Hành trình nhiễm Covid-19, cách ly và khỏe trở lại của cô gái Việt tại Osaka
Tôi đã nhiễm Covid-19 như thế nào?
Vào ngày 9/1/2021, viện dưỡng lão nơi tôi làm việc có một cụ dương tính với Covid-19. Khi đó, tất cả nhân viên và các cụ già ở đây lập tức được tiến hành xét nghiệm Covid-19. Kết quả ban đầu: tất cả mọi người đều âm tính. Tuy nhiên, vì cần phải theo dõi thêm và để tránh lây nhiễm cho gia đình nên tôi tạt về nhà soạn hành lý và quay trở lại nơi làm việc để ở lại vài hôm.
Cứ mỗi sáng và chiều, chúng tôi đều được theo dõi thân nhiệt kỹ càng. Đến ngày thứ 3, tức ngày 12/1, thân nhiệt tôi tăng lên 37,3 độ C. Khi đó ở Nhật đang là mùa đông, và để ngăn ngừa vi-rút lây nhiễm, tất cả các cửa sổ đều được mở ra cho thoáng khí. Vì vậy tôi chỉ nghĩ mình bị cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, tôi vẫn được cho nghỉ ngơi tại một phòng riêng, xem như là cách ly tại chỗ. Mọi người ở bên ngoài chuẩn bị sẵn đồ ăn và thức uống cho tôi. Tôi chỉ rời phòng để đi vệ sinh, còn lại thời gian đều nằm nghỉ trong phòng. Khi sử dụng nhà vệ sinh, tôi phải mặc đồ bảo hộ và khử khuẩn nhà vệ sinh sau đó. Trong thời gian này, tôi bắt đầu sốt nhẹ và có triệu chứng đau họng nên uống 2 viên thuốc hạ sốt từ hộp thuốc cá nhân tôi đã lấy theo khi về nhà soạn hành lý. Sau đó, tôi vẫn thường xuyên theo dõi thân nhiệt thì thấy dao động ổn định từ 36 – 37 độ. Khi biết tôi bị sốt, nhóm trưởng của tôi có gọi điện cho một bác sĩ ở gần viện dưỡng lão để xin chỉ dẫn. Tôi được phát các loại thuốc hạ sốt và kháng sinh cho 4 ngày.
Chiều ngày 13, tôi gửi mẫu nước bọt đến Sở Y Tế để xét nghiệm Covid-19 lần 2. Đến 2h chiều ngày hôm sau, tôi nhận được kết quả thông báo mình dương tính và yêu cầu đợi thông tin liên lạc từ Sở Y Tế. Sau khi tự trấn an mình nhiều lần là chắc chỉ bị cảm thông thường thôi, không phải Covid-19 đâu, thì lần này, khi cầm kết quả trong tay, tôi đã không còn trốn tránh sự thật được nữa.
Tôi đã làm gì khi biết mình nhiễm bệnh?
Cùng với tâm trạng cực kỳ hoảng hốt và hoang mang, tôi đã gọi điện thoại thông báo cho ông xã để anh ấy vứt hết những vật dụng có thể bị lây nhiễm, mở hết các cửa sổ ra, giặt mền gối,. Tôi cũng rà soát lại những người mình từng tiếp xúc. Ly tách, đồ dùng và những thứ tôi đang ăn dở trong lúc cách ly tại chỗ làm như miếng bánh hay chai nước, tôi cũng tống tháo chúng vào bao đựng rác. Lúc này tôi nhìn đâu cũng thấy có vi-rút! Thế nhưng, sự thật là tôi sợ vi-rút thì ít, còn sợ gây phiền toái đến mọi người thì nhiều hơn. Tôi tự hỏi mình liệu đã lây nhiễm cho ai chưa? Gia đình mình vẫn bình an chứ? Ngoài ra, bạn biết đó, ở Nhật, dù bạn có đi cách ly và không làm việc thì công việc nó vẫn tồn đọng ở đó, hoặc phải phiền đến người khác làm thay bạn. Chỉ cần nghĩ đến chuyện này là tôi lại thấy căng thẳng.
