Can Tiểu Hy: "Muốn giỏi, phải làm trước đã!"

    Vượt qua 296 tác phẩm từ 55 quốc gia, "Địa ngục môn" của tác giả Phan Cao Hà My (bút danh Can Tiểu Hy) đến từ Việt Nam đã giành giải Bạc ở cuộc thi  International Manga Award lần thứ 10, một trong những giải thưởng truyện tranh uy tín nhất trên thế giới. Ít ai ngờ tác giả của những nét vẽ màu sắc kinh dị lại là một cô nàng hài hước, đáng yêu, có giọng nói “ngọt như đường” và  biệt danh độc đáo: “Khỉ già bất tử”.

    Muốn giỏi, phải làm trước đã!

    Ít ai biết được rằng, để có thể học đại học Kiến trúc và theo nghề vẽ, Can Tiểu Hy đã phải trải qua khá nhiều khó khăn: “Hai chị em mình từ nhỏ đã có năng khiếu vẽ. Thế nhưng, gia đình chỉ xem việc vẽ vời của hai chị em là một sở thích, không thể trở thành một công việc kiếm tiền. Dù thuyết phục nhưng mẹ mình chỉ muốn cho 1 người theo nghề vẽ trong hai chị em nên chỉ có mình được học và theo nghề.”

    Tác giả Can Tiểu Hy

    Tác giả Can Tiểu Hy và tác phẩm Địa ngục môn. (Ảnh: Pyn Trần)

    Khi đọc truyện Địa ngục môn, độc giả rất bất ngờ trước những trang truyện vẽ cảnh vật vô cùng huyền bí, đẹp ấn tượng từng chi tiết nhỏ. Để có thể vẽ đẹp những cảnh vật, chi tiết, hình ảnh, Tiểu Hy đã phải “tập cả ngày”. “Bên cạnh việc thường xuyên tập luyện vẽ ký họa khi còn học ở ĐH kiến trúc, mình còn thường tìm thêm tư liệu trên mạng để học hỏi, học từ những người vẽ đẹp cách vẽ và vận dụng không gian sắp xếp sao cho đẹp nhất. Muốn giỏi, phải làm trước đã” – Tiểu Hy chia sẻ. 

    Can Tiểu Hy

    Với mỗi trang truyện, Tiểu Hy phải tốn nhiều giờ để chăm chút từng nét vẽ. (Ảnh: Pyn Trần)

    Cảm hứng khi viết tác phẩm Địa ngục môn của Can Tiểu Hy xuất hiện trong một lần cô đi viếng mộ, phải đứng chờ giữa một đoàn người rất dài và mệt mỏi. “Khi thăm mộ xong mình cảm thấy khá ám ảnh tâm lí, suy nghĩ nhiều hơn về sự sống và cái chết. Ý tưởng đi thăm người chết giống như đi về cõi chết hình thành và là ý tưởng nền tảng của bộ truyện Địa ngục môn, lồng ghép trong câu chuyện về các nhân vật là sự luân hồi của cuộc đời, luật nhân quả”. 

    Can Tiểu Hy

    Can Tiểu Hy và một số trang vẽ của tác phẩm Địa ngục môn. (Ảnh: Pyn Trần)

    Chia sẻ về chuyến đi Nhật để nhận giải thưởng International Manga Award vừa qua, Can Tiểu Hy cho biết: “Họa sĩ truyện tranh Nhật đã rất thành công khi chuyển thể đời sống ở Nhật thành truyện tranh. Vì thế, dù đến Nhật lần đầu tiên nhưng mình cảm thấy Nhật Bản giống hệt như trong tưởng tượng của mình. Mình còn vô cùng bất ngờ trước cường độ làm việc của họa sĩ Nhật, họ làm việc chăm chỉ một cách đáng kinh ngạc. 

    Do tính cạnh tranh rất cao, một tác giả nếu muốn bộ truyện của mình thành công cần phải cố gắng nhiều hơn nếu không muốn bị “chìm”. Ví dụ như trong Jump - tạp chí Manga hàng đầu của Nhật phát hành hàng tuần, 1 cuốn sẽ có nhiều truyện, độc giả có thể bình chọn bộ truyện yêu thích của họ hằng tuần. Nếu bộ truyện nào đó xếp thứ hạng quá thấp sau nhiều tuần, bộ truyện đó sẽ bị “khai tử”.

    Can Tiểu Hy nhận giải

    Vượt qua 296 tác phẩm từ 55 quốc gia, "Địa ngục môn" của Can Tiểu Hy đã giành giải Bạc ở cuộc thi International Manga Award lần thứ 10. (Ảnh: NVCC)

    Vẽ truyện vẫn sống được với nghề

    Trước nhiều quan điểm cho rằng họa sĩ sẽ khó sống được với nghề, Can Tiểu Hy lấy bản thân làm minh chứng cho việc vẫn “sống được”. Bên cạnh sở trường là vẽ truyện tranh, Tiểu Hy còn nhận thêm nhiều công việc vẽ minh họa theo yêu cầu để tăng thu nhập. Việc vẽ truyện tranh nổi tiếng sẽ đem lại danh tiếng, giúp tác giả có thêm nhiều công việc hơn.

    Truyện tranh Việt

    Số lượng truyện tranh Việt có nội dung chất lượng đang ngày càng nhiều. (Ảnh: Pyn Trần)

    Hiện nay, truyện tranh Việt Nam đang ngày càng phát triển, nhiều họa sĩ sống được với nghề nên có rất nhiều bạn trẻ mạnh dạn theo đuổi nghề. Khi sản xuất một tác phẩm, không chỉ có sản phẩm truyện, họa sĩ còn có thể kiếm thêm lợi nhuận với nhiều sản phẩm sáng tạo “ăn theo” hình ảnh nhân vật như logo, áo thun, sản phẩm handmade,. 

