Mẹo trang trí cây xanh trong nhà
Thêm màu xanh mát cho căn nhà bạn bằng những loại cây trang trí trong nhà sẽ tạo không gian thoáng đãng và bầu không khí trong lành. Tuỳ thuộc vào cách bài trí cây xanh mà không gian nhà bạn sẽ trở nên gọn gàng hơn hay rối rắm thêm. Những trường hợp nào và ở vị trí nào trong nhà có thể trang trí bằng cây xanh vừa đẹp mắt vừa toát lên được phong cách riêng của gia chủ? Hãy cùng Kilala khám phá mẹo trang trí cây xanh trong nhà theo phong cách tối giản của người Nhật nhé!
Công dụng của cây xanh trong trang trí nhà ở
Với một ngôi nhà có không gian hẹp, nhiều góc chết nhưng lại được bài trí khá nhiều các loại đồ dùng nội thất, bạn có thế sử dụng cây xanh như là một công cụ trang trí để chữa những khuyết điểm về không gian của ngôi nhà.
Với những khoảng không gian tường lớn quá trống trải hoặc trong phòng có quá nhiều những món đồ nội thất tối màu, các chậu cây xanh sẽ mang lại sức sống và tạo điểm nhấn, giúp không gian bớt sự đơn điệu.
Trong những căn phòng nhỏ, bạn có thể sử dụng cây xanh để ngăn cách mà không gây cảm giác chật chội. Đồng thời, nếu bài trí cây xanh ở những vị trí thích hợp sẽ giúp cho không gian nhiều đồ đạc đỡ rối rắm hơn.
Một số vị trí thích hợp để đặt cây xanh
Trong khi bài trí nội thất sẽ khiến cho bố cục căn nhà thừa lại một số khoảng không gian biên. Những khoảng trống này sẽ không làm ngôi nhà của bạn xấu đi, nhưng nếu để trống trải quá cũng sẽ thiếu sinh động. Bạn chỉ cần đặt một chậu cây xanh với độ cao phù hợp ở những vị trí ấy sẽ khiến cả căn phòng bừng sức sống.
1. Ví trí trước cửa sổ lớn
Trước cửa sổ thường khá trống đặc biệt những cửa xây lồi ra phía trước, bạn có thể lấp đầy khoảng không gian này bằng một chậu cây ưa sáng. Ở đó, cây có thể phát triển tốt nhờ ánh nắng mặt trời; tránh đặt các loại cây ưa bóng râm.
Trần nhà sẽ trông cao hơn nếu bạn đặt một cây thân cao trong nhà cạnh cửa sổ, tạo cảm giác ngôi nhà rộng hơn giúp làm mới bầu không khí, đón vận khí tốt vào nhà.
2. Không gian giữa các ghế sofa
Ở khoảng giữa các ghế sofa luôn tạo nên cảm giác trống trải cho không gian phòng khách. Bạn có thể xanh hóa những góc này bằng các chậu cây ưa bóng râm, không gian bàn tiếp khách sẽ trở nên trong lành.
3. Ở góc khuất của căn nhà
Những góc khuất giữa các tường sẽ rất đơn điệu nhưng khi lấp đầy khoảng trống đó bằng một chậu cây xanh sẽ tạo nên điểm nhấn cho cả căn phòng. Chiều cao của cây sẽ ảnh hưởng đến cảm giác không gian của cả căn phòng. Bạn có thể sử dụng thêm các loại kệ để điều chỉnh độ cao của các chậu cây.
4. Ở những góc chết giữa các đồ nội thất
Khoảng trống giữa những món đồ nội thất bài trí trong phòng như bàn và tủ sẽ đỡ cứng nhắc hơn nếu bạn thử đặt vào một chậu cây xanh. Trước khi chọn mua cây xanh hãy xác định chiều cao của khoảng không được tạo ra bởi hai món đồ nội thất để chọn mua cho phù hợp.
5. Không gian trống phía trên các loại dụng cụ
Phía trên của những đồ nội thất có độ cao ngang ngực thường có nhiều khoảng không gian chết. Hãy tạo một giàn cây họ dây leo nhỏ để lấp đầy những khoảng trống này.
Gợi ý một số loại cây xanh thanh lọc không khí
Cây ivy: Loại cây này phát triển mạnh trong điều kiện ánh sáng yếu, có khả năng hấp thụ formaldehyde – một chất gây ô nhiễm được sử dụng nhiều trong các vật liệu gia đình như gỗ dán, thảm, xốp cách điện.
Cây họ xương rồng: Họ xương rồng rất dễ trồng và không cần chăm sóc nhiều, có khả năng hấp thụ bức xạ điện tử. Vì vậy, nên đặt một chậu xương rồng gần tivi hoặc bàn làm việc hằng ngày.
Cây trầu bà Nam Mỹ: Là loại cây ưa bóng râm, rất dễ trồng và phát triển tốt tươi, lúc nào cũng có chồi xanh, có khả năng lọc chất benzene mang lại không khí mát mẻ, trong lành cho căn phòng.
Cây lan ý: Loại cây này ưa bóng râm nhưng phải tưới nước nhiều, có khả năng lọc benzene VOC – một chất độc hại có trong sơn và chất đánh bóng đồ nội thất.
Cây trúc mây: Loại cây này lọc tốt amoniac – chất gây hại cho hô hấp có nhiều trong chất tẩy rửa, dệt may, thuốc nhuộm.
Cây dương xỉ: Loại cây được xem như một chiếc máy lọc không khí tự nhiên, có thể thanh lọc kim loại độc hại, thuỷ ngân, asen, formaldehyde.
Cây phất dụ: Lọc tốt các chất độc hại có nhiều trong sơn mài, chất chống ẩm, sơn dầu.
kilala.vn
13/06/2020
Bài: Vũ Lê
Ảnh: PIXTA
Đăng nhập tài khoản để bình luận