Kakegawa - thành phố sống chậm

    Thành phố Kakegawa (Shizuoka) nằm về phía nam Tokyo với dân số 80.000 người đã đề ra một sáng kiến mới mẻ bằng tuyên bố Tháng 11 là "Tháng Sống Chậm", nhằm khuyến khích một lối sống thoải mái và thanh thản trong tâm hồn. Với tổng số 131 sự kiện được tổ chức trong tháng, đây là lần đầu Nhật Bản có sự kiện quy mô lớn như vậy dựa trên khái niệm cuộc sống thong thả, hoặc gọi cách khác là "Sống Chậm".

    Thành phố Kakegawa đã phác thảo 8 nguyên tắc cho quy hoạch đô thị và lối sống trong thế kỷ 21.

    Chính quyền Kakegawa là một trong những chính quyền tự trị đầu tiên ở Nhật đã tích cực vận động quy hoạch thành phố thông qua học tập suốt đời. Tầm nhìn “Sống Chậm” được xem là kế hoạch căn bản để định hướng tương lai của thành phố. Tuy nhiên, một số câu hỏi về biện pháp thực hiện vẫn còn để ngỏ. Ví dụ: Làm thế nào để khái niệm "Sống Chậm" thành hình trong khuôn khổ chính quyền địa phương? Làm thế nào để vận động doanh nghiệp địa phương cắt giảm giờ làm và tăng thêm ngày nghỉ? Đây là hai yếu tố không thể thiếu để đạt được lối sống "chậm hơn".

    Bất chấp những thách thức, phong trào “Sống Chậm” - đề cao sự thoải mái và hài lòng với chất lượng sống hơn là sự thịnh vượng về kinh tế và vật chất - hiện đang lan rộng trên toàn quốc. Giới lãnh đạo của bảy chính quyền địa phương, bao gồm cả Kakegawa, đã thành lập "Liên minh các Thành phố Sống chậm". Năm 2003, "Tháng Sống Chậm" đã được thành phố Tajimi (tỉnh Gifu) tổ chức vào tháng 2, thành phố Yasuduka (tỉnh Niigata) trong tháng 5, và thành phố Gifu (tỉnh Gifu) vào tháng 8.

    Photo: Izu navi/Flickr/CC license

    Dưới đây là trích dẫn từ "Tuyên ngôn Sống Chậm” của Kakegawa:

    Trong những năm cuối thế kỷ 20, Nhật Bản coi trọng và theo đuổi cuộc sống "nhanh, rẻ, tiện lợi và hiệu quả" vốn mang lại cho chúng ta sự thịnh vượng về kinh tế. Tuy nhiên, nó cũng gây ra các vấn đề như mất nhân tính, tệ nạn xã hội và ô nhiễm môi trường. Chúng ta mong muốn hướng đến tương lai, với khẩu hiệu "Sống Chậm", để đạt được lối sống "chậm, thư giãn và thoải mái", dịch chuyển từ một xã hội sản xuất và tiêu thụ hàng loạt tiến đến một xã hội không quá bận rộn, mà thay vào đó là quý trọng những tải sản thuộc về tâm hồn.

    Con người sống khoảng 700.800 giờ (giả sử tuổi thọ trung bình là 80 năm), trong đó dành khoảng 70.000 giờ để làm việc (giả định là 40 năm). Thời gian 630.000 giờ còn lại được chi cho các hoạt động khác, chẳng hạn như ăn uống, học tập và giải trí, bao gồm cả 230.000 giờ ngủ. Cho đến nay, mọi người thường tập trung vào cuộc sống trong 70.000 giờ làm việc, cống hiến cuộc đời mình cho công ty của họ. Tuy nhiên, với nguyên tắc "Sống Chậm", chúng ta bây giờ sẽ mong muốn quan tâm nhiều hơn đến 630.000 giờ bên ngoài công việc để đạt được hạnh phúc và an tâm thật sự.

    Thực hành "Sống Chậm" bao gồm 8 nguyên tắc sau:

    ĐI CHẬM: Chúng ta xem trọng văn hóa đi bộ để phù hợp và giảm bớt tai nạn giao thông.

    MẶC CHẬM: Chúng ta tôn trọng và yêu mến những bộ trang phục truyền thống xinh đẹp như kimono và yukata, kể cả vải dệt và vải nhuộm.

    ĂN CHẬM: Chúng ta thưởng thức văn hóa ẩm thực Nhật Bản như các món ăn, trà đạo, và các thành phần nguyên liệu an toàn của địa phương.

    Ở CHẬM: Chúng ta quý trọng những căn nhà được xây dựng bằng gỗ, tre và giấy đã tồn tại hàng trăm năm, và gìn giữ cẩn thận để mọi thứ được lâu bền và bảo tồn môi trường sống.

    CÔNG NGHIỆP CHẬM: Chúng ta chăm sóc những khu rừng, thông qua nông nghiệp và lâm nghiệp, tiến hành canh tác bền vững với sức lao động của con người và mở rộng các trang trại đô thị và du lịch xanh.

    GIÁO DỤC CHẬM: Chúng ta bớt chú trọng đến thành tích học tập và tạo dựng một xã hội mà trong đó mọi người có thể thưởng thức nghệ thuật, sở thích và các môn thể thao, và tất cả các thế hệ có thể giao tiếp với nhau một cách tốt đẹp.

    LÃO HÓA CHẬM: Chúng ta hướng đến tuổi thọ cao với ân sủng và tự chủ trong suốt thời gian sống.

    SỐNG CHẬM: Dựa trên triết lý cuộc sống nói trên, chúng ta sống với thiên nhiên và các mùa trong năm, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng của chúng ta.



    05/08/2015

    NGUYÊN GIANG (dịch). ẢNH Izu navi@FLICKR.COM/CC LICENSE

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!