Người Vợ Cá Vàng - Bộ phim Nhật táo bạo về ngoại tình
Khai thác chủ đề ngoại tình, Người Vợ Cá Vàng nhanh chóng thu hút sự chú ý với cách tiếp cận trần trụi và táo bạo. Bằng cách thẳng thắn đào sâu vào vấn đề tình yêu và tình dục trong hôn nhân, bộ phim khiến người ta suy ngẫm về cách mà bản giao ước ấy được xem là thiêng thiêng liêng với người này nhưng lại là gông cùm với người khác.
Người Vợ Cá Vàng (tựa gốc: Kingyo Tsuma) được chuyển thể từ bộ truyện tranh ăn khách cùng tên đã bán được 3 triệu bản của tác giả R Kurosawa. Bộ phim sử dụng những chất liệu quen thuộc từ đời sống kết hợp cùng chút dị thường để khai thác một chủ đề nhạy cảm không bao giờ cũ: ngoại tình.
Những ẩn ức đa chiều trong đời sống hôn nhân
Cá vàng là một loài động vật mẫn cảm, dễ bị thương tổn nếu nuôi nhốt trong môi trường nước không trong sạch. Thực tế này được bộ phim ví von tương tự như tình cảnh của những người phụ nữ mắc kẹt trong cuộc hôn nhân không hạnh phúc, đục ngầu toan tính, hiểu lầm, và đôi khi cả bạo lực.
Ở trung tâm câu chuyện là Sakura (Shinohara Ryoko), một phụ nữ thoạt trông cứ ngỡ có cuộc sống viên mãn với người chồng giàu có trong căn hộ cao cấp, hoá ra đang chịu cảnh bị chồng lừa dối và bạo hành liên tục.
Trong một lần xô xát, tức nước vỡ bờ, Sakura nhận ra mình phải cứu lấy bản thân và bỏ đi, sau đó được cậu chủ tiệm cá cảnh là Haruto (Iwata Takanori) giúp đỡ. Quá trình chuyển biến tâm lý của Sakura và tình yêu chớm nở giữa cô cùng Haruto tạo nên mạch truyện chính cho bộ phim.
Ngoài Sakura, phim còn giới thiệu đến khán giả câu chuyện của 5 người phụ nữ khác sống trong cùng tòa chung cư - 5 “người vợ cá vàng” đối mặt với những vấn đề riêng trong hôn nhân của họ. Mỗi người vợ được đặt biệt danh và bộ phim được triển khai theo lối tổng hợp từng câu chuyện riêng của mỗi người, song song với phát triển mạch cảm xúc chính của Sakura.
Chẳng hạn như “Người Vợ Cải Tiến” Yuriha (Hasegawa Kyoko) ngoại tình vì chán nản sự vô tâm của chồng, “Người Vợ Thuê Ngoài” Yuka (Nakamura Shizuka) ngoại tình vì bị khước từ mong muốn có con và mặc cảm về sức hút của bản thân, hay “Người Vợ Đau Đầu” Hisako (Matsumoto Wakana) thường xuyên gánh chịu những cơn đau liên tục, nhất là khi nghĩ đến việc ngoại tình, do xuất phát từ chấn thương tâm lý.
Tựu trung, cuộc hôn nhân thiếu vắng sự sẻ chia và giao tiếp chân thành là xuất phát điểm của những mối quan hệ ngoài luồng.
Mô típ cũ kỹ, phát triển tâm lý nhân vật còn hời hợt
Cả sáu gia đình trong Người Vợ Cá Vàng đều theo mô típ chồng đi làm - vợ nội trợ, có người hạnh phúc với việc bếp núc, có người vì tai nạn mà phải bỏ dở công việc mình thích, có người vốn độc lập nhưng trở nên thu mình hậu hôn nhân.
Ở chiều ngược lại, những người chồng có người gia trưởng bạo lực và sống với phương châm “phụ nữ mà đàn ông thèm muốn nhất là vợ của một người đàn ông khác”, có kẻ không biết trân trọng sự chăm sóc của vợ mình, hay nhẹ nhất cũng là tham công tiếc việc đến mức bỏ bê gia đình.
