Xu hướng son môi tại Nhật Bản

    Cùng với sự xuất hiện của các khuynh hướng thời trang và làm đẹp mới, mỹ phẩm trang điểm tại Nhật Bản cũng được đa dạng hóa về xu hướng và phong cách. Trong đó phải kể đến son môi, một trong những sản phẩm make-up không thể thiếu trong ví đồ trang điểm của chị em phụ nữ.
    xu hướng son môi ở Nhật
    (Ảnh minh họa: senav/PIXTA)

    Khuynh hướng son môi được ưa chuộng tại Nhật Bản 

    A. Theo màu sắc

    Khuynh hướng màu son luôn thay đổi song hành cùng phong cách trang điểm. Ở Nhật Bản hiện đang có những phong cách trang điểm thịnh hành sau đây.

    1. Makeup - less makeup

    phong cách trang điểm tự nhiên
    Phong cách trang điểm tự nhiên (Ảnh: Ushico/PIXTA)

    Về phong cách trang điểm thịnh hành và duy trì bền bỉ tại Nhật trong những năm gần đây, có thể nói xu hướng trang điểm tự nhiên vẫn luôn áp đảo. Thay cho hình ảnh những nàng Geisha da trắng như tuyết cùng đôi môi đỏ thẫm chúm chím là các cô gái Nhật Bản hiện đại với mái tóc nâu hạt dẻ, làn da trắng sáng, đôi má phơn phớt hồng và đôi môi tươi tắn vô cùng tự nhiên. 

    Hiện nay, phong cách trang điểm “Suppin-hada (すっぴん肌)” hay còn có tên gọi khác là Makeup – less makeup (メイクレスメイク) là phong cách trang điểm đang “làm mưa làm gió” tại Nhật Bản. Mấu chốt của phong cách này là chú trọng vào việc dưỡng da để có làn da đẹp, chỉ cần trang điểm nhẹ nhàng cũng có thể khiến gương mặt mộc tỏa sáng. 

    Từ đó, các dòng son môi cũng theo khuynh hướng lên màu tự nhiên. Ngoài các tông màu nude như màu be (beige), màu chocolate, màu quế (cinnamon),…  thì các tông màu phổ biến như hồng, cam, đỏ cũng được giảm độ rực rỡ và tăng độ trầm, tiêu biểu như xuất hiện của các màu hồng bụi, hồng đất, cam salmon, cam sugar, đỏ mận,.

    khuynh huong son moi 2016

    2. Azakaya

    Trái ngược với những gam màu nude tạo vẻ đẹp tự nhiên, trầm lắng, tinh tế và nhã nhặn, một phong cách đối lập khác cũng đang thịnh hành song song, đó là các dòng son với tông màu “Azayaka”, tức tươi tắn, rực rỡ. Cơn sốt “Azakaya” bắt đầu từ năm ngoái và vẫn đang làm xao xuyến phái đẹp Nhật Bản, đặc biệt là với các cô gái trẻ. 

    Khác với vẻ rực rỡ của “mốt” màu highlight hoành hành cách đây khoảng 2 năm, tông màu son “Azakaya” tuy tươi tắn nhưng vẫn có “chiều sâu” mà trong tiếng Nhật gọi là “Fukami no aru iro”. Tiêu biểu của phong cách này là các màu son như đỏ bordeaux, đỏ cherry chín, các tone cam đậm tạo vẻ đẹp ấm áp nồng nàn,.

    các dòng son với tông màu tươi tắn rực rỡ

    B.  Theo chức năng

    Bên cạnh màu sắc, các dòng son màu chú trọng đến chức năng dưỡng vẫn luôn được lòng phái đẹp. Vì phong cách trang điểm tự nhiên tập trung nhấn mạnh vẻ đẹp của gương mặt “mộc” và đôi môi “mộc”, nên các dòng son có nhiều dưỡng chất hay son với công thức Organic (hữu cơ) đang bắt đầu trở thành tâm điểm chú ý khi việc trang điểm trở thành nhu cầu không thể thiếu của bạn gái cho dù ở môi trường học đường hay công sở. Hiện nay, một số loại son có thể thay đổi và điều chỉnh được độ đậm nhạt để phù hợp với nhiều phong cách trang điểm cũng đang được ưa chuộng.

