Khi người Nhật cự tuyệt thực phẩm biến đổi gen
Bạn sẽ lựa chọn thực phẩm biến đổi gen với hàm lượng dinh dưỡng cao hơn nhiều hay là sản phẩm hữu cơ ?
Theo công bố mới nhất, Việt Nam sẽ đưa một số giống cây biến đổi gen vào sản xuất năm 2015 và đến năm 2020 dự đoán diện tích trồng các giống cây biến đổi gen sẽ chiếm 30-50%. Hiện nay, hơn 90% lượng đậu nành nhập khẩu vào Việt Nam là giống biến đổi gen. Bên cạnh đó là ngô hạt, cà chua, gạo…
Các chuyên gia trên thế giới vẫn tiếp tục tranh cãi nhau về những ảnh hưởng của cây trồng biến đối gen đối với môi trường và sức khoẻ con người, nhưng từ nhiều năm trước, người dân Nhật Bản đã tỏ ra vô cùng kiên quyết trong việc chống lại nó. Chính phủ Nhật đã cấm trồng các loại cây biến đổi gen trên toàn quốc, đồng thời bắt buộc dán nhãn phù hợp với những sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu biến đổi gen, như đậu nành, ngô, khoai tây, hạt cải dầu, hạt bông, cỏ linh lăng và củ cải đường…
Người tiêu dùng Nhật và cả nông dân đều ủng hộ tối đa chiến dịch “Nói không với sinh vật biến đổi gen” (NO-GMO Campaign) bằng các cam kết mạnh mẽ. NO-GMO Campaign được thành lập bởi các công dân Nhật Bản từ năm 1996, khi cây trồng biến đổi gen bắt đầu được trồng đại trà trên thế giới.
Chiến dịch này kêu gọi tẩy chay các sản phẩm được sản xuất bởi các công ty chuyên biến đổi gen, tiến hành thử nghiệm và phân tích hàng trăm các loại thực phẩm ở Nhật Bản và thu thập 2 triệu chữ ký chống biến đổi gen.
Không chỉ Nhật Bản, làn sóng phản đối thực phẩm biến đổi gen đang lan rộng ở Châu Âu, nhưng cùng với nó, diện tích trồng cây biến đổi gen cũng ngày càng bành trướng. Sẽ không dễ dàng cho cho chúng ta khi đứng giữa hai làn sóng.
Nhưng có lẽ, điều đáng nói nhất - lý do khiến người dân Nhật Bản có ý thức tự bảo vệ mạnh mẽ trước những nguồn thực phẩm có chứa các thành phần biến đổi gen – cũng chính là một trong những bí quyết sống lâu quan trọng nhất của người Nhật: dưỡng sinh bằng nguồn thực phẩm lành mạnh và tự nhiên. Vì lý do đó, và vì tình yêu tuyệt đối với thế giới tự nhiên, cuộc đấu tranh chống lại thực phẩm biến đổi gen vẫn tiếp tục kéo dài ở xứ sở mặt trời.
Ưu điểm của cây trồng biến đổi gen:
- Năng suất cao, giảm giá thành, giải quyết nạn đói
- Chống sâu bệnh, cỏ dại
- Chịu được điều kiện tự nhiên khắc nghiệt như hạn hán, nhiễm mặn…
- Hàm lượng dinh dưỡng cao
Những lo ngại về thực phẩm biến đổi gen:
- Huỷ hoại đa dạng sinh học vì tiêu diệt các loài côn trùng có lợi
- Nguy cơ gây bệnh dị ứng, kháng thuốc
- Phá huỷ cân bằng tự nhiên
- Những nguy cơ tiềm ẩn khác liên quan đến sức khoẻ và môi trường
Tôn chỉ và mục tiêu của NO-GMO Campaign:
1. Không mua, không ăn, không bán và không nuôi trồng GMO.
2. Yêu cầu ghi nhãn phù hợp với GMO.
3. Thúc đẩy tự túc lương thực và hỗ trợ nông nghiệp địa phương.
4. Khuyến khích nông dân Nhật Bản lưu trữ hạt giống nhằm duy trì đa dạng sinh học của Nhật Bản và phát triển nguồn tài nguyên di truyền nông nghiệp.
16/08/2018
Bài Linh San. Ảnh: Miya227/123rf.com
Đăng nhập tài khoản để bình luận