Mẹ Nhật dạy con tự vệ thế nào?
1. Dặn dò một cách cụ thể
Đa số các bậc phụ huynh thường có thói quen dặn dò chung chung, chẳng hạn như: “Cẩn thận con nhé”. Tuy nhiên, nếu như những người lớn như chúng ta có thể ngầm hiểu mình nên cẩn thận những gì, thì trẻ con lại không. Vì vậy, khi nhắc nhở chúng, bạn nên nói chi tiết và cụ thể, như: “Cẩn thận người lạ bắt cóc con nhé”, hay “Băng qua đường nhớ cẩn thận xe cộ” để con có thể hình dung rõ ràng về những mối nguy hại có thể gặp phải.
2. Thẳng thắn với con về các vấn đề nhạy cảm
Không chỉ có bắt cóc, tai nạn giao thông, lạc đường,. xã hội ngày nay còn tiềm tàng nhiều hiểm nguy đối với trẻ em. Một trong số đó là vấn nạn xâm hại tình dục. Khi những tin tức về vấn nạn này ngày càng gia tăng, đó cũng là lúc các bậc phụ huynh cần ngồi lại với con để thẳng thắn bàn luận về chủ đề nhạy cảm này. Hãy gạt hết những suy nghĩ: “Chúng còn nhỏ chưa cần biết” để chỉ dạy và căn dặn con thấu đáo bởi vì con trẻ cần được biết chúng đang bảo vệ cơ thể mình khỏi ai hoặc hiểm nguy gì. Bạn hãy tìm cách diễn đạt thích hợp nhất tùy vào nhận thức và tính cách của mỗi đứa trẻ, chẳng hạn như: “Cơ thể của con rất quý giá, nên đừng để cho người khác chạm vào nhé” để bé hình thành nhận thức phản kháng lại khi bị người khác đụng chạm cơ thể.
3. Không gọi tên con ở nơi đông người
Để đề phòng kẻ gian bắt cóc, bạn thường dặn con như thế nào? Ắt hẳn là câu: “Con không được lại gần người lạ nhé” phải không? Tuy nhiên, sẽ thế nào nếu “người lạ” đó biết tên của con? Khi đó trẻ sẽ tự động nghĩ rằng đó là một người quen của ba mẹ và sẵn sàng đi theo. Vì vậy, hãy hạn chế gọi tên trẻ ở những nơi đông người để không bị người khác lợi dụng. Ngoài ra, hãy nói cho con biết rằng, nếu đó là người con không quen biết, thì dù họ có gọi đúng tên con cũng phải cảnh giác và giữ khoảng cách.
4. Luyện tập cách ứng phó
Đa số những trường hợp trẻ em bị bắt cóc đều vào lúc chúng ở một mình. Ngoài ra, trẻ em Việt cũng ít được giáo huấn cách ứng phó khi gặp nguy hiểm. Vì vậy, bạn chỉ dạy cho con những kiến thức cần thiết như:
- Quan sát và ghi nhớ những địa điểm có thể cầu cứu (đồn công an, chốt dân phòng).
- Nếu vô tình đi đến một nơi hoang vắng, nên quan sát xem nhà dân gần nhất ở đâu để biết đường chạy đến nếu gặp nguy hiểm.
- Biết hô hoán khi cần trợ giúp.
- Nếu ở nhà một mình, không nghe điện thoại hoặc mở cửa cho bất cứ ai khác ngoài ba/mẹ.
5. Sử dụng các thiết bị hỗ trợ
Có không ít người nước ngoài khi đến Nhật Bản đã cảm thấy vô cùng ngạc nhiên khi thường xuyên bắt gặp cảnh các nhóm học sinh tiểu học cùng nhau đi học. Thật ra, mặc dù trị an ở Nhật khá tốt nhưng trẻ em tại đây vẫn được nhà trường và gia đình trang bị rất nhiều kỹ năng sinh tồn và các dụng cụ hỗ trợ. Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy ở bên hông cặp xách của trẻ đều có treo một chiếc còi để các em sử dụng trong lúc cần tạo tiếng động cầu cứu. Ngoài ra còn có cả máy báo động tạo tiếng hú lớn chỉ với một nút bấm.
kilala.vn
23/10/2019
Bài: Lê Mai/ Ảnh: PIXTA
Đăng nhập tài khoản để bình luận