Họa sĩ Liku Takahashi: Người gieo ánh sáng bằng tranh

    Một ngày nắng tháng Hai ở Sài Gòn, tại triển lãm tranh Maris dành cho người khiếm thị, tôi đã có cơ hội gặp gỡ người phụ nữ Nhật nhỏ bé nhưng đầy ắp tình yêu dành cho nghệ thuật. Đó là họa sĩ Liku Takahashi - người gieo tình yêu hội họa đến người khiếm thị qua những bức tranh cát đầy ấn tượng.
    Họa sĩ Liku Takahashi
    Họa sĩ Liku Takahashi hướng dẫn khách tham gia triển lãm cách thưởng thức tranh cát Maris (Ảnh: DAINGO STUDIO).

    Đôi mắt người cha

    Ít ai biết rằng, đằng sau những tác phẩm tranh cát Maris gây tiếng vang trên toàn thế giới lại là một câu chuyện đầy cảm động. “Cha tôi đã quyết định tự sát vì mất thị lực khi tuổi già. Bởi ông nghĩ rằng một khi đôi mắt già yếu đi thì chẳng còn có ý nghĩa gì nữa” - họa sĩ Liku Takahashi chia sẻ. Chính điều đó đã khiến bà quyết định theo học khoa Điêu khắc tại Đại học Mỹ thuật và mong muốn tạo ra những tác phẩm giúp cha có thể cảm nhận được dẫu đôi mắt ấy yếu dần theo năm tháng. 

    Sau khi tốt nghiệp Đại học, Liku Takahashi đã tham gia nhiều dự án sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật thực nghiệm khác nhau. Năm 2009, bà bối rối khi lần đầu được mời mang các tác phẩm đến tham gia triển lãm tranh ở New York. Bởi xuất phát điểm là một nhà điêu khắc nên bà nghĩ rằng mình không thể vẽ nên những bức tranh. Không ngừng tìm tòi, bà nảy ra ý tưởng biến các tác phẩm điêu khắc của mình thành tranh vẽ và lưu giữ mùi hương trên từng bức tranh đó. Năm 2010, họa sĩ Liku Takahashi chính thức công bố bảng tiêu chuẩn Maris mang thông điệp: dù là người bình thường hay người khiếm thị, ai cũng có quyền được thưởng thức hội họa.

    Tranh cát Maris

    Với Maris, dù là người bình thường hay người khiếm thị, ai cũng có quyền được thưởng thức hội họa (Ảnh: DAINGO STUDIO).

    Nghệ thuật là “sự thấu hiểu”

    Tôi nhớ mãi câu hỏi của họa sĩ Liku Takahashi, rằng: “Người khiếm thị cũng rất đam mê hội họa, bạn có hiểu được mong ước này của họ không?”. Quả thật, với suy nghĩ nhỏ hẹp của mình, chưa bao giờ tôi nghĩ đến những điều như thế. Trải nghiệm nghệ thuật sử dụng cát và mùi hương để tạo nên những bức tranh Maris, tôi càng nể phục sự tinh tế của nữ họa sĩ này. Bằng xúc giác khi chạm vào cát, người khiếm thị sẽ nhận biết được màu sắc đậm hay nhạt, hạt cát càng to màu càng đậm. Bằng khứu giác, họ cảm nhận được màu sắc của bức tranh thông qua những mùi hương từ tinh dầu thảo mộc. Chẳng hạn màu cam sẽ có hương hoa cam, màu tím là hương hoa oải hương, màu xanh da trời là hương trầm. 

    Tranh cát Maris

    Người khiếm thị có thể cảm nhận tranh cát bằng mùi hương và độ thô của cát (Ảnh: DAINGO STUDIO).

    Nếu không đem lòng thấu hiểu, bà sẽ không thể tạo ra một loại hình nghệ thuật mà người bình thường hay người khiếm thị; người lớn hay trẻ em đều có thể cảm nhận được. “Bởi nghệ thuật không đến từ đôi mắt, nghệ thuật đến từ trái tim. Hãy mở lòng để đón nhận những điều xung quanh, bạn sẽ thấy mọi thứ đẹp đẽ đến thế nào! Tôi đã được truyền cảm hứng như vậy khi nhìn thấy những người khiếm thị thưởng thức tranh của mình trong hạnh phúc”, nữ họa sĩ xúc động chia sẻ.

     “Tình yêu & Hòa bình”

    Với họa sĩ Takahashi, chọn Việt Nam để tiếp tục thực hiện tour triển lãm tranh Maris vòng quanh thế giới là một dự định đã ấp ủ từ lâu. Bởi bà đã đem lòng mến thương dải đất hình chữ S từng chịu bao đau thương trong chiến tranh, nay đã vươn lên nhờ tình yêu và khao khát hòa bình mạnh mẽ. 

    Ba lần triển lãm tại Việt Nam (2018 & 2019), bà nỗ lực truyền tải những thông điệp của Maris đến hơn 200 bạn sinh viên, tình nguyện viên ở Hà Nội và Sài Gòn. Sâu xa hơn là thức tỉnh nhận thức của người trẻ về tình yêu và sự quan tâm đến cha mẹ, khi đôi mắt họ yếu dần theo tháng năm. Nhìn các bạn chân thành đón nhận và truyền tải đến khách tham quan những thông điệp ấy, bà cảm thấy như được tiếp thêm sức mạnh. Một ngày không xa, thông điệp về “Tình yêu & Hòa bình” của Maris sẽ lan tỏa khắp thế giới, mang mọi người xích lại gần nhau hơn!

    Takahashi Liku

    Chụp hình cùng các tình nguyện viên và khách tham gia triển lãm tại TP.HCM (Ảnh: DAINGO STUDIO).

    Họa sĩ Liku Takahashi

    “Giấc mơ của tôi là mong muốn xóa bỏ ranh giới giữa người bình thường và người khiếm thị. Vì thế tôi chọn các bạn trẻ Việt, bởi hơn ai hết họ là thế hệ tương lai của đất nước. Một thế hệ thành công chính là thế hệ giàu lòng nhân ái” (Ảnh: Roan).

    kilala.vn


    07/06/2019

    Bài: Roan
    Hình ảnh: NVCC, DAINGO STUDIO

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!