Vì sao trẻ em Nhật ngày nay hay nổi cáu, thích bạo lực?

    Theo báo cáo của Bộ Giáo dục Nhật Bản, trong vòng 7 năm gần đây, tỉ lệ học sinh có xu hướng thích hành xử bạo lực gọi là “Monster child” ở lứa tuổi tiểu học đã tăng lên gấp 3 lần. Kết quả này khiến cho các nhà giáo dục và phụ huynh không thể làm ngơ.

    Kire Yasui Kodomo - Những đứa trẻ dễ nổi cáu

    Trong quá trình trưởng thành về tâm sinh lí của trẻ em, các chuyên gia thường nhắc nhiều đến thời kỳ phản kháng khi trẻ tầm 2 - 3 tuổi và thời kỳ phản kháng ở tuổi dậy thì, khoảng 13 - 17 tuổi. Tuy nhiên, gần đây, các nhà giáo dục cũng như phụ huynh ngày càng chú ý hơn đến xu hướng phản kháng của trẻ em ở giai đoạn từ 5 tuổi đến giữa cấp tiểu học. Đây chính là giai đoạn phản kháng trung gian. 

    Trong tiếng Nhật, những đứa trẻ không kiềm chế được cảm xúc của bản thân và có những hành động bạo lực bộc phát được gọi là “Kire yasui kodomo - Những đứa trẻ dễ nổi cáu”. Các nhà giáo dục nhận thấy lứa tuổi này có xu hướng: 

    • Hay nổi cáu với những chuyện rất nhỏ
    • Phản kháng, chống đối ba mẹ và giáo viên
    • Thích đập phá đồ đạc 
    • Tỏ ra quá khích, đôi khi tâm trạng bất an, khó điều chỉnh cảm xúc của bản thân
    • Khi không giải quyết được vướng mắc đều tìm cách ném bỏ tất cả
    vì sao trẻ em Nhật ngày nay hay nổi cáu, thích bạo lực?
    Minh họa: Onoontour/PIXABAY 

    Các nguyên nhân khiến trẻ hay nổi cáu

    Nhịp sống công nghiệp, giờ giấc sinh hoạt không ổn định, cùng với áp lực từ việc học hành là những nguyên nhân dễ dẫn đến tình trạng hay nổi cáu ở trẻ. Bên cạnh đó còn có những nguyên nhân mà bạn có thể không ngờ tới như:

    1. Đói bụng: Khi trẻ bị đói bụng, đặc biệt là bữa sáng không được ăn uống đầy đủ, trẻ sẽ không đủ tinh thần và năng lượng để tham gia giờ học trong ngày, và dẫn đến rất dễ nổi cáu kể cả với những điều nhỏ nhặt nhất. Vì thế hãy chú ý để trẻ ăn đúng giờ và no bụng.

    2. Thiếu canxi: Canxi có tác dụng giữ cho thần kinh không bị hưng phấn, nên nếu thiếu canxi sẽ dẫn đến bực bội, hay nổi cáu.

    3. Ăn nhiều đồ ăn nhanh, bánh kẹo snack: Chính axit tiết ra khi ăn những đồ ăn vặt như snack, nước ngọt có ga ở các bữa ăn vặt hay ăn phụ là tác nhân làm giảm sự hấp thụ canxi trong cơ thể. Không chỉ có vậy, những đồ ăn nhanh này còn ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe vì có rất nhiều chất phụ gia, đường hóa học.

    4. Ăn quá nhiều đồ ngọt: Sẽ khiến lượng đường tăng cao đột ngột trong máu, chất insulin được tiết ra để điều tiết sẽ khiến lượng đường trong não giảm đi, dẫn đến trạng thái tinh thần bất an. Vì thế ba mẹ nên chú ý đến lượng đường khi cho con ăn bữa phụ nhé.

    5. Nhịp sinh hoạt không đúng giờ giấc: Ngủ sớm, dậy sớm và ánh sáng mặt trời buổi sáng sẽ giúp não bộ tiết ra chất serotonin giúp não bộ ổn định, tâm trạng luôn thư thái. Ngược lại thức khuya và sáng hôm sau dậy trễ sẽ khiến tâm trạng trẻ uể oải, mệt mỏi, và dễ nổi cáu.

    6. Chơi game, nghịch điện thoại: Khi trẻ tiếp xúc với các trò chơi từ màn hình điện thoại hay máy tính, não bộ sẽ tiết ra một chất gọi là Dopamine, khiến bộ não trở nên hưng phấn. Trong khi đó, mắt nhìn quá lâu vào màn hình sẽ khiến cho bộ não mệt mỏi, mất hết lí trí, không còn đủ khả năng kiềm chế sự hưng phấn quá khích kia nữa. Đó là lí do trẻ rất dễ nổi cáu khi chơi game quá lâu. 

