Ping Pong the Animation: Hành trình cảm xúc với trái bóng bàn
Chuyển thể từ manga Ping-Pong của tác giả Matsumoto Taiyou, đạo diễn Masaaki Yuasa đã mang đến cho khán giả 11 tập phim đầy cảm xúc về hành trình với trái bóng bàn của các vận động viên trung học. Thông qua cặp nhân vật chính có cá tính trái ngược, khán giả hiểu được sự gắn kết của họ với bộ môn thể thao này không đơn thuần ở khát khao chiến thắng.
Ping-Pong the Animation xoay quanh hai nhân vật Smile và Peco, đôi bạn thân từ thời thơ ấu và cùng là thành viên của câu lạc bộ bóng bàn trường trung học Katase. Trong khi Smile trầm tính và khắc kỷ, thì Peco luôn sôi nổi, ngẫu hứng và trẻ con.
Có một câu chuyện bóng bàn rất khác của Nhật Bản
Nhắc tới bóng bàn, chúng ta thường nghĩ đến Trung Quốc. Điều này được minh chứng qua lịch sử khi đất nước này sở hữu nhiều vận động viên tên tuổi trong bóng bàn. Số tuyển thủ đạt thành tích cao trong bộ môn đã là niềm tự hào của Trung Quốc trong suốt nhiều năm. Vào năm 2021 và năm 2023, Trung Quốc có 1 series và 1 phim điện ảnh chủ đề bóng bàn để nói về niềm đam mê và hành trình vô địch.
Tuy nhiên, Ping-Pong của Matsumoto Taiyou và bản chuyển thể Ping-Pong the Animation của Masaaki Yuasa lại kể một câu chuyện rất khác. Ở đây, bóng bàn không còn đóng vai trò đơn thuần là mục đích sống, khát khao để tồn tại như bao câu chuyện thành công về thể thao.
Với mỗi nhân vật, quả bóng và cây vợt được đặt ở trước mặt, để họ tự trả lời những câu hỏi: Nếu không vô địch hay không có bóng bàn, liệu cuộc đời họ sẽ đi theo ngã rẽ nào? Cuộc sống có phải chỉ đơn thuần là gồng mình nỗ lực để được công nhận, khổ luyện để thành tài? Hay chúng ta có quyền lựa chọn điều gì đúng với giá trị sống của mình?
Không theo motif truyền cảm hứng mạnh mẽ như những anime thể thao nổi tiếng khác, câu chuyện của từng nhân vật xung quanh quả bóng bàn khiến khán giả có nhiều phút giây suy ngẫm và hoài niệm về tuổi học trò.
Đó là câu hỏi “tôi là ai" thông qua những trận đấu nảy lửa, cuộc sống ngoài bàn đấu của những người đồng đội và các đối thủ. Đó là mối quan hệ giữa tiền bối và hậu bối - từ hỗ trợ, động viên đến cả tranh cãi gay gắt về mục đích thực sự của thành công. Và còn có câu chuyện của những người mẹ, người bạn gái ở vai trò hậu phương, luôn kiên nhẫn đợi chờ và âm thầm ủng hộ.
Từ trái bóng đến hành trình trưởng thành
Manga và anime thể thao có thể nói là dấu ấn đặc biệt trong văn hoá Nhật Bản, khi hoạ sĩ và nhà làm phim dùng hình ảnh, đặc biệt là chuyển động và tốc độ để kể câu chuyện gay cấn và thể hiện sức mạnh tinh thần thể thao. Khán giả đã không xa lạ với những tác phẩm khơi gợi tinh thần và cảm hứng thể thao tích cực như Haikyuu!, Slam Dunk, Free!, Dive...
Điểm chung của các anime chuyển thể và nguyên tác này là đều có tính tả thực cao, tạo hình nhân vật với cơ thể cân đối, đường nét mảnh, gọn ghẽ và chỉn chu. Câu chuyện về hành trình đi đến cúp vô địch gắn với quá trình luyện tập gian nan, sức mạnh của tinh thần đồng đội và những cảm xúc vỡ oà trong trận đấu.
