Người Nhật sẵn sàng chi tiền để vào hiệu sách?
Sách điện tử lên ngôi, nhu cầu đọc sách giảm sút trong thời gian gần đây là mối lo của những cửa hàng sách truyền thống. Tuy nhiên một nhà sách đã có thể khiến mọi người trả tiền để đến cửa hàng của mình bằng cách nắm bắt tâm lý khách hàng.
Tuy nhiên, hiệu sách Bunkitsu ở khu phố Roppongi của Tokyo, nơi tự hào có hơn 30.000 đầu sách, đã “nâng tầm trải nghiệm” cho khách hàng bằng việc… thu phí vào cửa. Giá vé là 1.650 yên (khoảng 252.000 đồng) vào các ngày trong tuần và 2.530 yên (khoảng 386.000 đồng) vào các ngày cuối tuần.
Ngoài ra còn có tùy chọn giới hạn trong buổi sáng vào các ngày trong tuần chỉ với 1.100 yên (khoảng 168.000 đồng). Giá vé cũng bao gồm cà phê hoặc trà miễn phí không giới hạn. Bạn cũng có thể mua đồ uống đắt tiền hơn có trong thực đơn.
Với nhiều người, mức giá này khá cao, nhưng với những khách hàng thực sự có nhu cầu thì một không gian 90 chỗ đẹp, yên tĩnh, được “bao bọc” bởi sách, tọa lạc ngay trung tâm Tokyo và không giới hạn thời gian, thì cái giá mà họ phải trả là có thể chấp nhận được.
Bunkitsu được chia thành nhiều khu vực: Khu làm việc bao gồm một dãy dài bàn riêng tư với đèn được cung cấp cho từng bàn, mỗi ghế đều có ổ cắm điện để cắm máy tính xách tay, điện thoại hoặc máy tính bảng; Khu vực cà phê nơi bạn có thể gặp gỡ và trò chuyện với bạn bè trong không gian yên tĩnh.
Ngoài ra, Bunkitsu còn có phòng hội nghị cho thuê. Các doanh nghiệp thậm chí có thể thuê toàn bộ không gian trong nửa ngày hoặc cả ngày.
Khách có thể mang theo sách của mình để đọc hoặc mượn một tựa sách mới trong hiệu sách (lưu ý tất cả đều bằng tiếng Nhật). Nếu thích, bạn có thể mua sách ngay tại cửa hàng.
Nhiều người thắc mắc rằng nếu để làm việc hay đọc sách thì sao không đến thư viện? Lợi thế của thư viện là miễn phí (hoặc trả một khoản khá nhỏ), nhưng đồng nghĩa với việc đông đúc và bạn không thể ăn uống tại đó. Còn những hiệu sách như Bunkitsu cung cấp một nơi để đọc sách hoặc nghỉ ngơi trong bầu không khí yên tĩnh kết hợp với đồ giải khát, tạo ra một loại “nơi chốn thứ ba” mới ở Nhật Bản.
Đây có lẽ là một mô hình kinh doanh mới cho các hiệu sách đang phải vật lộn để tồn tại trong thời đại kỹ thuật số.
kilala.vn
Nguồn: Unseen Japan
Đăng nhập tài khoản để bình luận