    7. Sự kỳ vọng quá lớn từ cha mẹ: “Con hãy cố gắng thêm một chút nữa. Ráng học cho giỏi”. những câu nói tưởng là khích lệ, nhưng lại vô tình gây áp lực khiến trẻ cảm thấy bị stress. Và khi không đáp ứng được những kỳ vọng của ba mẹ, trẻ sẽ không điều khiển được cảm xúc của bản thân, rất dễ nổi cáu.

    Các nguyên nhân khiến trẻ hay nổi cáu

    Minh họa: Onoontour/PIXABAY 

    8. Học quá nhiều, vận động quá ít: Vận động cơ thể là một cách hiệu quả giúp trẻ giải tỏa những căng thẳng về tâm lí, được tự do là chính mình. Đối với trẻ con, vui chơi và vận động cũng là yếu tố quan trọng giúp trẻ lớn lên khỏe mạnh cả về tâm hồn và thể chất.

    9. Gia đình bạo lực, ba mẹ bất hòa: Đối với trẻ con, một gia đình luôn xảy ra bạo lực, bố mẹ cãi nhau, bỏ rơi con cái chính là tác nhân gây tổn thương tinh thần khủng khiếp nhất. Khi nơi duy nhất trẻ tin tưởng là gia đình lại không bình yên, trẻ sẽ cảm thấy như không còn nơi nào trên thế giới này dành cho mình nữa.

    10. Cãi nhau với bạn bè hoặc bị bắt nạt ở trường: Cha mẹ hãy chú ý những thay đổi trong thái độ của trẻ hàng ngày, vì đối với trẻ mối quan hệ bạn bè phức tạp hơn những gì cha mẹ nghĩ rất nhiều.

    Làm thế nào để cùng con khắc phục tính hay nổi cáu

    Không ít phụ huynh,  đặc biệt là các bà mẹ, khi thấy con cái không chịu nghe lời và cuộc trao đổi đi vào ngõ cụt thì thường kết thúc bằng câu: “Thôi mẹ không muốn nói nữa”. Hành động mang tính cảm tính ấy sẽ khiến trẻ bắt chước theo, và "bật lại" cha mẹ trong cuộc trò chuyện sau. 

    Hãy cố gắng cho trẻ thấy nỗ lực muốn được trò chuyện và lắng nghe của cha mẹ. Đặc biệt trong gia đình, sự trò chuyện với nhau để giải quyết mâu thuẫn là điều vô cùng cần thiết.  

    • Đừng coi con cái là vật sở hữu để áp đặt mọi vấn đề, hãy đứng từ xa và lắng nghe, hỗ trợ để trẻ tự mình tiến đến trao đổi những điều mà trẻ muốn cha mẹ lắng nghe.
    • Đừng đưa ra lí lẽ để lí luận và giảng giải cho trẻ lúc trẻ đang cáu, mà hãy đợi đến khi trẻ đã bình tĩnh lại.
    • Để trẻ có khoảng không gian ở một mình để bình tĩnh lại. Hãy để thời gian chữa lành sự xung đột khi cần thiết.
    • Đừng phủ nhận hay la mắng những hành động cáu gắt và bạo lực của trẻ, cũng như đừng chỉ trích những điều chưa hài lòng về trẻ. Hãy dùng thái độ bao dung để thừa nhận cảm xúc trẻ đang trải qua, con người mà trẻ vốn có, cũng như những cơn cáu giận nhỏ của trẻ. Đó là cách tốt nhất để nuôi dưỡng cái tôi và sự tự tin của trẻ.
    cùng con khắc phục tính hay nổi cáu
    Minh họa: Onoontour/PIXABAY
    • Gây áp lực chỉ khiến trẻ mất tự tin với chính mình. Tôn trọng sự tự do thể hiện cái tôi, mong muốn của trẻ.
    • Hãy chăm chú lắng nghe điều trẻ muốn nói, và thực sự thấu hiểu tâm trạng trẻ đang trải qua.
    • Con cái chính là tấm gương phản chiếu cha mẹ. Nếu cha mẹ hay cáu gắt, bạo lực thì con cái cũng sẽ bắt chước theo. Hãy cho con cái nhìn thấy cách cha mẹ giữ bình tĩnh và điều khiển cảm xúc của mình trước các tình huống.
    • Hãy đảm bảo trẻ có những bữa ăn đúng giờ, bổ sung đầy đủ canxi, magie, và vitamin D. Ngoài ra những thực phẩm từ đậu nành cũng rất tốt cho trí não, giúp nuôi dưỡng tinh thần hài hòa.

    Nguyễn Thị Thu/kilala.vn

    21/07/2017

    Bài: Nguyễn Thị Thu/ Ảnh: PIXTA

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!