Bí quyết trường thọ của người Nhật

    Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi năm 2014, tuổi trọ trung bình của người Nhật đối với với cả nam giới và nữ giới đều đã tăng so với năm 2013 (nam giới 80,21 tuổi, nữ giới 86,61 tuổi). Có thể nói, khái niệm trường thọ ở Nhật không chỉ là “nagai iki” nghĩa là sống lâu, sống dài, mà còn là “kenkou teki na iki kata” nghĩa là sống sao cho khỏe mạnh, bằng chính sức lực của bản thân mình mà không cần “kaigo”- sự chăm sóc của người khác. Khỏe mạnh ở thể xác và minh mẫn, tươi trẻ về tinh thần. Đó mới là mục tiêu mà người Nhật thực sự nhắm tới.

    Xã hội hiện đại đang phải đối mặt với seikatsu shuukan byouki (bệnh phát sinh từ những thói quen không tốt lặp đi lặp lại trong sinh hoạt thường ngày như chế độ ăn uống không cân bằng, thiếu vận động, hút thuốc lá, stress.) chẳng hạn huyết áp cao, rối loạn lipid máu, tiểu đường, béo phì. Chính vì vậy, bí quyết sống khỏe của người Nhật bắt đầu từ những thói quen đơn giản thường nhật. Cùng là thể trạng người Châu Á, hãy xem thử chúng ta có thể “bắt chước” được gì từ họ nhé!

    bí quyết trường thọ của người Nhật

    1. Kiểm tra sức khỏe thường xuyên

    Không thể phủ nhận rằng hệ thống chăm sóc y tế hiện đại và đầy đủ đã góp phần không nhỏ trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là việc khám chữa bệnh cho người cao tuổi ở Nhật Bản. Tuy nhiên, việc người dân luôn ý thức “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, kiểm tra sức khỏe định kì nhằm nắm bắt tình trạng sức khỏe của bản thân để có những điều chỉnh thích hợp trong cuộc sống, phát hiện và chữa trị kịp thời bệnh tật, mới chính là yếu tố con người mấu chốt. Ngày nay, với một chiếc điện thoại thông minh, bạn có thể tải về các ứng dụng theo dõi các chỉ số cơ thể, chu kì kinh nguyệt, lịch tiêm vác-xin cho trẻ, đếm quãng thời gian đi bộ hay năng lượng tiêu hao trong ngày, v.v.

    kiểm tra sức khỏe thường xuyên

    2. Không ăn quá no, không uống quá chén

    Mặc dù có đời sống ẩm thực khá phong phú với nhiều món ăn du nhập từ nước ngoài, đại bộ phận người dân Nhật vẫn ưa chuộng các món ăn truyền thống như cá, súp miso, natto (đậu tương lên men), đậu phụ, rong biển. được chế biến từ nguồn nguyên liệu tươi sống, ít gia vị nhằm giữ trọn hương vị tự nhiên của từng loại thực phẩm, và ít chất béo hơn hẳn so với thức ăn phương Tây.

    Người Nhật có 2 nguyên tắc “vàng” trong việc ăn uống. Đó là “shun no mono” nghĩa là mùa nào thức nấy (để đảm bảo cơ thể luôn được cung cấp những thực phẩm tươi tốt nhất) và “Hara hachi bu” nghĩa chỉ ăn no 80% mà thôi, để giảm tải cho hệ thống tiêu hoá, đảm bảo bộ máy đó hoạt động thông suốt lâu dài. Bên cạnh đó, hầu như người Nhật nào cũng dùng thêm các loại thuốc vitamin hoặc các loại thuốc phụ trợ khác dưới sự hướng dẫn an toàn của bác sĩ để giữ vững sự cân bằng dinh dưỡng của mình.

