lánh, không tiếp chuyện với bạn. Nặng hơn có thể bị phạt tù lên đến 5 năm hoặc đóng tiền phạt lên đến 10 triệu yên. Chính ý thức tốt cùng kỷ luật thép đó đã đưa nước Nhật từ nguy cơ “chìm trong bể rác” trở thành quốc gia … sạch nhất thế giới.
Phát triển bền vững và bài học cho Việt Nam
Không chỉ đơn thuần phân loại, thu gom và tái chế rác thải, người Nhật còn tận dụng nguồn rác thải để tạo thêm … đất. Hai sân bay quốc tế là Chubu Centrair (gần Nagoya) và Kansai đều được xây trên những hòn đảo nhân tạo được bồi lấp từ rác. Ở Tokyo, chính quyền thành phố còn cải tạo 249 km² đất dọc vịnh Tokyo bằng các bãi rác.Nhìn lại hành trình nước Nhật từ con số báo động, vươn lên trở thành quốc gia sạch sẽ đáng tự hào, Việt Nam học hỏi được điều gì? Làm thế nào thay đổi những số liệu đáng báo động như Việt Nam đứng thứ 17 về lượng xả thải rác thải nhựa, đứng thứ 5 thế giới về lượng rác thải nhựa ra đại dương hay những cảnh báo đến năm 2050 lượng rác thải nhựa ngoài biển có thể nhiều hơn loài cá? Nghĩ cho cùng, bài học lớn nhất cho Việt Nam, đơn giản bắt đầu từ chính ý thức mỗi người.
Làm thế nào để phân loại rác tại nguồn?
- Rác tái chế: chai lọ, hộp, lon, chai nhựa PET, khay, tuýp,. nắp đậy, sách báo cũ. - Rác đốt được: thức ăn, dầu ăn, quần áo, giấy vụn, cây lá, bật lửa hết gas, đồ dùng cao su, da,. Nên thấm dầu ăn bằng giấy, vải làm ráo nước thức ăn thừa trước khi cho vào túi rác.- Rác không đốt: nồi niêu xoong chảo, dao kéo,. thủy tinh như bóng đèn, kính,. gốm sứ, bình xịt, bàn ủi, bật lửa, pin, nhiệt kế, bình chữa cháy,.
- Rác đặc biệt khác: những loại rác cần trả phí thu gom (đồ cồng kềnh, xác động vật,.) và loại địa phương không thể thu gom (đồ điện tử, điện lạnh,.).
30/11/2018
Bài: Roan /Hình ảnh: Pixta
Đăng nhập tài khoản để bình luận