Trong khi đó, Ping-Pong the Animation lại hoàn toàn khác. Dù đã truyền tải trọn vẹn từng khung hình, tình tiết trong manga của Matsumoto Taiyou, nhưng đứa con tinh thần của đạo diễn Masaaki Yuasa lại có màu sắc khác biệt so với nguyên tác.
Toà nhà, bàn đánh bóng cũng có nét vẽ không thẳng thớm, hay tạo hình gương mặt nhân vật khá "lệch chuẩn". Nhưng khán giả vẫn có sự kết nối cảm xúc qua từng tập phim. Việc tận dụng phân khung từ trên trang truyện gốc lên màn ảnh cũng giúp phim có được cá tính riêng, đồng thời cho thấy sự gay cấn và căng thẳng của từng nhân vật trong mỗi trận đấu.
Và cũng tương tự như các sản phẩm hoạt hình trước đó của vị đạo diễn người Nhật, nhân vật luôn làm chủ khung hình và thể hiện cá tính rõ rệt. Yuasa chỉ nỗ lực thêm thắt câu chuyện bằng cách phát triển nhân vật Peco tốt hơn, khi cho cậu tuyển thủ ồn ào cơ hội để quay lại với sân đấu. Peco trong Ping Pong Animation vừa là người bảo vệ Smile, vừa là động lực để Smile thi đấu, cũng như là đối thủ của người bạn này ở trận đấu cuối cùng.
Tuyến nhân vật phụ cũng được phát triển có chiều sâu và nhiều góc độ hơn. Nhiều khán giả hẳn sẽ đồng cảm với chàng tuyển thủ Trung Quốc Kong Wenge về nỗi nhớ nhà đằng sau vẻ háo thắng trên bàn đấu, nỗi lo âu dai dẳng của tuyển thủ đầu trọc có biệt danh “Rồng" Ryuichi Kazama. Nhân vật Sakuma cũng là điểm nhấn của phim song song với hai nhân vật chính, khi chân dung của cậu gợi nhớ đến những yakuza, nhưng bên trong vẫn có sự thiện lương của một đứa trẻ.
Bên cạnh việc cung cấp nhiều kiến thức xác thực về bộ môn bóng bàn, điều khiến Ping Pong Animation trở nên khác biệt nằm ở hai chữ "tinh thần". Phim đưa ra câu hỏi: liệu thể thao có nhất thiết phải luôn chiến thắng, hay chúng ta chọn thể thao vì những cảm xúc gắn liền với nó?
Với nhân vật Smile, mục tiêu của cậu khi chơi bóng bàn là sự kết nối với người bạn Peco, là cách duy nhất giúp cậu dỡ bỏ vẻ ngoài khù khờ, nhút nhát. Smile không cần chiến thắng, chỉ được thi đấu đã khiến cậu vui. Với Sakuma, bóng bàn là sự thất vọng: rằng cậu sẽ là ai thế nào khi không chiến thắng và không có tài năng bẩm sinh như những tuyển thủ khác. Còn với Peco, bóng bàn là thứ giúp cậu trả lời câu hỏi về cuộc đời: mình sẽ chọn tương lai của mình ra sao?
Trường đoạn ấn tượng để nói về sự khủng hoảng ở Peco đó là khi cậu chọn nhảy từ trên cầu xuống và vùng vẫy dưới nước. Để rồi khi được cứu, cậu nhận ra mục đích sống của mình là trở thành một “hero" - anh hùng cứu giúp cuộc đời Smile và truyền cảm hứng cho những người xung quanh.
Trong Ping-Pong the Animation, sự cuốn hút của bóng bàn không chỉ ở bản chất nhẹ nhàng của âm thanh quả bóng, mà còn ở câu chuyện đằng sau những người chơi nó. Và những câu chuyện về yêu thể thao cứ thế chạm đến trái tim.
kilala.vn
10/09/2023
Bài: Vĩnh Anh
Đăng nhập tài khoản để bình luận