Những bộ phim Nhật Bản lấy đề tài người khiếm thính
2 phần Hoshi no Kinka đã trở thành kinh điển
Hoshi no Kinka (Ngôi Sao May Mắn) thực tế là gồm 3 phần, nhưng ở Việt Nam chỉ phát sóng 2 phần đầu. Tuy nhiên, do phần 3 là tuyến nhân vật mới nên khán giả Việt vẫn có thể thưởng thức trọn vẹn câu chuyện ở 2 phần trước. Bộ phim đã “gây sốt” trong thời gian phát sóng ở Nhật Bản, đưa tên tuổi của ca sĩ Sakai Noriko lên tầm cao mới, đồng thời mở ra cơ hội cho hai nam diễn viên Osawa Takao và Takenouchi Yutaka.
Bộ phim xoay quanh Aya, một cô gái mồ côi câm điếc làm y tá tại vùng quê Hokkaido. Tại đây, cô yêu thầm anh bác sĩ Shuichi đến từ Tokyo và rồi vỡ òa hạnh phúc khi được anh đáp lại tình cảm trong anh ngày ra sân bay về lại Tokyo. Tại quê nhà, Aya chờ Shuichi quay lại như lời hứa nhưng không thấy anh đâu, nên cô liền lên Tokyo tìm anh và phát hiện anh đã bị tai nạn mất trí nhớ. Aya đã lặng lẽ bên ở Shuichi và mong anh sớm nhớ lại. Tuy nhiên, bất ngờ có một cô gái xuất hiện và nhận mình là bạn gái của Shuichi…
Nhà sản xuất nói rằng khi xem Hoshi no Kinka, bạn nên thủ sẵn hộp khăn giấy. Điều này là không ngoa vì bạn sẽ khóc rất nhiều cho số phận buồn của Aya, bên cạnh đó sẽ rơi những giọt nước mắt hạnh phúc vì tình người trong phim. Bên cạnh Nhật Bản và các nước Châu Á khác, phim cũng tạo nên “chấn động” vào thời điểm công chiếu ở Việt Nam, vì lúc bấy giờ chưa có nhiều phim Nhật được phát sóng. Với nội dung mang đậm tính nhân văn cùng lối sống của giới trẻ Nhật Bản đã ít nhiều tác động một bộ phận khán giả Việt Nam.
Shin Hoshi no Kinka – Bình cũ rượu mới
Được chính thức xác nhận là phần tiếp theo của Hoshi no Kinka, Shin Hoshi no Kinka lại thay đổi toàn bộ diễn viên và cốt truyện. Câu chuyện hoàn toàn độc lập với 2 phần trước, chỉ giữ lại một nhân vật phụ chứng kiến tất cả tình cảm của các nhân vật và chủ đề về cô gái khiếm thính vươn lên trong cuộc sống để tìm lấy hạnh phúc đích thực.
Câu chuyện xoay quanh Mahiru, cô gái câm điếc bị mẹ bỏ rơi, sống cùng cha mẹ nuôi ở Okinawa và bị bạo lực cả ở nhà và trên trường. Cô gặp Kazuki, chàng trai ở Tokyo đến Okinawa du lịch. Vẻ đẹp lãng tử và sự tốt bụng của anh đã làm Miharu rung động và khi Miharu lên tàu rời đảo, cô đã xin được đi theo. Kazuki đồng ý nhưng đó chỉ là giây phút xúc động nhất thời, để rồi kéo theo một chuyện tình đẫm nước mắt.
Mang cái mác là phần cuối cùng của Hoshi no Kinka nhưng câu chuyện hoàn toàn mới khiến bộ phim vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, nhờ nội dung kịch tính mà bộ phim dần được đón nhận. Tuy không nổi tiếng bằng hai phần trước nhưng phim cũng để lại ấn tượng trong lòng khán giả.
