Phụ nữ Nhật và hàng hiệu
Đối lập với hình ảnh phụ nữ nội trợ thì đa phần phụ nữ hàng hiệu ở Nhật gắn liền với những người thành công trong sự nghiệp, trung niên hoặc lựa chọn cuộc sống độc thân. Đồng thời, xã hội Nhật đang thịnh hành trào lưu sống tối giản, tránh xa những ràng buộc vật chất.
Mê hàng hiệu
Nếu có dịp lạc giữa khu phố mua sắm Ginza hay Shibuya thì ắt hẳn bạn sẽ choáng ngợp. Bởi nơi đây hội tụ hầu hết các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng nhất trên thế giới. Ginza trở thành thủ phủ mua sắm xa xỉ nhất ở Tokyo. Không chỉ du khách nước ngoài mà ngay cả người Nhật một lần đến Tokyo đều muốn khám phá trung tâm mua sắm này.
Một kết quả khảo sát cho thấy phụ nữ ở độ tuổi 40 có nhiều điều kiện để mua các mặt hàng thời trang cao cấp hơn các nhóm tuổi khác. Có lẽ đây là lứa tuổi có sự nghiệp ổn định và có thu nhập cao. Đặc điểm mua sắm của nhóm tuổi này là mua các mặt hàng có thương hiệu xa xỉ cho bản thân chứ không phải là quà tặng dành cho ai khác. Và cuộc khảo sát cũng cho thấy, hơn một nửa số phụ nữ Nhật được hỏi từ 40 - 49 tuổi đã mua một số thời trang hàng hiệu cho bản thân khi đi du lịch nước ngoài. Điểm chung của nhóm tuổi này là ít quan tâm đến giá cả và thích người khác nhận ra bản thân chuộng những thương hiệu xa xỉ.
Chúng ta sẽ không quá ngạc nhiên khi nghe những câu chuyện về các tín đồ hàng hiệu ở Nhật Bản. Có những cô nàng mê hàng hiệu đến mức có thể cắm trại suốt đêm trước một cửa hàng ở Tokyo để là người đầu tiên sở hữu món hàng khi nó mở cửa. Có những cô nàng rất trẻ, mỗi tháng chi đến ½ tiền lương để bổ sung bộ sưu tập hàng hiệu. Dù trong những năm qua tốc độ tăng trưởng kinh tế Nhật Bản chậm lại nhưng vẫn không ngăn được những phụ nữ mê hàng hiệu sở hữu các món đồ đắt tiền.
Lý giải hiện tượng này, bà Yoko Kawashima - Giám đốc nghiên cứu thị trường của hệ thống thời trang Itochu nhận định: Những người từ 25 - 30 tuổi ra đời vào thời kỳ “Baby boomer” thứ 2 (“Baby boomer” là nói về những người sinh ra vào “Thời kì bùng nổ em bé” sau Thế chiến thứ II) của Nhật thường mua những món hàng đắt tiền bởi ảnh hưởng của mẹ mình. Những người mẹ từ 50 - 55 tuổi, sinh trưởng trong thời kỳ “Baby boomer” đầu tiên. Hai thế hệ khác cũng đam mê hàng hiệu không kém là những người từ 18 - 24 tuổi và từ 30 - 35 tuổi.
Theo Kawashima, do người Nhật ngày càng kết hôn muộn, những phụ nữ thế hệ “Baby boomer” không rời khỏi nhà cha mẹ. Họ có thu nhập tương đối cao trong khi lại không phải bỏ tiền thuê nhà hay mua thức ăn. Do dư dả tiền bạc, họ bắt đầu bị các nhãn hiệu xa xỉ nước ngoài thu hút. Có thời điểm, hầu như trong mỗi tủ quần áo của phụ nữ Nhật đều chứa đựng ít nhất một chiếc túi Louis Vuitton. Nhật Bản bắt đầu bùng nổ túi Louis Vuitton vào khoảng năm 2000. Thời điểm đó, Louis Vuitton trở thành biểu tượng thời trang đẹp nhất trên phố Tokyo và hầu như phụ nữ nào cũng có. Tuy nhiên, thực trạng này chỉ kéo dài khoảng 5 năm, sau đó chiếc túi Louis Vuitton đột nhiên biến mất. Bởi vì một món đồ mà ai cũng có sẽ trở thành vô giá trị.
Xu hướng sống tối giản
Ngược lại với hình ảnh phụ nữ hàng hiệu thì thời gian qua nhiều người nêu cao khẩu hiệu “sống tối giản”. Trong cuốn sách “Danshari: Shin Katazuke Jutsu”, nữ tác giả Hideko Yamashita kêu gọi tất cả mọi người vứt bỏ mọi thứ không dùng đến trong hơn nửa năm và chỉ để lại những đồ dùng được sử dụng hàng ngày. Mục đích của phong cách Danshari là giải phóng con người khỏi sự ám ảnh của vật chất. Ban đầu, phong cách này chủ yếu nhắm vào người độc thân ở Nhật, rồi dần dà lan rộng ra khắp thế giới.
Hiện có xu hướng người Nhật trẻ tuổi không mua nhà và xe, hàng hiệu mà chỉ mua một chiếc điện thoại di động. Chỉ số tiêu dùng Nhật Bản đang trong tình trạng suy thoái và nước này dường như đã bước vào một “xã hội không ham muốn”. Có phải người Nhật đang không hạnh phúc vì không ham muốn vật chất? Ngược lại theo một cuộc khảo sát do Văn phòng Nội các Nhật Bản thực hiện từ ngày 24/8 vừa qua cho thấy 74,7% người dân hài lòng với cuộc sống hiện tại. Kết quả khảo sát này cao nhất từ năm 1963 đến nay.
Đồng thời cũng có nhiều ý kiến cho rằng, người Nhật khi tiêu dùng sẽ tính toán rất kỹ chứ không giống như cách chi tiêu của người dân ở các nước đang phát triển. Họ không cần xài hàng hiệu để khoe sự giàu sang hay muốn chứng tỏ đẳng cấp mà theo thói quen có tiền dư là gửi ngân hàng hoặc để dành vui chơi hay đi du lịch. Đồng Yên không bị mất giá nên họ rất yên tâm.
Một người đàn ông sống ở Tokyo cho hay: “Tôi không nghĩ quá nhiều phụ nữ mê hàng hiệu, có nhưng chỉ là số ít. Phụ nữ xài hàng hiệu đa phần độc thân, lớn tuổi hoặc đã có sự nghiệp ổn định hơn phụ nữ có gia đình. Tôi biết có nhiều phụ nữ đi du lịch mua hàng hiệu rồi về để đó, có khi 6 tháng không đụng đến. Ở công ty tôi đa phần phụ nữ ít chưng diện hàng hiệu. Tính cách người Nhật vẫn thiên về sự đơn giản, tiết kiệm hơn”.
kilala.vn
18/03/2019
Bài: Thu Tâm
Ảnh: Pixta
Đăng nhập tài khoản để bình luận