Arrietty: Thế giới tuyệt đẹp và triết lý đáng yêu của người vay mượn tí hon
Được chuyển thể từ tiểu thuyết ăn khách “The Borrowers” (tựa Việt: Những người vay mượn tí hon), Arrietty đưa khán giả vào thế giới xinh đẹp và đầy mạo hiểm của những người tí hon sống ẩn nấp trong căn nhà của loài người, từ đó kể một câu chuyện cảm động giữa người bạn đến từ hai thế giới khác biệt.
Đôi nét về đạo diễn Hiromasa Yonebayashi
Trước khi dừng chân tại Studio Ponoc và thành công với Mary and the Witch’s Flower (2017), Hiromasa Yonebayashi (sinh năm 1973) là đạo diễn trẻ nhất trong lịch sử nhà Ghibli với hai tác phẩm The Secret World of Arriety (2010) và When Marnie was There (2014).
Trước khi được Toshio Suzuki tin tưởng giao cho ghế đạo diễn, ông đã đảm nhận những vị trí lớn nhỏ liên quan đến hiệu ứng cho các tác phẩm của hai người sáng lập Ghibli, như đạo diễn hình ảnh cho My Neighbor Totoro, key animator (họa sĩ vẽ chính) cho Spirited Away, The Wind Rises, Howl’s Moving Castle., hay inbetween animator (vẽ khung hình trung gian) cho My Neighbors the Yamadas.
Không được đào tạo chính thống trong ngành công nghiệp hoạt hình (Hirosama tốt nghiệp ngành thiết kế quảng cáo), vị đạo diễn trẻ tuổi được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ người kế vị tiềm năng quá cố của xưởng - Yoshifumi Kondo để rồi gia nhập nhà Ghibli.
Sau một thời gian dài kinh qua các vị trí lớn nhỏ, Hiromasa được nhà sản xuất Toshio Suzuki và đạo diễn Hayao Miyazaki đề nghị dẫn dắt dự án Arrietty. Được giao cho một trọng trách quá lớn, ban đầu Hirosama đã từ chối, nhưng sau cùng ông quyết định thử sức.
Một bản chuyển thể đậm chất Ghibli
Nếu nhìn vào thời điểm công chiếu lần đầu của Arrietty (2010) với khoảng thời gian ra mắt nguyên tác The Borrowers (1952), có thể thấy cả hai cách nhau đến 48 năm. Tác phẩm gốc của nhà văn nữ Mary Norton đã đạt Huân chương Carnegie - giải thưởng văn chương Anh cho hạng mục sách thiếu nhi tiêu biểu. Sau thành công đó, Mary cho ra thêm một loạt series liên quan đến tiểu thuyết giả tưởng trên và cũng gặt hái thêm một đề cử cho Huân chương Carnegie.
Không chỉ dừng lại ở giải thưởng văn học, The Borrowers còn tạo nên sức hút lạ kỳ khi được chuyển thể thành phim ở Anh và Mỹ. Cụ thể là The Borrowers của hãng Century Fox (Mỹ) chiếu trên truyền hình vào năm 1973, loạt phim The Borrowers năm 1992 kèm phần hậu truyện The Return of the Borrowers năm 1993 của BBC, phim điện ảnh The Borrowers năm 1997 do dàn diễn viên Anh - Mỹ đóng và loạt nhạc kịch được chuyển thể từ truyện. Sau Arriety của Ghibli, năm 2011 lại có phim The Borrowers của BBC với sự tham gia của diễn viên Stephen Fry.
Giữa một loạt tác phẩm chuyển thể đã tạo cơn sốt trước đó, điều gì đã khiến Ghibli gặt hái được thành công? Sau khi Arrietty được ra mắt, phim đã đạt quán quân phòng vé tại Nhật và thuộc top 4 phim có doanh thu cao nhất trên toàn nước Mỹ. Điều này có lẽ trước hết nằm ở phần kịch bản chuyển thể của Hayao Miyazaki, và cùng với sự nỗ lực của cả ekip, Studio Ghibli đã tạo nên “chất Nhật” cho đứa con tinh thần nhưng đồng thời vẫn tôn trọng nguyên tác.
Nhà làm phim của Ghibli đã chuyển bối cảnh sống của gia đình Arrietty đến một ngôi nhà ở Nhật Bản. Cô bé Arrietty 14 tuổi cùng cha mẹ sinh sống vui vẻ và bình yên trong ngôi nhà tí hon của họ, bên trong nhà của Sho - một cậu bé loài người mắc bệnh tim đang dưỡng bệnh cùng với người dì và một cô giúp việc.
Cuộc sống của gia đình tí hon ba người luôn diễn ra êm đềm cho đến khi Sho vô tình gặp Arrietty ở ngoài vườn và đem lòng tò mò. Cậu bé nhanh chóng được dì giải thích về những người tí hon sống bí mật trong căn nhà mình, nhưng người giúp việc cảm thấy khó chịu và muốn bằng mọi cách phá tan nơi sống của họ. Dù bị cha mẹ ngăn cấm giao tiếp với loài người, giữa Arriety và Sho đã hình thành nên một sợi dây tình bạn. Và chính điều này cũng khiến gia đình cô lâm nguy, phải chuyển đến nơi khác sinh sống.