Sau khi tôi liên lạc với gia đình và vứt hết đồ đạc, khoảng 4h chiều cùng ngày, người từ Sở Y Tế đã gọi điện thoại đến số di động của tôi để hướng dẫn tôi đăng ký thông tin vào hệ thống những bệnh nhân nhiễm Covid-19. Sau khi hỏi han để truy vết những người có liên quan, may mắn là F1 của tôi chỉ có ông xã và 2 đồng nghiệp.
Mặc dù ông xã và 2 đồng nghiệp đều có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính, nhưng họ vẫn bị đình chỉ công tác 2 tuần để tự theo dõi tại nhà. Mặc dù gọi là cách ly tại gia nhưng họ không bị bắt buộc phải ở suốt trong nhà mà vẫn có thể đi chợ, hoặc đi đâu đó gần nhà, chỉ cần không đi làm và luôn luôn phải đeo khẩu trang là được. Tôi cũng được Sở Y Tế sắp xếp cách ly tại một khách sạn. Ở Nhật, nếu bạn dương tính nhưng sống một mình, bạn vẫn có thể cách ly tại nhà và không được phép đi ra ngoài. Mọi nhu yếu phẩm sẽ được Sở Y Tế gửi đến trước cửa hoặc bạn có thể nhờ người thân đến đưa, tất nhiên là không được tiếp xúc gần. Còn nếu bạn sống cùng gia đình, thì bạn sẽ được cách ly tại một cơ sở nào đó như nhà khách, khách sạn,. Nếu trong vòng 10 ngày kể từ lúc cách ly mà bạn không có bất kỳ triệu chứng bệnh nào, nồng độ ô-xy trong máu và thân nhiệt ổn định thì bạn sẽ được “ra trại”!
Cách ly tại khách sạn
Khu cách ly của tôi chỉ toàn là phụ nữ. Có thể vì những bất tiện trong sinh hoạt mà họ chia ra như vậy. Những nhân viên y tế và nhân viên khách sạn sẽ ở một khu vực riêng biệt, không tiếp xúc trực tiếp với người bệnh và chỉ giao tiếp qua micro hoặc điện thoại lên phòng. Khu vực còn lại chỉ toàn là những bệnh nhân với nhau. Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn có thể ra khỏi phòng, lấy thức ăn ở khu vực ăn uống, lên sân thượng giặt đồ và đi lại tự do.
Chúng tôi ở phòng riêng. Mỗi phòng đều có bắc loa. Những thông báo trong ngày đều được phát thông qua chiếc loa đó. Cứ 8h sáng và 4h chiều hằng ngày, chúng tôi sẽ xuống tầng trệt để đo nồng độ ô-xy, sau đó về phòng tự đo thân nhiệt và rà soát những triệu chứng bệnh có ghi sẵn trong một danh sách để gửi tình trạng bệnh của mình lên hệ thống. Ngoài ra, mỗi ngày đều sẽ có nhân viên y tế gọi điện để hỏi han tình hình, tư vấn và động viên.
Người Nhật khá kín tiếng và thường ngại tiếp xúc vì tôn trọng riêng tư cá nhân nên hầu như mọi người ít khi giao tiếp với nhau, chỉ thỉnh thoảng chạm mặt ở khu giặt phơi. Trong khách sạn còn có khu vực để các nhu yếu phẩm để mọi người sử dụng, chẳng hạn như khu để các tấm ra giường và vỏ gối mới để thay, máy sấy tóc, mút rửa chén,. Các y tá cũng dặn dò rằng đối với những người còn trẻ tuổi như chúng tôi, nếu có triệu chứng sốt thì cứ để cơ thể đẩy thân nhiệt lên đến 38 độ, và nếu không cảm thấy quá mệt hay khó chịu thì cũng không cần uống thuốc hạ sốt, vì thật ra khi sốt tức là cơ thể đang tạo ra đề kháng trước sự tấn công của vi-rút. Trang phục và ga gối cũng chỉ cần giặt bằng xà phòng là được, không cần khử khuẩn vì vi-rút dù có tồn tại trên những đồ vật chúng tôi sử dụng cũng không còn khả năng gây bệnh nữa. Trước sự chuẩn bị chu đáo và những lời dặn dò cặn kẽ như vậy, tâm trạng của tôi cũng dần khá hơn và có thể bình tĩnh trải qua 10 ngày cách ly tại đây.