Dẫu biết thực tế phần đông phụ nữ Nhật Bản bị áp lực rất lớn với công việc nội trợ, việc luôn đẩy nhân vật nữ vào thế yếu trong hôn nhân và “phản diện hoá” những người chồng vẫn quá rập khuôn.
Đàn ông ngoại tình vì ham muốn, phụ nữ ngoại tình vì cảm xúc tinh thần bị bỏ bê dẫn đến ức chế hoặc do tình thế áp bức, những mẫu hình đã quá cũ kỹ ấy khiến Người Vợ Cá Vàng kém hấp dẫn bất chấp đã thêm thắt không ít tình tiết gây sốc.
Cá vàng “nhỏ bé nhưng mạnh mẽ” là một phép ẩn dụ dễ hình dung, nhưng cũng đồng thời nhấn mạnh sự yếu thế của phụ nữ trong cái bể hôn nhân, rằng những “người vợ cá vàng” cần được bạn đời chăm sóc, và nữ giới thường ở thế bị động vì không thể nào dễ dàng thoát khỏi bể, trừ khi có người đập vỡ nó.
Với thời lượng hạn chế, 8 tập phim không khai thác trọn vẹn tâm lý của các nhân vật. Trong khi nữ chính Sakura có ưu thế thời lượng nên được lột tả tương đối đầy đủ, hay câu chuyện của “Người Vợ Chạy Bộ” khá tròn trịa và vừa đủ cao trào dẫn đến một cái kết lạc quan và ý nghĩa, suy nghĩ và cảm xúc của các nhân vật còn lại đáng tiếc đều không được khai thác đủ sâu để khán giả dễ dàng đồng cảm.
Cổ xuý ngoại tình hay thông điệp đáng suy ngẫm?
Người Vợ Cá Vàng bị không ít khán giả chỉ trích lạm dụng cảnh nhạy cảm để câu kéo lượt xem do có mật độ cảnh nóng dày đặc. Đồng thời, việc xây dựng nhiều bối cảnh khác nhau nhưng đều dẫn đến việc người vợ quyết định ngoại tình bị xem là đang lãng mạn hoá chuyện quan hệ ngoài luồng.
Ở chiều ngược lại, phim ghi điểm nhờ hình ảnh và âm nhạc trữ tình, thông điệp dễ nhớ và dễ đồng cảm dẫu vẫn còn rập khuôn. Hôn nhân, với phụ nữ Nhật Bản nói riêng và Á Đông nói chung, vẫn là một “cái bể” khó thoát dẫu cho phải lặn ngụp trong làn nước đục ngầu nhiều tháng, nhiều năm. Có thể vì muốn nhấn mạnh thực trạng này, bộ phim để những người vợ mắc kẹt trong hôn nhân không trọn vẹn hạnh phúc ưu tiên ngoại tình thay vì đề nghị ly hôn.
Hẳn nhiên ngoại tình là sai trái, nhưng quan trọng hơn là những nứt vỡ đằng sau, vốn xuất phát từ muôn vàn ẩn ức lẩn khuất trong nhiều ngóc ngách của hôn nhân, chỉ chực chờ bùng nổ nếu không được quan tâm đến.
Có thể nói Người Vợ Cá Vàng là một tựa phim gây nhiều tranh cãi và để lộ khiếm khuyết trong cách xây dựng nhân vật, nhưng không thể phủ nhận nó thừa táo bạo và đủ để khiến khán giả ít nhiều suy tư về thực tế rằng, lằn ranh đúng - sai bất dịch thường khó thắng nổi lằn ranh nhạt nhoà giữa cảm xúc và lý trí.
kilala.vn
Thông tin bộ phim:
- Tên phim: 金魚妻 (Kingyo Tsuma) - Người Vợ Cá Vàng
- Đạo diễn: Namiki Michiko, Matsuyama Hiroaki, Narakino Aya
- Thể loại: Drama
- Số tập: 8
- Đơn vị sản xuất: Netflix
- Diễn viên: Shinohara Ryoko, Iwata Takanori, Ando Masanobu, Hasegawa Kyoko.
09/04/2022
Bài: An Thủy
Ảnh: IMDB, Netflix
Đăng nhập tài khoản để bình luận