    không ăn quá no

    3. Ngâm bồn nước ấm

    Thói quen ngâm bồn cũng có mối quan hệ mật thiết với việc kéo dài tuổi thọ. Khi ngâm mình trong bồn, toàn bộ cơ thể được làm ấm lên, giúp máu huyết lưu thông tốt hơn. Việc máu huyết lưu thông sẽ dẫn đến việc nâng cao sức miễn dịch của cơ thể, điều cực kì cần thiết cho một cơ thể khỏe mạnh. Đồng thời, việc giữ gìn cơ thể thanh khiết, sạch sẽ cũng có thể làm giảm nguy cơ từ các bệnh truyền nhiễm.

    bí quyết trường thọ

    4. Yêu lao động

    Tinh thần yêu lao động là dấu ấn đậm nét của tinh thần quốc dân Nhật Bản. Thay vì sống dựa vào tiền lương hưu hay con cháu, rất nhiều người Nhật dù đã quá độ tuổi “teinen”- về hưu nhưng vẫn sống độc lập và tiếp tục lao động. Họ có thể tham gia làm bán thời gian với các công việc bàn giấy trong văn phòng hay lao động chân tay trong các cửa hàng, siêu thị, nhà hàng gia đình hay các hoạt động tình nguyện xã hội. Chính việc duy trì lao động đã giúp họ có cơ thể khỏe mạnh, hoạt bát, một trí óc minh mẫn, có ích cho xã hội bất chấp tuổi tác, không bị guồng quay xã hội bỏ lại bên lề như những công dân già cỗi cô đơn.

    yêu lao động

    5. Người Nhật thích đi bộ

    Ở Nhật, chúng ta dễ dàng thấy từng tốp học sinh nắm tay nhau đi bộ đến trường (dù là các bé tiểu học), các bà nội trợ đi bộ đến siêu thị, các ông bố đi bộ ra ga bắt tàu điện đi làm rồi lại đi bộ đến công sở. Họ được giáo dục về việc rèn luyện thân thể từ lớp mẫu giáo. Đi bộ, đối với họ như một việc bình thường, nhưng xét về mặt khoa học, đó là một môn thể thao luôn được khuyến khích nhất và thích hợp cho mọi lứa tuổi. Ít hay nhiều, trung bình mỗi người Nhật sẽ có khoảng 1 giờ đi bộ mỗi ngày. Thực sự không có môn thể thao nào vừa rẻ tiền, vừa tiện lợi và có thể thực hiện được mỗi ngày tốt hơn thế nữa.

    Điều kiện giao thông ở Việt Nam có thể chưa cho phép bạn đi bộ thường xuyên. Tuy nhiên, bạn có thể bắt đầu với việc đi bộ trong công viên mỗi ngày hoặc ít nhất là vào cuối tuần.

    trung bình người Nhật có khoảng 1 giờ đi bộ mỗi ngày

    6. Thành thật với cảm xúc của bản thân

    Sống trong một môi trường nhiều áp lực, người Nhật rất chủ động tìm cho mình phương pháp thích hợp nhất để giải tỏa stress, giữ gìn sức khỏe tinh thần. Ai cũng ít nhất có một đam mê để duy trì sự vui thích với cuộc sống của bản thân và xã hội xung quanh, từ thú sưu tầm robot Gundam, đọc manga, câu cá, sưu tầm tem. Khi không thể thay đổi được thực tại, việc nhìn nhận vấn đề một cách lạc quan nhất để tìm hướng giải quyết, là điều mà người dân Nhật từ lâu đã làm được, khiến cả thế giới ngưỡng mộ.

    giữ gìn sức khỏe tinh thần

    7. Trải nghiệm những "thử thách" mới

    Người Nhật  luôn có một thái độ tò mò và sẵn sàng “thử thách” bản thân bằng những trải nghiệm mới mẻ. Tâm thái đó góp phần mang lại cho họ cả thân thể và tâm hồn tươi trẻ. Hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ như: một kiểu trang điểm khác biệt mà bạn chưa từng thử, nấu một món ăn mà chính bạn cũng chưa từng nếm qua, bắt chuyện với người hàng xóm mà bạn chưa từng chào hỏi.

    trải nghiệm thử thách mới

    08/05/2015

    Bài: Minh Nhật/ Minh họa: KIKO KIKO

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!