    Riêng tác phẩm Địa ngục môn của Can Tiểu Hy, ngoài bản đặc biệt với chất liệu giấy đẹp, bìa cứng có giới hạn, còn có sản phẩm “ăn theo” như  lệnh bài được nặn theo các nhân vật trong truyện như Tần Quảng Vương, Hắc Vô Thường,. “Vấn đề bản quyền của Việt Nam đang ngày càng chặt chẽ, ý thức của người đọc ngày càng cao, nhiều người sẵn sàng bỏ tiền để mua sách của tác giả dù có bản “lậu” khiến họa sĩ đỡ lo lắng phần nào” – Can Tiểu Hy tâm sự. 

    phù điêu

    Phù điêu - một sản phẩm "ăn theo" Địa ngục môn được rât nhiều độc giả yêu thích. (Ảnh: Pyn Trần)
    Can Tiểu Hy
    Can Tiểu Hy và poster, tượng nhân vật trong truyện Địa ngục môn. Ảnh: (Pyn Trần)

    Trước câu hỏi: Ý tưởng vô cùng quan trọng đối với họa sĩ, vậy làm thế nào để luôn có ý tưởng?, Tiểu Hy chia sẻ: “Có thời gian mình bị bế tắc, cảm giác không thể nào tiến bộ được nữa. Mình quyết định nghỉ ngơi, chuyển sang học hỏi một chủ đề khác, mở rộng chuyên môn. Mình học về giải phẫu cơ thể người, nhận thấy rõ ràng việc vẽ cơ bắp, vẽ nhân vật nam tốt hơn và cảm thấy có thêm nhiều hứng khởi trong công việc. Một người đàn anh đã dạy cho mình rằng: “Muốn đào sâu, phải đào rộng”. Đừng chỉ suy nghĩ chỉ một vấn đề, hãy luôn học hỏi nhiều hơn và liên tưởng, gắn kết nhiều điều hơn.”

    Can Tiểu Hy

    Tác giả Can Tiểu Hy tại NXB Shueisha, Nhật Bản. (Ảnh: NVCC)

    Sắp phát hành truyện chủ đề Thiên Giới

    Vẽ truyện tranh vẫn là cách để Tiểu Hy “lên tay” nhanh nhất. Bởi lẽ, vẽ truyện tranh đòi hỏi bạn phải vẽ nhiều khía cạnh của cuộc sống, ngay cả những điều không thuộc sở trường của bạn. “Ban đầu, mình không biết vẽ ma quỷ, thế nhưng nhờ vẽ Địa ngục môn mà mình vẽ giỏi hơn. Ngay cả việc vẽ cây cối, nhà cửa, lâu đài cũng được cải thiện.” 

    Theo Tiểu Hy, để hoàn thành 1 cuốn truyện, đầu tiên bạn phải có ý tưởng độc đáo. Sau đó, bạn cần học tập nhiều thứ để có kiến thức thực thi được ý tưởng đó. (Trước khi viết Địa ngục môn, mình đã phải tìm tư liệu về địa ngục rất nhiều để có kiến thức) Tiếp theo là bước xây dựng kịch bản, kết cấu, nhân vật, storyboard, name,… dựa vào kinh nghiệm để áp dụng cách tạo ấn tượng cho từng diễn biến câu chuyện. 

    Nhờ vẽ Địa ngục môn, Tiểu Hy vẽ được quỷ, nhà cửa, lâu đài. đẹp hơn. (Ảnh: Pyn Trần)

    Sau khi truyện phát hành, họa sĩ còn phải tham khảo nhận xét của độc giả để cải tiến truyện. “Mình đọc nhận xét của độc giả rất thường xuyên và nhận thấy nhiều ý kiến góp ý rất thiết thực: Truyện hình dày đặc quá, mắt nhân vật thường hay trợn lên,… giúp mình tiết chế lại hợp lí hơn. Thế nhưng, cũng có những yêu cầu vô lí như sao anh này anh kia không… yêu nhau khiến mình bó tay, đành phải… “kệ” – Tiểu Hy hài hước.

    Nguyên nhân khiến một cuốn truyện phát hành lâu hơn dự kiến thường do nhiều nguyên nhân, có thể do tác giả, hoặc do vấn đề kiểm duyệt, giấy phép (Địa ngục môn cũng phải rất “gian nan” vượt qua vấn đề kiểm duyệt, ngay cả về… tên truyện – liên quan đến ma quỷ, địa ngục…)

    comicola

    Quang cảnh một lớp học vẽ tại công ty Comicola. (Ảnh: Pyn Trần)

    “Truyện tranh Việt Nam trước đây chỉ giống như một ngọn đèn mờ, không có nhiều tác phẩm nổi bật, mọi người chưa xem đó là một công việc nghiêm túc, có tác giả sáng tác vài chương rồi bỏ cuộc, chưa có lối đi riêng. Việc xuất hiện nhiều tác giả với những bộ truyện chất lượng, cuộc thi Thế giới ước mơ dành riêng cho dân truyện tranh, công ty Comicola định hướng, tư vấn, tạo cơ hội cho nhiều họa sĩ… là những dấu hiệu đáng mừng cho truyện tranh Việt hiện nay và đòi hỏi họa sĩ phải nỗ lực hơn nữa trong việc sáng tác.” – Tiểu Hy nhận định.

    Sau khi hoàn thành tập tiếp theo của Địa ngục môn, dự định sắp tới của Can Tiểu Hy là phát hành truyện mới chủ đề Thiên Giới với ý tưởng cô nàng đã ấp ủ từ khi còn nhỏ.

    Phương Anh/ kilala.vn

    15/03/2017

    Bài : Phương Anh/ Ảnh: Pyn Trần

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!