Review "Nhà Của Ninja": Một làn gió mới từ Nhật Bản
Series Nhà Của Ninja thành công tái hiện hình tượng kinh điển trong văn hoá lịch sử xứ Phù Tang theo một cách đa chiều và gần gũi hơn.
Shinobi (忍び), hay như ta thường gọi là ninja (忍者), đều chỉ những đặc vụ bí mật trong thời phong kiến Nhật Bản. Họ chuyên thực hiện các nhiệm vụ hiểm nguy trong bóng tối từ đột nhập, do thám, trộm cướp đến giết người. Bước chân của những sát thủ mặc đồ đen, đeo mặt nạ, di chuyển thoăn thoắt không tiếng động qua dãy mái nhà cao ngất đã in dấu trong hàng bao thước phim và trang sách.
Nếu shinobi còn tồn tại, họ sẽ sống thế nào trong thời đại ngày nay? Đó là câu hỏi gợi cảm hứng cho diễn viên Kaku Kento, đạo diễn Dave Boyle cùng đội ngũ hùng hậu phát triển Nhà Của Ninja - một công cuộc tái khám phá văn hoá truyền thống Nhật Bản.
Shinobi thời hiện đại: sinh động và mãn nhãn
Trung tâm của bộ phim là gia đình Tawara, hậu duệ của shinobi huyền thoại Hattori Hanzo. Sau một mất mát lớn, họ từ bỏ các nhiệm vụ và cố gắng (nhưng không mấy thành công) để sống như người bình thường. Người bố Soichi (Eguchi Yosuke) làm chủ một xưởng sake đang trên bờ vực đóng cửa, người mẹ Yoko (Kimura Tae) ở nhà nội trợ và hay trộm vặt siêu thị như một thú vui, cô con gái Nagi (Makita Aju) lén lút thực hiện các phi vụ trộm bảo vật để “rèn luyện” kỹ năng.
Con thứ Haru (Kaku Kento) thì nhất quyết không tiếp quản xưởng rượu mà chọn làm nhân viên vận hành máy bán hàng tự động. Anh thường xuyên ăn cơm thịt bò chỉ để gặp nữ phóng viên Ito Karen (Yoshioka Riho). Haru là một shinobi cừ khôi nhưng lại có nhược điểm trí mạng là không thể giết người. Chính sự nhân từ ấy đã gián tiếp gây ra cái chết của người anh cả nên anh luôn sống trong dằn vặt.
Yên bình không kéo dài lâu. Tộc Fuma - đối thủ truyền kiếp của Tawara - tái xuất với âm mưu thao túng chính trị, tái gây dựng Nhật Bản. Các shinobi bị buộc phải trở lại công việc cũ để ngăn chặn thảm họa, cũng là lúc họ phải đối mặt với nỗi đau của chính mình.
Xem thêm: Giải mã biểu tượng “sát thủ” Ninja trong văn hóa Nhật
Nhà Của Ninja gây ấn tượng trước hết nhờ phần hành động và kỹ xảo chất lượng. Chiêu thức võ thuật gọn gàng mạnh mẽ, những màn chiến đấu sử dụng katana, phi tiêu và tay không thay vì súng ống hiện đại đã nhanh chóng thuyết phục khán giả đây là những shinobi “thứ thiệt”. Cả dàn diễn viên đã tốn nhiều tháng luyện tập cho những cành hành động chân thật và mãn nhãn này.
Không chỉ diện mạo và võ thuật, các shinobi của đạo diễn Dave Boyle cũng phải tuân theo nhiều quy tắc như không được để lộ thân phận, không tự ý hẹn hò, không ăn thịt. Lòng trung thành với tổ chức và truyền thống cần luôn được ưu tiên. Tất cả điều đó giúp tái hiện những shinobi rất Nhật.
Cốt lõi là một câu chuyện gia đình
Trả lời phỏng vấn của The Koalition, nam chính kiêm đồng sản xuất Kaku Kento nhấn mạnh: “Đối với tôi, gia đình là chủ đề nổi bật nhất của bộ phim này.”