Các phiên bản The Borrowers Âu Mỹ cho thấy sự tinh nghịch, sôi nổi của những người tí hon và tập trung nhiều vào con người. Còn với Arriety, đạo diễn trẻ Hirosama Yonebayashi cùng biên kịch Hayao Miyazaki dẫn dắt người xem vào cuộc sống yên ả, thanh bình đậm chất “slice of life”.
Tuy nhiên, sự nhẹ nhàng ấy không hề đơn điệu mà trái lại rất thú vị, bởi khung cảnh trong thế giới của người vay mượn được thể hiện dưới góc nhìn của những người tí hon. Ở đó, mọi thứ đều được “phóng to”, từ chiếc lá thường xuân, giọt nước mưa đến những con bọ đều hóa khổng lồ và được tái hiện vô cùng chi tiết. Ngay cả chuyến đi vay mượn đầu tiên của cha con Pod và Arrietty đến căn bếp của chủ nhà cũng hóa một cuộc phiêu lưu hồi hộp.
Một điểm thu hút khán giả nữa chính là không gian tuyệt diệu trong ngôi nhà của những người vay mượn tí hon. Nhìn vào căn phòng của Arrietty, chúng ta thấy được thế giới mộng mơ rất nhiều màu xanh lá, đầy ắp hoa và cây cỏ của cô bé 14 tuổi đang háo hức khám phá thế giới.
Với căn bếp và phòng ăn, cảnh cả nhà dùng bữa với nhau tạo cảm giác ấm cúng và chân thật như bữa ăn của bất kỳ gia đình nào. Không gian ngập tràn sắc màu và sức sống nhưng cũng rất yên bình ấy thu hút người xem, khiến bất kỳ ai cũng ao ước biến nó thành ngôi nhà của mình.
Câu chuyện dễ thương về tình bạn và sự chia ly
Bên cạnh phần hình ảnh tuyệt vời, người xem có cảm giác “tan chảy” trước câu chuyện giữa Sho và Arrietty. Nhân vật Sho chinh phục khán giả nhờ sự điềm tĩnh, cử chỉ tinh tế với cô bạn tí hon Arrietty cùng những câu thoại “chất như nước cất” như: “Trái tim của tớ đã mạnh mẽ hơn, vì đã có cậu trong đó.”
Thậm chí, hình ảnh cậu nằm vuốt con mèo đọc sách chờ Arrietty cũng đốn tim bao người xem. So với pháp sư Howl trong “Howl’s Moving Castle”, Sho hẳn cũng đáng để liệt vào nhóm “tình đầu quốc dân”! Còn cô bé Arrietty chinh phục khán giả bằng tính cách hồn nhiên, mạnh mẽ và tràn trề sức sống.
Tuy nhiên, tình cảm đẹp đẽ cuối cùng cũng phải kết thúc. Họ phải rời xa nhau vì sự sinh tồn, vì quan niệm sống ẩn dật của những người tí hon. Cuộc chia ly của Sho và Arrietty khiến khán giả ray rứt, nhưng phân cảnh họ tạm biệt trong một đêm trăng thanh vắng là một cảnh rất đẹp.
Triết lý đáng yêu của người vay mượn tí hon
Tuy nhiên, điều đọng lại trong lòng người viết chính là lời nói dõng dạc của Arriety trước Sho về việc những người vay mượn tí hon không phải là kẻ ăn cắp: “Cha mẹ tôi và tôi đều là những người vay mượn. Những thứ chúng tôi cần, từng chút một, sẽ không làm ảnh hưởng tới họ. Xà phòng, bánh quy và đường.”
Tuy là một chi tiết rất nhỏ, nhưng lại có gì đó rất đặc biệt. Nó khiến ta phải bật cười, nhưng nó cũng cho thấy rằng thế giới của những người vay mượn gói gọn trong một thông điệp: vừa đủ.
Cũng như đạo diễn Hiromasa Yonebayashi từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn về việc ông nghĩ gì về sự liên đới của Arrietty với xã hội hiện đại: “Bằng cách tạo sự tương phản giữa cuộc sống tiêu thụ thừa mứa ngày nay với lối sống thanh đạm của những người vay mượn tí hon - những người chỉ lấy thứ họ cần, chúng tôi hy vọng khán giả suy ngẫm về cuộc sống của mình sau khi xem phim.”
Và đó cũng là thứ khiến khán giả yêu gia đình Arrietty đến vậy. Họ sống hòa mình với tự nhiên, hồn nhiên và tận hưởng những gì thế giới mang lại. Để đạt được cái ngưỡng vừa đủ như họ, con người chúng ta có lẽ cần không ít thời gian để nhận ra.
Ngày thành lập của Studio Ghibli ?
Công ty cổ phần Studio Ghibli (15/6/1985) là một hãng phim hoạt hình Nhật Bản có trụ sở tại Koganei, Tokyo, Nhật Bản. Đứng sau hàng loạt những bộ anime nổi tiếng toàn thế giới như: Howl’s Moving Castle, The Secret World of Arrietty
kilala.vn
04/07/2022
Bài:
Ảnh: wallpaperaccess.com
Đăng nhập tài khoản để bình luận