Kimi no Te ga Sasayaite Iru – Bộ phim kéo dài 5 năm
Chỉ dài có 5 tập nhưng khán giả Nhật Bản phải mất 5 năm mới theo dõi hết câu chuyện về cô gái khiếm thính. Đây là phim truyền hình đặc biệt của TV Asahi, mỗi năm chỉ làm 1 tập, bắt đầu từ 1997 và kết thúc vào 2001. Câu chuyện kể về Mieko, cô gái câm điếc xin vào làm nhân viên cho một công ty mà họ không thể từ chối cô chỉ vì sợ bị kiện phân biệt với người khiếm khuyết. Thế nhưng Mieko cũng không được công ty giao việc gì quan trọng. Trong lúc chán nản, cô được anh đồng nghiệp Hirofumi hết lòng giúp đỡ và tình yêu nảy nở từ đó. Thời gian đầu, chính Hirofumi cũng không phân biết được đấy là yêu hay chỉ là thương hại, cũng không hình dung được những khó khăn khi hẹn hò với người khiếm thính. Nhưng rồi họ cũng vượt qua tất cả, kết hôn, sinh con và có một gia đình hạnh phúc.
Nếu Hoshi no Kinka là câu chuyện tình yêu đầy bi kịch thì những gì diễn ra trong Kimi no Te ga Sasayaite Iru lại nhẹ nhàng và mang tính thực tế hơn. Dựa theo một manga cùng tên, bộ phim là hành trình của một cô gái từ khi còn độc thân đến khi kết hôn, làm mẹ, dũng cảm đối diện với những mặc cảm trong lòng.
Aishiteiru to Ittekure – Chuyện chàng họa sĩ mất thính giác
Nếu những tác phẩm kể trên đều lấy nữ giới làm trung tâm thì Aishiteiru to Ittekure có nam chính là người mất thính giác từ năm lên 7. Kohji là một nghệ sĩ trẻ mang tất cả tâm tư và đam mê gửi gắm vào những bức tranh. Một lần tình cờ gặp Hiroko ở công viên, Kohji đã lưu luyến không quên. Thế nhưng hai người là hai thế giới khác biệt, liệu có thể đến với nhau không?
Cùng ra đời vào năm 1995, cùng mang đề tài về người khiếm thính, Aishiteiru to Ittekure không khỏi bị mang ra so sánh với Hoshi no Kinka đã phát sóng cách đó vài tháng. Tuy nhiên, Aishiteiru to Ittekure vẫn vẻ vang mang về 8 giải thưởng của The Televison Drama Academy Awards mùa thu năm 1995.
Fukuoka Renai Hakusho 13 – Chuyện tình thứ 13 ở Fukuoka
Fukuoka Renai Hakusho là loạt phim mỗi năm một tập kể về những chuyện tình ở Fukuoka. Điểm khác biệt so với Kimi no Te ga Sasayaite Iru là phim chỉ có chung bối cảnh là Fukuoka xinh đẹp, còn nội dung từng truyện thì hoàn toàn độc lập. Fukuoka Renai Hakusho 13 có tên Kimi no Sekai no Mukougawa, kể về chàng sinh viên đại học Sota trúng tiếng sét ái tình với cô nàng khiếm thính Ritsu. Sota đã học thủ ngữ để trò chuyện cùng Ritsu và cả hai đã có một chuyện tình lãng mạn kéo dài 5 năm. Rồi một ngày, Sota cầu hôn nhưng Ritsu từ chối.
Điểm chung thường thấy của những bộ phim về người khiếm thính là nhân vật của chúng ta luôn nỗ lực hết mình để sống như người bình thường, nhưng lại rất tự ti khi đối diện với tình yêu. Kimi no Sekai no Mukougawa mang hơi thở thời đại mới khi các nhân vật có thể trao đổi thông qua smartphone, đọc được tin nhắn điện thoại, chat với nhau, thậm chí ghi điều mình muốn nói lên điện thoại chứ không cần đến những tờ giấy note nữa. Thế nhưng, tập phim ngắn này lại khiến khán giả xúc động khi nhân vật nam từ chối nói chuyện với nữ chính qua các thiết bị hiện đại mà kiên quyết học thủ ngữ để có thể “thật sự nói chuyện” với người mình yêu.
kilala.vn
17/07/2020
Bài: Huyền Quang
Đăng nhập tài khoản để bình luận