Có lẽ chính vì thế, Nhà Của Ninja tập trung nhiều vào tuyến tình cảm hơn so với những phim hành động thông thường. Mối quan hệ giữa người lớn với từng đứa con trong nhà, tình cảm anh em, và cả tình yêu nam nữ đều được dành một thời lượng tương đối. Nhờ thế mà nhà Tawara hiện lên gần gũi và sinh động hơn, với những lo toan và vụn vặt thường thấy của bất kỳ gia đình nào.
Vì shinobi hoạt động theo thị tộc, những mâu thuẫn chính trong phim vừa là xung đột giữa lý tưởng của hai phe đối địch, vừa là vết rạn trong khối đoàn kết gia đình. Hơn cả sự mãn nhãn, bộ phim muốn khai thác nhiều hơn khía cạnh suy nghĩ và cảm xúc của những cao thủ ẩn dật này, rằng nếu truyền thống vẫn còn được tiếp nối đến thế hệ ngày nay, một gia đình shinobi sẽ sống như thế nào, việc hòa nhập với xã hội hiện đại có làm họ thay đổi, và liệu những tôn chỉ mà shinobi gìn giữ có đáng bảo tồn đến thế?
Thế nên dù được gắn nhãn là một phim hành động giật gân, Nhà Của Ninja có nhiều khoảng lặng hơn sự vội vã. Phim cũng tận dụng những khoảnh khắc hài hước chủ yếu từ các nhân vật phụ để cân bằng với tông trầm tối của những cuộc chiến và âm mưu. Đó là những điểm sáng cho một câu chuyện có phần dễ đoán.
Vẫn còn những điểm gây tranh cãi
Trái ngược với hình ảnh được khen ngợi, phần âm nhạc do nhà soạn nhạc người Mỹ Jonathan Snipes cầm trịch gây nhiều ý kiến trái chiều. Nhạc phim được lấy cảm hứng từ âm nhạc của dòng phim giallo, tức phim kinh dị - tội phạm rất nổi tiếng ở Ý vào thập niên 60-70, cùng những bản pop cổ điển để tạo nên một bầu không khí vừa kịch tính vừa hài hước. Tuy nhiên, nhiều trường đoạn bị đánh giá là dùng nhạc không phù hợp, gây mất tập trung và thậm chí làm hỏng mạch cảm xúc.
Dù đã phần nào đạt được tham vọng lần nữa giới thiệu shinobi với thế giới một cách ấn tượng, phim vẫn còn không ít lỗ hổng. Đơn cử như việc Nagi hành xử bất cẩn nhưng chẳng mấy ai để ý, vai trò mờ nhạt của cảnh sát, sự mập mờ và “tỏ ra nguy hiểm” của Cục Quản Lý Ninja hay sự thay đổi tâm lý phía tộc Fuma đều là những mắt xích lỏng trong chuỗi sự kiện của phim.
Ngoài ra, không phải quá trình phát triển của nhân vật nào cũng hợp lý. Bố mẹ, người bà và cậu con trai út chiếm cảm tình của phần đông khán giả. Trong khi đó, Haru u uất và lụy tình hay Nagi quá nhẹ dạ đều khiến không ít người xem phải đặt dấu hỏi.
Tạm kết
Có thể nói Nhà Của Ninja tham vọng khai thác một hình tượng có gốc rễ sâu xa và lịch sử lâu đời của Nhật Bản nhưng dường như vẫn còn lúng túng và cố gắng hướng đến số đông. Tuy nhiên, không thể phủ nhận phim là một hit lớn, góp công lần nữa khơi dậy sự quan tâm của của khán giả toàn cầu với shinobi - một chủ đề không bao giờ hết thú vị trong lịch sử nước Nhật.
kilala.vn
Nguồn: Ảnh: IMDb, Netflix
Đăng nhập tài khoản để bình luận