Chợ trời và lối sống “Mottainai” của người Nhật

    Chợ trời (flea market) đang trở nên ngày càng phổ biến ở Nhật. Khi nhiều người muốn tìm kiếm “một ngôi nhà mới” cho các đồ vật cũ của mình hơn là lãng phí vứt bỏ chúng thì việc đem bày bán tại chợ trời là một giải pháp tối ưu. Các sản phẩm này có thể đã qua sử dụng nhưng cũng có nhiều món hàng mới tinh. Với một mức giá hợp lý, hầu như các gian hàng đều thu hút được nhiều người đến mua. 

    Chợ trời và lối sống “Mottainai” của người Nhật

    Mottainai (Đừng lãng phí) là cách tiếp cận của riêng người Nhật Bản với khái niệm đồ bỏ đi, chất thải nhằm mục đích nâng cao nhận thức về môi trường. Mottainai thể hiện qua các hoạt động: giảm lạm dụng, tái sử dụng, tái chế và tôn trọng. 

    chợ trao đổi đồ cũ ở Nhật
    Chợ trời (hay chợ trao đổi đồ cũ) là nơi thể hiện rõ lối sống tiết kiệm của người Nhật.

    Nơi đây trở thành địa điểm lý tưởng cho các bà nội trợ, du học sinh tiết giảm chi tiêu trong cuộc sống. Khi gia đình có nhiều quần áo cũ, các bà nội trợ thường nghĩ đến việc mang quần áo tới chợ trời Mottainai để bán hoặc đổi lấy những đồ vật khác mà mình đang cần tới thay vì bỏ đi. Các mặt hàng bán tại chợ trời khá đa dạng, chủ yếu là quần áo, giày dép, sách, đồ gốm, mỹ phẩm, đồ điện tử…; trong đó có nhiều sản phẩm mới chưa qua sử dụng. Chợ trời thường diễn ra ở công viên, sân vận động hoặc gần chùa, đền… và thường bố trí một khu bán ẩm thực đường phố bên cạnh. 

    Một trong những khu chợ trời nổi tiếng nhất là ở Akihabara với vô số những đồ vật, trang phục được rao bán với tạo hình từ các nhân vật trong phim hoạt hình nổi tiếng. Bên cạnh đó, còn có những khu chợ trời với quy mô lớn mua bán những vật dụng dành riêng cho phụ nữ với nhiều sản phẩm đa dạng: Quần áo, giày dép, phụ kiện, truyện tranh, mỹ phẩm… thu hút khoảng từ 3.000 đến 10.000 khách mỗi ngày.

    khu chợ đồ cũ
    Các khu chợ đồ cũ luôn là địa điểm quen thuộc của các du học sinh mỗi khi có nhu cầu mua sắm.

    Thú vị nhất là những khu chợ trời chỉ dành riêng cho trẻ em trên 12 tuổi. Các em sẽ được học cách bày bán đồ chơi và dụng cụ học tập chúng không còn sử dụng đến và cũng không muốn giữ lại, tính toán và trao đổi tiền bạc trực tiếp với nhau. Đó là một kinh nghiệm sẽ giúp ích bọn trẻ rất nhiều trong xã hội của người lớn sau này.
    Với hầu hết các du học sinh tại Nhật, các khu chợ đồ cũ luôn là địa điểm quen thuộc mỗi khi có nhu cầu mua sắm. Những nơi thường được các bạn sinh viên lui tới là Meiji và chợ đồ cũ baza ở Shinjuku. Thay vì phải bỏ ra hàng chục nghìn Yên cho một chiếc xe đạp, nếu khéo chọn thì chỉ với chừng 6000 – 7000 Yên cũng đã có một “chú ngựa sắt” ưng ý. 

    chợ đồ cũ baza ở Shinjuku

    Những nơi thường được các bạn sinh viên lui tới là Meiji và chợ đồ cũ baza ở Shinjuku. 

    Nơi trao đổi niềm vui và gắn kết mọi người

    Chợ trời không giống như một cửa hiệu – nơi luôn có một khoảng cách nhất định giữa chủ tiệm và khách hàng. Chợ trời là nơi thú vị nhất để bạn làm quen với nhiều người và có thêm niềm vui. Người mua và người bán cũng sử dụng internet để chia sẻ những thông tin và hình ảnh của những vật dụng mà họ muốn mua bán và kết bạn với nhau. 

    chợ trời là nơi thú vị để làm quen
    Chợ trời là nơi thú vị nhất để bạn làm quen với nhiều người và có thêm niềm vui.

    Điểm nổi bật khiến chợ đồ cũ ở Nhật trở nên khác biệt với chợ ở các quốc gia khác trên thế giới là một số người bán tham gia chợ với mục đích từ thiện, miễn phí một số sản phẩm mà họ bày bán. Anh Lee Sung Wan, một du học sinh Hàn Quốc cho biết: “Chợ trời mà tôi từng tham gia được tổ chức tại một trường tiểu học. Được biết, hàng hóa bán tại hội chợ là do người dân địa phương và gia đình của các em học sinh đóng góp, phụ huynh sẽ là người bán. Toàn bộ số tiền thu được họ đã dành cho các hoạt động từ thiện. Có thể nói đây là một chương trình nhân văn mà thầy cô - cha mẹ có thể dạy trẻ em bài học về sự tiết kiệm, về sự cho và nhận trong cuộc sống này”.

    10 khu chợ trời nổi tiếng ở Nhật:
    Kushiro (Hokkaido); Uwajima (Ehime); Funabashi (Chiba); Adachi (Tokyo); Shimoda (Shizuoka); Izumisano (Osaka); Karatsu (Saga); Nishio (Aichi); Makurazaki (Kagoshima); Miyakojima (Okinawa).

    kilala.vn

    16/10/2018

    Bài: JUN / Hình ảnh: PIXTA

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!