Tôi làm gì trong khi cách ly?
Trước khi vào cách ly, tôi đã được dặn dò hãy mang theo sách, máy tính, và những thứ có thể giết thời gian. Thời gian đầu khi mới cách ly, tôi cũng tuân thủ giờ giấc nghiêm túc lắm, cứ 7h sáng loa phát thông báo xuống lấy cơm sáng là tôi thức dậy ăn sáng. Nhưng đến tầm ngày thứ 4 là tôi không dậy nữa mà tranh thủ ngủ nướng, vì thật ra bác sĩ cũng dặn dò là nên ngủ thật nhiều để lấy sức. Ngoài thời gian nghỉ ngơi, tôi cũng đọc báo, xem phim, nghe nhạc,.
Trong suốt 10 ngày ở đây, tôi không xuất hiện thêm bất kỳ triệu chứng bệnh nặng nào ngoài việc sổ mũi, nghẹt mũi và bị mất khướu giác. Điều tôi thích nhất là mỗi ngày khách sạn đều có “quà” cho chúng tôi, như một cách khích lệ tinh thần của những bệnh nhân. Có khi là một miếng mặt nạ dưỡng da, miếng đắp mắt để thư giãn, miếng dán thải độc bàn chân, có khi là một phần trái cây hoặc nước uống,. Những món quà này đều đặn đến vào mỗi buổi tối, khiến tôi không khỏi ngạc nhiên vì sự chỉn chu và tỉ mỉ của người Nhật.
Khỏi bệnh và trở về nhà!
Sau 10 ngày không còn xuất hiện các triệu chứng bệnh, nồng độ ô-xy cũng luôn giữ mức ổn định trên 95%, thì vào ngày 22/1, tôi đã được “thả” về nhà. Nhân viên y tế không xét nghiệm lần cuối mà chỉ dựa trên các chỉ số thân nhiệt và nồng độ ô-xy cùng các mục triệu chứng bệnh mà tôi đánh dấu mỗi ngày trên hệ thống. Về đến nhà, tôi vẫn giặt giũ riêng, dùng chén bát riêng và ăn cơm riêng để phòng ngừa lây bệnh cho ông xã. Chúng tôi còn đeo cả loại nón có gắn tấm ngăn để chắc ăn! Và hiện tại thì tôi đã đi làm lại bình thường rồi!
Qua trải nghiệm đáng nhớ này, tôi rút ra được một số điều sau, hi vọng sẽ giúp ích cho những bạn đang ở Nhật nếu chẳng may cũng phát hiện mình bị nhiễm Covid-19 như tôi:
- Hãy bình tĩnh. Đây là điều quan trọng nhất, vì bạn cần bình tĩnh để suy xét các thứ cần làm trước tiên.
- Liên lạc với số Hotline theo từng khu vực sinh sống, hoặc nếu không giỏi tiếng Nhật, bạn có thể nhờ một người quen giỏi tiếng Nhật hoặc thầy cô phụ trách khai báo y tế giúp bạn.
- Rà soát lại những người bạn đã tiếp xúc để thông báo đến họ
- Gọi điện thông báo cho nơi làm việc
Và hãy luôn luôn chuẩn bị sẵn một hộp thuốc cá nhân ở nhà, vì trong nhiều trường hợp bạn sẽ có thể bị đưa đi chẩn đoán muộn và sẽ không được phát thuốc sớm. Vì thế hãy tự trang bị cho mình nhé.
kilala.vn
(Profile)
Ly Ly, 31 tuổi, hiện đang sống ở Osaka cùng ông xã.
Ly Ly chính là cô dâu Việt đã xuất hiện trong đám cưới online qua Zoom độc đáo khi dịch Covid-19 vẫn đang phức tạp tại tháng 4 năm 2020. Cùng xem qua khoảnh khắc đáng nhớ trong đám cưới lịch sử này tại đây bạn nhé.
03/02/2021
Bài và ảnh: Ly Ly
Đăng nhập tài khoản để bình luận