Chiếc cặp chống gù lưng trẻ em Randoseru

    Bạn đã bao giờ nhìn thấy các em học sinh tiểu học Nhật Bản mang trên vai 1 chiếc cặp hình hộp trông có vẻ nặng nề nhưng vẫn chạy nhảy tung tăng và rôm rả trò chuyện không? Bắt  gặp hình ảnh ấy, không ít người sẽ có suy nghĩ “Mang nặng thế này có hại cho lưng không?”. Tuy nhiên, đó chính là những chiếc cặp có tính năng chống gù lưng, tiếng Nhật gọi là Randoseru.

    Thông thường, trẻ em ở Nhật sẽ được người thân tặng Randoseru khi vào lớp 1 và sử dụng đến tận lớp 6. Tôi chắc chắn rằng những ai là tín đồ của bộ truyện Doraemon nổi tiếng của tác giả Fujiko Fujio sẽ còn nhớ hình ảnh Nobita, Xuka, Chaien hay Xê-kô đeo chiếc cặp hình hộp  ấy đi học hằng ngày.

    Randoseru cặp chống gù lưng

    Nguồn gốc của Randoseru

    Vào cuối thời kì Edo, khi hệ thống quân sự theo kiểu phương Tây du nhập vào Nhật Bản, chiếc ba lô theo kiểu Hà Lan, gọi là “ransel” cũng được quân đội sử dụng như một vật dụng đựng hành lý. Vào thời Minh Trị, cùng với việc cấm di chuyển đến trường bằng xe kéo và xe ngựa , học sinh được khuyến khích cho các dụng cụ học tập vào ba lô và đi bộ đến trường. Từ đó, tên gọi “Randoseru” - phiên âm từ chữ “ransel” ra đời, mang ý nghĩa cặp đeo lưng dùng cho học sinh đi học.

    Cấu tạo

    Thông thường Randoseru sẽ có kích thước khoảng 30cm chiều cao, 23cm chiều rộng và 18cm bề dày. Bên trong có một ngăn chính và khoảng hai ngăn nhỏ bên ngoài. Trọng lượng khoảng 1.2kg và cũng có có loại khoảng 900gr nhằm làm giảm tối đa gánh nặng cho cơ thể. Thiết kế của Randoseru ôm vào thân từ 2 dây đeo và miếng đắp lưng.

    Quan trọng nhất là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với lưng và các chi tiết nhỏ nhặt khác đều được thiết kế mềm mại, thông thoáng, đặc biệt không gây tổn hại đến cột sống của trẻ em nên giúp trẻ tránh bị gù lưng.

    Randoseru cặp chống gù lưng

    Quy trình sản xuất 1 chiếc cặp Randoseru

    Randoseru được thiết kế tỉ mỉ và cẩn thận đến từng mũi may nên có độ bền rất cao. Khi kỹ thuật vẫn chưa tiên tiến như ngày nay, người thợ may phải làm thủ công tất cả công đoạn với hơn 200 chi tiết khác nhau. Dù sau này, người Nhật đã ứng dụng nhiều máy móc hiện đại vào các khâu như cắt, đục lỗ, may ráp. nhưng vẫn có những công đoạn bắt buộc người thợ phải làm bằng tay, do đó Randoseru không chỉ là một sản phẩm thương mại thông thường mà còn là một tác phẩm tốn nhiều mồ hôi và công sức của những người thợ lành nghề. Giá thành cho một chiếc Randoseru truyền thống không hề rẻ, thường từ 20.000 yên trở lên (khoảng 4 triệu VND), nhưng thông thường trẻ em Nhật sẽ sử dụng một chiếc cặp cho suốt 6 năm tiểu học.

    Nếu trước đây, Randoseru chỉ có 2 màu: màu đỏ cho bé gái và màu đen cho bé trai thì theo thời gian, những chiếc cặp Randoseru có chất liệu nhẹ và màu sắc đa dạng hơn cũng dần dần được ra đời, đáp ứng với nhu cầu ngày càng nâng cao của người tiêu dùng.

    Quy trình sản xuất Randoseru:

    Đặng Thùy Dung/kilala.vn

    31/05/2015

    Bài: Đặng Thùy Dung. Ảnh 123rf.com

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!