Sự cô đơn của những người đàn ông Nhật Bản tuổi trung niên
Tỷ lệ sinh giảm, đô thị hóa nhanh là một trong những yếu tố khiến sự cô đơn ngày càng lan rộng trong xã hội Nhật Bản. Ai cũng có thể cô đơn, nhưng những người dễ cô đơn nhất chính là những đàn ông trong độ tuổi trung niên, hay còn gọi là "ojisan".
Văn hóa ứng xử của Nhật Bản thường thiên về tập thể, cộng đồng, đòi hỏi sự thấu hiểu thông cảm lẫn nhau. Do đó, hầu hết mọi người đều tồn tại mong muốn có thể thấu hiểu nhau mà không cần bộc lộ quá rõ ràng. Một chiến lược gia truyền thông Nhật Bản cho rằng quan niệm “Ishin Denshin” (thần giao cách cảm) có thể làm giảm khả năng đưa ý tưởng của một người vào ngôn ngữ. Điều đó ảnh hưởng đến khả năng truyền đạt, giao tiếp hiệu quả giữa người với người. Mà người với người, khi thiếu hụt giao tiếp, tương tác với nhau sẽ dễ dẫn đến cô đơn. Xu hướng cái tôi cao nhưng kỹ năng giao tiếp kém khiến những người đàn ông Nhật trong tuổi trung niên là đối tượng dễ bị cô đơn nhất.
Có nên lý tưởng hóa sự cô đơn?
Cô đơn gần như trở thành loại cảm giác mà ai cũng mắc phải ở xã hội hiện đại này. Có nhiều nghiên cứu khoa học cho rằng cô đơn sẽ có tác động tiêu cực đối với sức khỏe. Cụ thể, cô đơn trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim lên 29%, có hại cho sức khỏe như hút 15 điếu thuốc mỗi ngày và làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer lên 2,1 lần. Đàn ông trung niên Nhật Bản có xu hướng dành nhiều giờ trong môi trường làm việc nhiều quy tắc. Tại đây, họ chỉ giao tiếp với nhau trong khuôn khổ cho phép. Một khi sống phụ thuộc vào nơi làm việc, họ sẽ dần không biết cách kết nối với những người bên ngoài, và đối mặt với nguy cơ bị tách biệt.
Vì sao lại cô đơn ở tuổi trung niên?
Công việc là tất cả
Trong một số cuộc khảo sát về xã hội, kết quả cho thấy việc giao tiếp giữa các nhân viên với nhau như thế nào sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của công ty. Có ý kiến cho rằng các công ty Nhật Bản - đặc biệt là các công ty lớn - vẫn chưa đánh giá đúng mức tầm quan trọng của việc giao tiếp giữa các nhân viên. Theo tiêu chuẩn quốc tế, các công ty của Nhật Bản có chỉ số tương tác của nhân viên ở mức thấp.
Một số người không thực sự thích môi trường làm việc, có khi phải làm những công việc mà họ không muốn làm. Vì vậy, những người này sẽ không có nhiều mối liên hệ với công ty hoặc đồng nghiệp của họ. Sau khi nghỉ hưu, những người đàn ông trung niên từ bận bịu đi làm chuyển sang nhàn rỗi ở nhà. Khi ấy họ bị xem thành “vật cản” trong mắt các bà vợ. Đa số đàn ông sau khi nghỉ hưu sẽ cho rằng bản thân sẽ có thời gian để tận hưởng những điều mình thích nhưng rồi họ nhận ra bản thân không có sở thích, cũng không có gì để làm. Tất cả những gì tồn tại chỉ là cảm giác trống rỗng.
Tại các khu vực đô thị thấp hơn, những ojisan có thể tham gia hoạt động cộng đồng thông qua các lễ hội và các hoạt động khác. Nhưng ở các thành phố lớn thì họ có xu hướng đang dần trở thành Hikikomori.
Vốn xã hội thấp
Vốn xã hội (*) hay còn gọi là tài nguyên con người là một cách đo lường mức độ hạnh phúc của một xã hội. Nó thể hiện mức độ của mạng lưới đáng tin cậy và các mối quan hệ xã hội được thiết lập thông qua các hoạt động tình nguyện hoặc tham gia các hoạt động khu vực. Trong bảng xếp hạng Vốn xã hội do Viện Legatum tính toán vào năm 2019, Nhật Bản có thứ hạng thấp nhất trong số các quốc gia G7.
Ở các nước phương Tây, giữa các cá nhân, gia đình và chính quyền địa phương, quốc gia còn có một nhóm xã hội thứ ba quan trọng, điển hình là các tổ chức phi lợi nhuận (NPO). Những NPO này đóng vai trò chính như một mạng lưới an toàn xã hội và tạo ra những hoạt động tình nguyện, là môi trường thuận lợi để mọi người có thể dễ dàng kết nối với nhau.
Do đó, vốn xã hội thấp cũng được cho là một trong những nguyên nhân khiến những ojisan rơi vào trạng thái cô đơn, nhất là sau khi nghỉ hưu. Thiếu vắng môi trường hoạt động chung, không có những kết nối cộng đồng sau tuổi đi làm khiến cuộc sống của các ông chú trung niên tẻ nhạt, nhàm chán.
Sự cách biệt về khoảng cách
Một chuyên gia đã từng huấn luyện giao tiếp cho khoảng 1.000 chủ tịch và giám đốc điều hành các công ty Nhật Bản cho rằng, hầu hết những người này có rất ít bí quyết giao tiếp và ít cơ hội để học cách cải thiện các kỹ năng này. Đặc biệt trong thời gian xảy ra dịch bệnh, sự thiếu hụt trong kỹ năng giao tiếp này càng thể hiện rõ rệt khi mọi người phải giao tiếp với nhau qua màn hình. Hình thức giao tiếp trực tuyến này khiến các nhân viên cũng như cấp lãnh đạo đều cảm thấy không thoải mái.
Nếu những ojisan này có thể xây dựng mối quan hệ với nhau, có thể họ sẽ cảm thấy bớt bị cô lập hơn. Nhưng vì dịch bệnh, họ thậm chí không thể đi uống rượu cùng nhau để kết nối, chia sẻ. Và có một sự thật rằng, mặc dù các ojisan thích lắng nghe phụ nữ nói, nhưng họ lại không thích nghe những người đàn ông cùng tuổi mình nói gì đâu.
kilala.vn
(*) Vốn xã hội (Social capital): Tài nguyên xã hội hay còn được gọi là tài nguyên con người, là một dạng tài nguyên tái tạo đặc biệt, thể hiện bởi sức lao động chân tay và trí óc, khả năng tổ chức và chế độ xã hội, tập quán, tín ngưỡng của các cộng đồng người. Tài nguyên xã hội có được là do mối quan hệ xã hội.
25/09/2020
Nguồn tham khảo: nippon.com
Đăng nhập tài khoản để bình luận