    Bí quyết chọn màu và sử dụng son môi

    Có nhiều từ khóa để các bạn chọn màu son cho đôi môi của mình, ví dụ như chọn màu son môi dựa theo màu da, theo mùa, theo phong cách… Điều duy nhất các bạn cần nhớ khi chọn màu son đó là: không có bất cứ một chuẩn mực nào để chọn. Cùng một màu son nhưng khi lên môi mỗi người có thể biểu hiện những màu không hoàn toàn giống nhau. Màu son đẹp nhất với bạn không đâu khác chính là màu son làm cho bạn cảm thấy thích thú và tự tin nhất. 

    Để sử dụng son được hiêu quả và lên màu đẹp tự nhiên, hãy nhớ đến những bí quyết nhỏ sau đây khi sử dụng son môi nhé. 

    bí quyết chọn màu son môi
    (Ảnh minh họa: Image Works Japan/PIXTA)

    1. Tẩy tế bào chết cho môi

    Đây là bước chuẩn bị rất quan trọng nếu các bạn không muốn các lớp da bong tróc trên môi hiện rõ lên khi thoa, gây mất thẩm mỹ. Tẩy trang cho môi cũng giúp loại các tế bào chết trên môi. Nếu có thể hãy dùng các loại nước tẩy trang tự nhiên vì da môi rất nhạy cảm. Ngoài ra, trước khi tô son, nên lấy bông cotton hay khăn giấy thấm nước rồi chùi nhẹ qua lại trên môi để lấy đi lớp tế bào chết, giúp lớp son thoa lên được mịn màng hơn.

    2. Thoa dưỡng môi

    Sau khi tẩy tế bào chết, thoa một chút son dưỡng không màu để ủ ẩm môi. Không nên thoa quá nhiều để tránh làm giảm độ bám của thỏi son màu sắp thoa.

    3. Dặm phấn nền hoặc phấn phủ lên môi

    Mẹo nhỏ này sẽ giúp son lên màu thực hơn và không bị ảnh hưởng bởi màu môi thật. Lưu ý, chỉ nên dặm một lớp thật mỏng để tránh khô môi và vừa cười vừa dặm để phấn phủ đều qua cả các kẽ môi.

    4. Chà thỏi son lên lòng bàn tay đến khi son mềm, ra màu đều hãy thoa lên môi

    Điều này đặc biệt nên áp dụng với các thỏi son mới sử dụng lần đầu. Son chưa qua sử dụng thường khô lúc đầu nên cũng khó lên màu hơn các thỏi đã sử dụng một thời gian. Việc chà sát son lên lòng bàn tay này giúp son mềm hơn, vượt qua giai đoạn khô cứng lúc đầu để phát huy màu thực. Ngoài ra bạn cũng có thể thay thế việc chà sát này bằng cách, thay vì dùng đầu thỏi son apply trực tiếp lên môi, bạn hãy dùng cọ vẽ son để lấy son từ thỏi son rồi apply cọ lên môi để tô.

    5. Tô môi dưới trước, môi trên sau

    Môi trên thường khó tô hơn môi dưới. Bằng việc lướt son qua lại trên môi dưới, bạn đã giúp “hâm nóng” thỏi son để son lên màu dễ dàng hơn khi tô môi trên.

    bí quyết sử dụng son môi
    (Ảnh minh họa: naka/PIXTA)

    6. Không vặn son quá dài

    Chỉ nên vặn ra tối đa khoảng 2/3 chiều dài son để tránh làm gãy son khi thoa nhé.

    7. Thoa nhiều lần để có màu son như ý

    Vì các dòng son tại Nhật hầu hết là các tông màu nhu, và điều này càng đúng với các dòng son có khả năng điều chỉnh màu. Chính vì vậy, nếu muốn son lên màu nhạt, bạn chỉ cần thoa lại vài ba lần, muốn màu rõ hơn thì lướt son nhiều lần cho đến khi đạt sắc độ như ý.

    Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Châu / kilala.vn

    Huỳnh Ngọc Châu

    Tiến sĩ chuyên ngành nghiên cứu mỹ phẩm

    Sinh năm 1983, hiện đang là nhà nghiên cứu phát minh mỹ phẩm tại Nhật Bản, từng đoạt giải thưởng Công trình nghiên cứu xuất sắc từ Hiệp hội kỹ thuật nguyên liệu Nhật Bản. Hiện nay, nhiều sản phẩm do Ngọc Châu nghiên cứu đang được bày bán tại thị trường nội địa Nhật Bản.

    30/12/2015

    Tư vấn: Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Châu

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!